Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ em

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Duy Chinh - Đơn nguyên Kỹ thuật cao Điều trị bại não và Tự kỷ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ khi sinh gây liệt hay yếu cơ chi trên và mất cảm giác, theo sau đó là những thay đổi trong thần kinh giao cảm, co rút mô mềm và biến dạng chi. Biểu hiện trên lâm sàng là trẻ có cử động yếu hoặc không cử động được cánh tay, cẳng, bàn tay bên liệt, cơ mềm, nhão, kèm theo trẻ có giảm hoặc mất cảm giác vùng da cánh tay, cẳng tay, bàn tay tương ứng rễ thần kinh chi phối bị tổn thương.

Vừa qua Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có gặp ca bệnh nhân nhi 1 tháng tuổi, đã được khám, chẩn đoán và điều trị - phục hồi chức năng thành công:

“Bệnh nhân nữ 1 tháng tuổi, sinh khó, cân nặng lúc sinh 3,7 kg. Sau sinh phát hiện sưng tím nhẹ phần mềm vùng vai trái và có biểu hiện giảm vận động tay trái, bệnh nhân đã được khám và chẩn đoán sơ bộ tổn thương đám rối thần kinh cánh tay tại bệnh viện tỉnh, sau đó gia đình có đưa cháu bé đến gặp Ths.Bs. Vũ Duy Chinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City để xin khám và tư vấn điều trị. Sau khi được bác sĩ hỏi bệnh, thăm khám, đánh giá tình trạng lâm sàng, bệnh nhân được chỉ định chụp MRI đám rối thần kinh cánh tay với máy cộng hưởng từ 3 Tesla, đánh giá điện thần kinh cơ các nhóm cơ tay tại bệnh viện VINMEC. Kết quả chụp MRI và điện thần kinh cơ đi đến kết luận bệnh nhi bị tổn thương đụng dập, đứt bán phần sau hạch rễ C5, C6 và thân giữa có xơ hóa một phần rễ thần kinh vùng tổn thương. Bênh nhi chưa có chỉ định phẫu thuật nên đã được điều trị thuốc uống và vật lý trị liệu-phục hồi chức năng bao gồm: điện xung kích thích thần kinh-cơ kết hợp tập luyện phục hồi chức năng vận động cơ và kích thích phục hồi cảm giác... Sau 3 tuần điều trị bệnh nhân đã có những cải thiện về mặt lâm sàng rất tốt, trẻ có thể nâng tay cao ngang mặt, cầm nắm đồ vật khá tốt, các nhóm cơ vai, cơ cánh tay, cẳng tay không còn teo nhẽo như trước điều trị.”

1. Biểu hiện tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ


Hình ảnh giải phẫu đám rối thần kinh cánh tay
Hình ảnh giải phẫu đám rối thần kinh cánh tay

Đám rối thần kinh cánh tay là một mạng lưới các dây thần kinh xuất phát từ tủy sống cổ và ngực cao dẫn truyền các xung động thần kinh từ tủy sống tới vai, cánh tay và bàn tay.

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh thường gặp ở các trường hợp đẻ khó, trẻ nặng cân khi sinh, đẻ ngôi ngược (ngôi mông, đầu ra sau)...gây liệt hay yếu cơ chi trên và giảm, mất cảm giác tay tổn thương. Do đó, trẻ sơ sinh bị mất chức năng đáng kể trong việc sử dụng tay liệt và khiếm khuyết trong các hoạt động dùng hai tay. Lực tác động lên đám rối thần kinh có thể gây tổn thương cho rễ trên (C5,C6) gọi là liệt kiểu Erb, nếu tổn thương cho rễ dưới (C7,C8,N1) gây liệt các cơ ở bàn tay gọi là liệt kiểu Klumpke. Nhiều trẻ sơ sinh thể hiện liệt kiểu hỗn hợp giữa rễ trên và rễ dưới.

Biểu hiện trên lâm sàng là trẻ có cử động yếu hoặc không cử động được cánh tay, cẳng, bàn tay bên liệt, cơ mềm, nhão, kèm theo trẻ có giảm hoặc mất cảm giác vùng da cánh tay, cẳng tay, bàn tay tương ứng rễ thần kinh chi phối bị tổn thương.


Hình ảnh MRI đám rối thần kinh cánh tay tổn thương (hình minh họa)
Hình ảnh MRI đám rối thần kinh cánh tay tổn thương (hình minh họa)

2. Các phát hiện bất thường của ở trẻ có tổn thương đám rối thần kinh cánh tay

Trẻ sơ sinh, sau ca sinh khó, quan sát thấy trẻ nằm không cân xứng với một tay giảm vận động buông thõng thay vì giữ tư thế gập tay của trẻ mới sinh. Ở kiểu liệt cánh tay trên, các nhóm cơ sau đây có thể bị ảnh hưởng: Cơ trám, cơ nâng vai, cơ răng cưa trước, cơ đen ta, cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ nhị đầu cánh tay, cơ cánh tay quay, cơ cánh tay, cơ ngửa và cơ duỗi cổ tay, các ngón và ngón cái dài. Ở cẳng tay, những cơ sau đây có thể bị ảnh hưởng: Cơ duỗi cổ tay và các ngón và cơ nội tại lòng bàn tay làm cho cẳng tay trẻ quay sấp, cổ tay và các ngón gập.


Trẻ sơ sinh bị liệt tay phải.
Trẻ sơ sinh bị liệt tay phải.

Sự yếu hay liệt khiến cho các cơ hoạt động bù trừ sinh ra sự thực hiện động tác thích nghi. Sự thực hiện động tác như các hoạt động thăng bằng trong khi ngồi và thao tác bằng hai tay, cũng như các hoạt động của tay liệt bị ảnh hưởng.

Sự loạn vận động xảy ra là kết quả của sự kết hợp của sự liệt và yếu cơ, các hoạt động của cơ còn đầy đủ thần kinh chi phối không đi cùng hoạt động của cơ đối vận và mất cân bằng chức năng. Khi trẻ sơ sinh cố với ra lấy đồ chơi thì hành vi vận động thích nghi sẽ trở nên rõ ràng, đứa trẻ co cơ gập vai, xoay ngoài và cơ ngửa yếu. Việc ngang vai tạo thuận cho trẻ với ra trước với cánh tay xoay trong và quay sấp.

Mất hay giảm cảm giác có thể xảy ra ở bờ ngoài của cánh tay, cẳng tay hay bàn tay tùy vị trí và mức độ tổn thương rễ thần kinh nhưng thường ít hơn so với mất vận động. Nơi mất cảm giác hoàn toàn ở liệt nặng cả cánh tay, thì sẽ mất tất cả cảm giác - đau, nhiệt độ, sờ và cảm giác sâu (cảm nhận bản thể).

3. Điều trị và phục hồi chức năng


Thuốc uống hỗ trợ kết hợp vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng
Thuốc uống hỗ trợ kết hợp vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng

Tùy vào vị trí tổn thương và mức độ tổn thương các rễ thần kinh thì bệnh nhân sẽ có các biểu hiện mức độ liệt khác nhau và hướng xử trí khác nhau.

Phẫu thuật: Can thiệp phẫu thuật được chỉ định khi tổn thương đứt hoàn toàn rễ, bó, sợi thần kinh, trên lâm sàng trẻ biểu hiện liệt hoàn toàn các nhóm cơ do thần kinh chi phối. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm: Nối, ghép và chuyển đổi dây thần kinh, ngoài ra, có thể sử dụng phẫu thuật chuyển cơ trong điều trị muộn khi nối ghép thần kinh không hiệu quả để phục hồi chức năng cho bệnh nhân.

Điều trị bảo tồn và phục hồi chức năng:

Với các tổn thương không hoàn toàn như: Gián đoạn luồng thần kinh, tổn thương kéo giãn, đứt, rách 1 phần rễ, bó sợi thần kinh...bệnh nhân sẽ được lựa chọn bảo tồn trước tiên. Phương pháp điều trị bao gồm: Thuốc uống hỗ trợ kết hợp vật lý trị liệu - phục hồi chức năng.

Mục tiêu chính của vật lý trị liệu là đảm bảo tình trạng tối ưu cho sự phục hồi của chức năng vận động, để tạo điều kiện môi trường cần thiết cho các cơ hoạt động trở lại ngay khi sự tái kích hoạt thần kinh đã xảy ra và để huấn luyện kiểm soát vận động. Ngăn ngừa co rút mô mềm và biến dạng xương; ngăn ngừa hành vi vận động thích nghi; và ngăn ngừa sự quên chi liệt.

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ khi sinh gây liệt hay yếu cơ chi trên và mất cảm giác, theo sau đó là những thay đổi trong thần kinh giao cảm, co rút mô mềm và biến dạng chi. Do đó, trẻ sơ sinh, bị mất chức năng đáng kể thì có khó khăn khi với tay ra và trong việc sử dụng tay liệt và khiếm khuyết trong các hoạt động dùng hai tay. Tiên lượng phụ thuộc chủ yếu vào mức độ tổn thương nặng hay nhẹ, thời gian trẻ được phát hiện và can thiệp sớm hay muộn. Tiềm năng phục hồi cũng bị ảnh hưởng bởi việc không sử dụng chi liệt, sự co rút mô mềm, bản chất cũng như cường độ tập luyện phục hồi chức năng.

Có trên 17 năm kinh nghiệm, Bác sĩ Vũ Duy Chinh đặc biệt nổi tiếng trong lĩnh vực Phục hồi chức năng thần kinh, chấn thương và nhi khoa: bại não, tự kỷ, rối loạn cơ tròn bàng quang, hậu môn, tổn thương tủy sống...

Bên cạnh đó, khoa Nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn là địa chỉ tin cậy trong tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Để được thăm khám và tư vấn tại Khoa Nhi thuộc tất cả các bệnh viện trong Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, Quý khách hàng vui lòng đặt hẹn trước trên website.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe