Phục hồi chức năng trẻ em bị liệt tay do tổn thương đám rối thần kinh cánh tay

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tổn thương đám rối thần kinh khá thường gặp do nhiều nguyên nhân gây ra. Trẻ bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay có thể dẫn tới liệt vận động tay, rối loạn cảm giác chi trên. Việc phục hồi chức năng trong một số trường hợp giúp trẻ cải thiện tình trạng liệt và hạn chế sự xơ cứng theo thời gian.

1. Tổng quan tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ

Đám rối thần kinh cánh tay được tạo thành từ các sợi thần kinh thoát ra từ tủy cổ 5 đến 8 và tủy ngực 1. Rễ thần kinh qua lỗ ghép đốt sống tạo thành các rễ thần kinh, sau đó mỗi sợi thần kinh tách thành nhánh trước và sau. Các nhánh ghép nối với nhau tạo thành đám rối thần kinh cánh tay và từ đám rối hình thành các dây thần kinh. Các nhánh thần kinh từ đám rối thần kinh sẽ đi đến cơ và da chi phối vận động, cảm giác cho phần chi trên.

Một tổn thương đám rối thần kinh có thể ảnh hưởng tới một hoặc nhiều nhánh thần kinh từ đó ảnh hưởng tới chức năng vận động và cảm giác do dây thần kinh đó chi phối.

Ở trẻ nhỏ nguyên nhân gây ra tổn thương đám rối thần kinh cánh tay có thể do trong quá trình sinh nở sử dụng thủ thuật hoặc kéo tay và vai khi lấy thai; hoặc trẻ lớn hơn thường do chấn thương trong các tai nạn.

Biểu hiện tổn thương đám rối thần kinh cánh tay:

  • Trẻ đau và sưng nề phần mềm vùng vai tay bên tổn thương
  • Hạn chế vận động chủ động của chi trên do tổn thương dây thần kinh của đám rối thần kinh. Tùy thuộc dây thần kinh tổn thương mà biểu hiện liệt vận động khác nhau.
  • Nếu liệt thần kinh cơ bì sẽ mất vận động dạng cánh tay.
  • Liệt thần kinh giữa: Ngón tay 1 và 2 không gấp lại được khi trẻ nắm tay.
  • Liệt thần kinh quay: Mất khả năng duỗi khớp bàn ngón, hạn chế dạng ngón 1.
  • Liệt thần kinh trụ: Khi nắm bàn tay lại, thì các ngón 4, 5 và một phần ngón 3 không gập hết được, không gập được đốt cuối ngón 5.
  • Cơ mềm nhão, trương lực cơ giảm.
  • Phản xạ gân xương của bên liệt giảm hơn so với bên lành.
  • Rối loạn cảm giác.

Với trẻ nhỏ việc chẩn đoán tổn thương thần kinh cánh tay thường khó hơn. Cần phải kết hợp giữ biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng như chụp CT, MRI và đo điện cơ đồ để đánh giá mức độ tổn thương.


Đám rối thần kinh cánh tay được tạo thành từ các sợi thần kinh thoát ra từ tủy cổ 5 đến 8 và tủy ngực 1
Đám rối thần kinh cánh tay được tạo thành từ các sợi thần kinh thoát ra từ tủy cổ 5 đến 8 và tủy ngực 1

2. Phương pháp phục hồi chức năng trong điều trị liệt do tổn thương đám rối thần kinh cánh tay

2.1 Mục đích phục hồi chức năng

Các sợi thần kinh bị tổn thương nếu chưa đứt hẳn có thể phục hồi lại được, nhưng cần thời gian và thực hiện các biện pháp giúp phục hồi thần kinh cơ. Trong quá trình chờ đợi thần kinh phục hồi nếu không được luyện tập phục hồi chức năng các cơ và khớp chi trên sẽ thoái triển không phục hồi được. Nên việc luyện tập phục hồi chức năng trong thời gian này rất quan trọng.

  • Tập vận động giúp tăng sức cơ, hạn chế cứng khớp do bất động lâu ngày.
  • Hạn chế tình trạng các cơ sẽ bị teo nhỏ, co thắt và thoái biến theo thời gian.
  • Sử dụng các xung điện giúp kích thích sự hoạt động của thần kinh và cơ bị liệt.

2.2 Các phương pháp phục hồi chức năng

Xoa bóp trị liệu

  • Thực hiện xoa bóp cơ bên tay liệt giúp tăng tuần hoàn, tăng nuôi dưỡng cơ, giảm co thắt, giảm phù nề và tăng lực cơ. Thường thực hiện xoa bóp trước khi tập vận động trị liệu.
  • Xoa bóp nhẹ nhàng các vùng cơ từ vai, cánh tay, cẳng tay, bàn tay và ngón tay bên liệt.

Vận động trị liệu: Bao gồm vận động thụ động giúp trẻ hạn chế tình trạng cứng khớp và vận động chủ động giúp tăng sức cơ bị liệt.

  • Nguyên tắc: Trong khoảng thời gian trẻ vẫn có đau do chấn thương (Khoảng 2 tuần đầu) thì chưa can thiệp. Bắt đầu thực hiện từ sau khi trẻ bớt đau.
  • Vận động thụ động theo tầm vận động của khớp: Tư thế bệnh nhân nằm ngửa

Vận động khớp vai: Tại khớp vai có thể thực hiện được các động tác gồm gấp duỗi, dạng, khép và xoay trong, xoay ngoài. Khi vận động cần thực hiện nhẹ nhàng hết các động tác mà khớp vai có thể thực hiện được và phải hết tầm vận động.

Tập gấp và duỗi khớp vai: Một tay cố định khớp vai, tay kia giữ ở cẳng tay. Từ từ gập tay về phía đầu của trẻ, sau đó đưa trở lại vị trí ban đầu và ra sau.

Dạng và khép, xoay khớp vai vào trong và ra ngoài: Một tay cố định khớp vai. Tay còn lại cầm ở cẳng tay. Từ từ dạng tay ra sau đó đưa trở lại vị trí ban đầu và đưa qua ngực sang phía bên đối diện.


Với trẻ nhỏ việc chẩn đoán tổn thương thần kinh cánh tay thường khó hơn
Với trẻ nhỏ việc chẩn đoán tổn thương thần kinh cánh tay thường khó hơn

Vận động khớp khuỷu: Khớp khuỷu thực hiện được các động tác bao gồm gấp và duỗi khớp khuỷu, xoay ngửa cẳng tay.

Tập vận động khớp khuỷu: Một tay giữ cố định tại khớp khuỷu. Tay kia nắm lấy bàn tay và từ từ ngửa bàn tay lên, sau đó lại úp bàn tay xuống.

Gấp duỗi khuỷu tay: Một tay nắm cổ tay, tay còn lại để dưới khuỷu tay để cố định, sau đó gập khuỷu tay lại tối đa, rồi duỗi sao cho cánh tay và cẳng tay được 1 góc 180 độ.

Vận động khớp cổ tay

Gấp mặt mu của khớp cổ tay, nghiêng trụ và nghiêng quay khớp cổ tay: Một tay giữ tại khớp cổ tay. Tay kia nắm lấy bàn tay và từ từ gấp và duỗi cổ tay, nghiêng cổ tay sang trái và phải.

Vận động khớp bàn ngón

Thực hiện các động tác duỗi đốt bàn ngón, dạng và khép các ngón tay từ ngón 1

  • Vận động chủ động: Đặt trẻ ngồi trong lòng mẹ, mặt quay về KTV.

Người thực hiện giữ tay lành của trẻ. Sau đó đưa đồ chơi có màu sắc, tiếng động về phía tay liệt khuyến khích trẻ với và cầm nắm bằng tay liệt. Việc thực hiện vận động chủ động giúp trẻ tự tập tăng cường sức cơ và phục hồi sau liệt.

  • Tập thực hiện tư thế đúng
  • Trẻ ngồi: Treo tay ở tư thế gập khuỷu 90 độ.
  • Trẻ nằm: Nằm nghiêng, tay bị liệt ôm gối tròn.

Điện trị liệu

  • Sử dụng dòng điện thấp tần ngắt quãng mục đích để kích thích hoạt động của các cơ bị liệt.
  • Thời gian thực hiện: 15-30 phút/lần/ngày, mỗi đợt khoảng 15-20 ngày.

Châm cứu

  • Có thể thực hiện điện châm giúp kích thích cơ và tăng cường dẫn truyền thần kinh.
  • Châm các huyệt vùng cánh tay, cẳng tay và bàn ngón tay bên liệt như: Huyệt kiên ngung, kiên trinh, khúc trì, thủ tam lý, hợp cốc...

2.3 Các phương pháp điều trị phối hợp

  • Kết hợp phục hồi chức năng với sử dụng thuốc
  • Thuốc giảm đau: Cho trẻ uống trước khi tập 30 phút trong trường hợp trẻ bị đau do tập.
  • Calci và vitamin D3 giúp phòng còi xương khi trẻ trên 3 tháng tuổi.
  • Phẫu thuật:
  • Phẫu thuật nối dây thần kinh được chỉ định trong trường hợp xác định có đứt đoạn thần kinh. Tuy nhiên trước khi thực hiện phẫu thuật trẻ vẫn cần thực hiện phục hồi chức năng để hạn chế sự xơ cứng cơ và khớp.
  • Trường hợp phục hồi chức năng kém hiệu quả, từ 3-5 tháng nên nghĩ tới phẫu thuật. Thời gian thực hiện phẫu thuật để có kết quả tối ưu là trước 6 tháng kể từ thời gian bị tổn thương.

Phẫu thuật nối dây thần kinh được chỉ định trong trường hợp xác định có đứt đoạn thần kinh
Phẫu thuật nối dây thần kinh được chỉ định trong trường hợp xác định có đứt đoạn thần kinh

2.4 Đánh giá kết quả phục hồi chức năng

Phục hồi liệt tay ở trẻ em do tổn thương đám rối thần kinh cánh tay là điều quan trọng giúp cho các cơ và khớp không bị xơ cứng không phục hồi. Trong thời gian này nếu thần kinh chưa đứt hẳn thì có thể tái tạo và phục hồi lại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe