Thắt tĩnh mạch tinh trên bụng

Phẫu thuật thắt tĩnh mạch trên bụng được thực hiện ở người bệnh giãn tĩnh mạch tinh. Đây là phương pháp phẫu thuật giúp ngăn ngừa sự trào ngược dòng máu tĩnh mạch về tinh hoàn và bảo tồn dòng máu động mạch, bạch huyết.

1. Mục đích thực hiện phẫu thuật thắt tĩnh mạch trên bụng

Phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh trên bụng được thực hiện ở người bệnh giãn tĩnh mạch tinh. Giãn tĩnh mạch tinh là bệnh lý giãn tĩnh mạch bất thường của tĩnh mạch tinh và đám rối tĩnh mạch tinh. Phần lớn bệnh nhân giãn tĩnh mạch tinh xảy ra ở một bên và thường là ở bên trái. Phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh được thực hiện nhằm ngăn cản sự trào ngược dòng máu tĩnh mạch về tinh hoàn, đồng thời bảo tồn dòng máu động mạch và bạch huyết.

2. Phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh được thực hiện trong trường hợp nào?

Phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân nam có các biểu hiện sau:
    • Người bệnh giãn tĩnh mạch tinh có thể sờ thấy được (độ 2 – 3).
    • Người bệnh và vợ không có khả năng sinh con.
    • Trường hợp bệnh nhân đã có gia đình và người vợ có khả năng sinh sản bình thường hoặc nếu không bình thường thì cũng có tiềm năng có thể chữa khỏi.
    • Bệnh nhân có hơn một dữ liệu bất thường trên tinh dịch đồ hoặc trên kết quả xét nghiệm chức năng tinh trùng.
  • Bệnh nhân nam trưởng thành bị giãn tĩnh mạch tinh có thể sờ thấy được và phân tích tinh dịch đồ bất thường nhưng hiện tại không cố gắng có con.
  • Bệnh nhân nam trưởng thành có bằng chứng giảm kích thước tinh hoàn cùng bên giãn tĩnh mạch tinh.
  • Giãn tĩnh mạch tinh gây triệu chứng đau đau tức vùng bìu kéo dài ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động hàng ngày.

Bên cạnh đó, phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh cũng được chống chỉ định ở những người bệnh có chống chỉ định phẫu thuật nói chung.


Bệnh nhân giãn tĩnh mạch tinh có biểu hiện giảm kích thước tinh hoàn sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật
Bệnh nhân giãn tĩnh mạch tinh có biểu hiện giảm kích thước tinh hoàn sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật

3. Chuẩn bị phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh

3.1. Người thực hiện kỹ thuật

Kỹ thuật thắt tĩnh mạch tinh được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa Nam học – Tiết niệu – Nhi khoa. Kíp mổ bao gồm bác sĩ phẫu thuật và hai phẫu thuật viên phụ.

3.2. Người bệnh

Trước khi tiến hành kỹ thuật, bác sĩ cần chuẩn bị cho bệnh nhân một số vấn đề như sau:

  • Bác sĩ cần giải thích cho người bệnh và người thân về mục đích, các tai biến, biến chứng có thể gặp khi thực hiện phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh.
  • Bác sĩ cần nhắc nhở người bệnh ăn nhẹ bữa tối hôm trước và nhịn ăn vào sáng hôm thực hiện phẫu thuật.
  • Tiến hành thụt tháo ruột cho bệnh nhân vào tối trước khi mổ.

3.3. Phương tiện

Kỹ thuật thắt tĩnh mạch tinh được thực hiện với các phương tiện sau:

  • Bộ dụng cụ trung phẫu
  • Kính phóng đại được sử dụng để thuận lợi trong việc phẫu tích các thành phần nhỏ như động mạch, bạch mạch..

4. Phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh được thực hiện như thế nào?

Phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh được thực hiện theo các bước như sau:

4.1. Tư thế

Người bệnh được nằm ở tư thế nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng và đầu kê cao khoảng 15 độ.

Phòng phẫu thuật được bố trí như sau:

  • Bác sĩ gây mê ở phía trên người bệnh.
  • Phẫu thuật viên chính đứng cùng bên với bên mổ và phẫu thuật viên phụ đứng ở phía đối diện.
  • Bàn dụng cụ đặt ở dưới chân người bệnh, điều dưỡng dụng cụ đứng cùng bên với phẫu thuật viên phụ.

4.2. Vô cảm

Bác sĩ gây mê tiến hành gây tê tủy sống hoặc gây tê thừng tinh phối hợp gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân.

4.3. Tiến hành phẫu thuật

Mổ đường bẹn: Bác sĩ sử dụng kỹ thuật mổ của Schoysman theo các bước sau:

  • Bác sĩ thực hiện đường rạch da giống với đường mổ của thoát vị bẹn. Đầu dưới của đường rạch là điểm giữa gai mu và khớp mu nơi mức bộc lộ bẹn ra ngoài. Đường rạch da xuyên lên trên và ra ngoài, theo đường phân giác của góc giữa dây cung đùi và bờ ngoài cơ thẳng to của bụng. Chiều dài trung bình của đường rạch là từ 8 – 10 cm.
  • Kỹ thuật mổ này không được áp dụng ở những bệnh nhân có tiền sử mổ thoát vị bẹn vì dễ phạm phải các thành phần của thừng tinh khi mổ lại. Bên cạnh đó, tĩnh mạch tinh tại vị trí này đã phân nhánh nên có nhiều nhánh bị bỏ sót khi thắt, động mạch tinh cũng đã phân nhánh nên cũng khó nhận biết bằng mắt thường để tách riêng.

Sau bước mổ đường bẹn, bác sĩ tiến hành mổ đường chậu sau phúc mạc bằng một trong các kỹ thuật sau:

  • Kỹ thuật của Ivanissevich: Bác sĩ tiến hành rạch da ở phía trên lỗ bẹn sâu và dưới gai chậu trước trên với chiều dài đường rạch từ 8 – 10 cm.
  • Kỹ thuật của Palomo:
    • Bác sĩ tiến hành rạch da theo chiều ngang dài 5 cm ở trên lỗ bẹn sâu, hơi cao hơn so với kỹ thuật mổ của Ivanissevich.
    • Bác sĩ thực hiện rạch cân cơ chéo lớn, tách các thớ cơ và bóc tách đi vào khoang sau phúc mạc.
    • Phẫu tích bộc lộ tĩnh mạch tinh và tách riêng các phần còn lại: Động mạch, bạch mạch..
    • Bác sĩ thực hiện thắt và cắt tĩnh mạch tinh ở vị trí sau phúc mạc bờ ngoài cơ thắt lưng chậu và bảo tồn động mạch tinh, bạch mạch.
    • Bác sĩ tiến hành cầm máu và khâu phục hồi vết mổ.

Bác sĩ có thể gây tê tủy sống trước khi thực hiện thắt tĩnh mạch tinh trên bụng
Bác sĩ có thể gây tê tủy sống trước khi thực hiện thắt tĩnh mạch tinh trên bụng

5. Theo dõi sau phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh

Sau khi thực hiện phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh, bác sĩ cần theo dõi tình trạng người bệnh với các chỉ số như sau:

  • Sự tiến triển của vết mổ: Vết mổ liền tốt hay viêm nhiễm, không liền.
  • Người bệnh có bị tụ máu bìu, phù nề, tràn dịch tinh mạc không.
  • Mức độ đau tinh hoàn và bìu bên phẫu thuật của bệnh nhân.

Theo dõi xa sau phẫu thuật: Bác sĩ cần thăm khám tình trạng chung và tại chỗ của người bệnh, thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ và nội tiết tố, SA Doppler màu vùng bìu. Đánh giá tình trạng hồi phục của người bệnh qua các yếu tố sau:

  • Tràn dịch tinh mạc
  • Giãn tĩnh mạch tinh tái phát
  • Teo tinh hoàn
  • Đau tức vùng bìu
  • Người bệnh có con sau phẫu thuật và sự cải thiện về chỉ số tinh dịch đồ

6. Xử trí tai biến sau phẫu thuật

Bác sĩ xử trí các tai biến sau phẫu thuật như sau:

  • Bác sĩ thực hiện mổ lại cầm máu trong trường hợp người bệnh chảy máu nhiều, tụ máu bìu.
  • Mổ lại dẫn lưu dịch trong trường hợp tràn dịch tinh mạc nhiều.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe