Ai cũng nghĩ rằng, mắc quai bị và bị biến chứng viêm tinh hoàn thì chắc chắn vô sinh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ nam học, trong vòng 1- 2 tháng sau khi viêm tinh hoàn, người bệnh đi khám và trữ lạnh tinh trùng, họ hoàn toàn có khả năng sinh con nhờ các biện pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại.
1. Tỷ lệ gặp biến chứng viêm tinh hoàn do quai bị chiếm khoảng 20- 30% số ca mắc và thường gặp ở nam giới ở độ tuổi dậy thì hoặc sau dậy thì
Những câu chuyện đáng tiếc
Sau khi mắc quai bị, anh Nguyễn Văn Tuấn (24 tuổi, ở Tam Điệp, Ninh Bình) thấy tinh hoàn ngày càng teo nhỏ đi nhưng vì ngại đi khám. Nửa năm sau, Tuấn mới đi làm xét nghiệm tinh dịch đồ. Anh hoảng hồn vì biết mình không còn khả năng làm cha."Cả hai tinh hoàn của bệnh nhân đã teo nhỏ, mềm nhẽo, xét nghiệm tinh dịch đồ không còn tinh trùng. Trường hợp này chữa để có con là vô cùng khó, phải nghĩ đến khả năng xin tinh trùng của người khác để thụ tinh" - Bác sĩ Nam khoa Nguyễn Bá Hưng, Trung tâm hỗ trợ sinh sản, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết.
Anh Luận (27 tuổi, ở Hòa Bình) chưa lập gia đình, bị viêm tinh hoàn bên phải do quai bị 2 năm trước. Sau khi khỏi bệnh, anh bị teo dần một bên tinh hoàn. Nghĩ rằng còn "một bi" vẫn đảm bảo khả năng làm cha nên anh vẫn ung dung. Không may, anh bị tai nạn dẫn đến vỡ dập tinh hoàn, phải cắt bỏ 3/4 nhu mô tinh hoàn tại bệnh viện tuyến tỉnh. Sáu tháng sau tai nạn, anh Luận mới đi khám Nam khoa. Lúc này bên tinh hoàn phải đã teo nhỏ, tinh hoàn trái sau tai nạn cũng biến dạng xơ dính, thể tích còn lại chỉ còn bằng đầu ngón tay, tức là 1/8-1/6 so với trước. Xét nghiệm tinh dịch đồ hoàn toàn không có tinh trùng.
Theo BS Hưng, thông thường, viêm tinh hoàn có thể sẽ xuất hiện trong vòng 1 – 3 tuần sau khi người bệnh bị sưng đau tuyến mang tai. Tỷ lệ gặp biến chứng viêm tinh hoàn do quai bị chiếm khoảng 20- 30% số ca mắc, và thường gặp ở nam giới ở độ tuổi dậy thì hoặc sau dậy thì. Và ở những người bị biến chứng này, có tới 30-50% sẽ bị teo tinh hoàn dẫn tới vô sinh. Khi virus quai bị tấn công vào các tế bào sinh tinh, làm các tế bào này bị tổn thương, không thể tiếp tục sản sinh ra tinh trùng. Các biện pháp chữa trị quai bị hiện nay đều chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó, khi đã có biến chứng teo tinh hoàn, không thể có cách nào hồi phục sự sinh tinh trở lại.
2. Trữ lạnh tinh trùng như thế nào?
Những người bị biến chứng quai bị hay vì các lý do nào đó mà gây tổn thương cả hai tinh hoàn, làm mất hẳn chức năng sinh tinh của tinh hoàn thì trong vòng 1-2 tháng sau sự cố đó, người ta vẫn phát hiện còn tinh trùng trong tinh dịch (do một số con tinh trùng vẫn còn nằm lưu lại trong đường ống dẫn tinh, túi tinh) nên người bệnh vẫn có cơ hội làm cha bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện nay cho dù lúc đó chỉ có ít tinh trùng không đủ để thụ thai tự nhiên.
Người bệnh đến gặp bác sĩ Nam khoa trong giai đoạn này sẽ còn cơ hội để gom lại lượng tinh trùng còn sót lại ở đây rồi lưu giữ chúng ở ngoài cơ thể (trữ lạnh tinh trùng) từ đó sẽ giúp bảo tồn được con giống. Nếu để lâu sau 2 tháng trở đi hoặc sau từ 10 lần xuất tinh trở lên lượng tinh trùng dự trữ sẽ hết trong khi nguồn cung không còn nữa nên sẽ không còn cơ hội làm cha của chính mình.
Các mẫu tinh trùng được bảo quản trong điều kiện kỹ thuật nghiêm ngặt, ở nhiệt độ âm 196 độ C trong môi trường nitơ lỏng và có thể lưu giữ tinh trùng được trên 20 năm. Tỷ lệ tinh trùng sống sót sau rã đông lên tới 70% - 80%. Chất lượng phôi được thụ tinh bằng tinh trùng rã đông vấn đảm bảo chất lượng để sinh ra những em bé khỏe mạnh.
Được làm cha là hạnh phúc của bất cứ người đàn ông nào. Những tai nạn dẫn đến chấn thương tinh hoàn có thể không lường trước được. Vì thế, BS Nguyễn Bá Hưng ( Trung tâm hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City) khuyến cáo: Ngay sau khi gặp sự cố có nguy cơ gây mất chức năng sinh tinh (quai bị, chấn thương tinh hoàn, xoắn tinh hoàn...) hoặc sau khi điều trị ổn định tình trạng này, nếu vẫn có nhu cầu sinh con, nam giới nên đến gặp bác sĩ Nam khoa ngay.
Lưu ý với trường hợp mắc quai bị, nam giới có thể cân nhắc việc lưu giữ tinh trùng chủ động ngay sau khi tuyến mang tai hết sưng. Hiện nay, công nghệ trữ lạnh tinh trùng nói riêng và trữ lạnh mô nói chung đã có rất nhiều bước tiến. Các bệnh viện đã làm kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đều có thể lưu trữ tinh trùng. Trữ lạnh tinh trùng hay còn gọi là đông tinh là một phương pháp dự phòng tốt trong hỗ trợ sinh sản cho những trường hợp người bệnh trước khi điều trị hóa chất - tia xạ chữa ung thư, cho những trường hợp gia đình neo người đang thực hiện những công việc rủi ro cao, những người muốn hiến tặng con giống...
XEM THÊM: