Tìm hiểu về viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Tiến Đạt - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Tim mạch - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là tình trạng viêm nội tâm mạc có loét và sùi, thường xảy ra (nhưng không phải bắt buộc) trên một nội tâm mạc đã có tổn thương bẩm sinh hoặc mắc phải từ trước.

1. Nguyên nhân gây viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Đa số trường hợp viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn do liên cầu khuẩn gây nên. Ngoài ra còn do các loại vi khuẩn và tác nhân gây bệnh khác như: tụ cầu khuẩn, não mô phế cầu, phế cầu, lậu cầu. Trực khuẩn Klebsiella pneumoniae, Salmonella, Brucella, Corynebacterium, Vibrio foetus, các loại nấm Actynomyces, Candida albicans cũng là nguyên nhân gây viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Các loại vi khuẩn gây bệnh này xâm nhập thông qua nhiễm khuẩn răng miệng, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn do nạo phá thai, một số thủ thuật không được khử trùng cẩn thận như truyền máu, chạy thận nhân tạo, đặt catheter tạo điều kiện thuận lợi cho tụ khuẩn vào gây bệnh. Nhiễm khuẩn tiêu hóa, nhiễm khuẩn tiết niệu do phẫu thuật hệ tiết niệu, sỏi bàng quang cũng là nguyên nhân gây bệnh do liên cầu khuẩn.

Bên cạnh đó viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn nguyên phát thường rất ít gặp mà thường có trên người bệnh đã có tổn thương tim từ trước thường là tổn thương sùi van tim, van tim nhân tạo, khuyết tật tim bẩm sinh, van tim bị hư, van động mạch chủ hai lá, hẹp động mạch phổi, hẹp eo động mạch chủ...


Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn có thể do vi khuẩn tụ cầu gây ra
Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn có thể do vi khuẩn tụ cầu gây ra

>>Xem thêm: Tìm hiểu về bệnh viêm nội tâm mạc - Bài viết bởi Tiến sĩ Đào Thị Mai Lan - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec

2. Triệu chứng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Người bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn sẽ có các triệu chứng lâm sàng như sau:

  • Sốt dai dẳng ở người có bệnh tim nền;
  • Lách to, móng tay khum, ngón tay dùi trống;
  • Tuy nhiên, trên thực tế, để có thể chẩn đoán và điều trị sớm ta nên nghĩ đến viêm nội tâm mạc bán cấp nhiễm khuẩn trước một người bệnh tim có sốt dai dẳng trên 1 tuần mà không có lý do và cho cấy máu ngay;
  • Ban xuất huyết xuất hiện tại ngón chân;
  • Xuất huyết mảnh vụn, những tổn thương màu nâu đỏ tuyến tính, được thấy trong giường móng tay của bệnh nhân viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn do vi liên cầu khuẩn nhóm B;
  • Hạch Osler là những mụn mủ mềm xuất hiện trên phần mềm của ngón tay bệnh nhân viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn do tụ cầu vàng.

Bên cạnh đó người bệnh có dấu hiệu ớn lạnh, đổ mồ hôi đêm, đau cơ khớp, mệt mỏi dai dẳng, khó thở, chán ăn sụt cân.

Các triệu chứng cận lâm sàng để nhận biết viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn gồm:

  • Cấy máu tìm vi khuẩn gây bệnh cần thực hiện nhiều lần trước khi cho kháng sinh, người bệnh cần được cấy máu lúc đang sốt vì lúc đó khả năng dương tính được biểu hiện rõ nhất;
  • Các xét nghiệm máu như công thức máu cho thấy số lượng hồng cầu giảm nhẹ, số lượng bạch cầu tăng vừa, nhất là bạch cầu đa nhân trung tính; tốc độ lắng máu tăng cao;
  • Xét nghiệm nước tiểu bởi ngoài protein niệu, trong khoảng 70 - 80% các trường hợp có đái ra máu vi thể, được xác định thông qua xét nghiệm cặn Addis;
  • Siêu âm tim nhìn thấy rõ các tổn thương sùi để chẩn đoán, xác định tình trạng bệnh;
  • Siêu âm qua ngã thực quản cho phép nhìn thấy cụ thể van tim, kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng;
  • Điện tâm đồ nếu bác sĩ cho rằng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn có thể gây ra nhịp tim bất thường;
  • Chụp cắt lớp vi tính hoặc điện tâm đồ nếu bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng có lan đến các bộ phận khác.

Xét nghiệm công thức máu giúp chẩn đoán bệnh
Xét nghiệm công thức máu giúp chẩn đoán bệnh

3. Điều trị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Các phương pháp điều trị được sử dụng cho viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn gồm có: kháng sinh liệu pháp, xem xét chống đông, can thiệp phẫu thuật, và phòng ngừa hiệu quả.

Kháng sinh liệu pháp được áp dụng trong các chẩn đoán:

  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn do liên cầu khuẩn còn nhạy cảm do Penicilin;
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn do liên cầu kháng tương đối Penicillin;
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn do tụ cầu khuẩn trên van tự nhiên;
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn do tụ cầu trên van nhân tạo;
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn do trực khuẩn đường ruột;
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn cấy máu âm tính;
  • Kháng sinh kinh nghiệm hoặc không cấy ra vi khuẩn – van tự nhiên;
  • Kháng sinh kinh nghiệm hoặc không cấy ra vi khuẩn – van nhân tạo;
  • Kháng sinh chích đối với người bệnh ngoại trú.

Người bệnh hết sốt sau điều trị thích hợp từ 3-5 ngày ngoại trừ trường hợp viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn staphylococcus aureus có thời gian từ 5- 7 ngày, viêm nội tâm mạc bên phải và tắc mạch phổi nhiễm trùng sẽ sốt lâu. Đồng thời người bệnh đáp ứng vi sinh cần cấy máu lại sau điều trị từ 48-72h, kết hợp khám định kỳ suy tim, tắc mạch, biến chứng.

Chỉ định phẫu thuật đối với trường hợp niêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn trên van tự nhiên, van nhân tạo, tiếp cận viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn có biến chứng thần kinh. Kháng sinh dự phòng điều trị cho những đối tượng có nguy cơ cao như có van nhân tạo, sửa van bằng vật liệu nhân tạo, người bệnh từng bị viêm nội tâm mạc, người bệnh tim bệnh sinh, một số loại tim bẩm sinh có tím, môi tim bẩm sinh được phẫu thuật can thiệp đặt vật liệu nhân tạo trong 6 tháng hoặc suốt đời nếu thông còn tồn lưu. Kháng sinh dự phòng không còn khuyến các cho các dạng tim bẩm sinh hoặc bệnh van tim khác.

Người bệnh có thể được chỉ định sử dụng chống đông trong viêm nội tâm mạc.

4. Biến chứng của viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Người bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn nếu không được điều trị tích cực, đúng cách sẽ có nguy cơ đối mặt với các biến chứng sau:

  • Suy tim;
  • Không kiểm soát được nhiễm trùng;
  • Tắc mạch hệ thống;
  • Biến chứng thần kinh;
  • Các biến chứng khác như: phình mạch nhiễm trùng, suy thận cấp, biến chứng dạng thấp, áp xe lách, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim;
  • Thậm chí là tử vong trong khi mổ điều trị chiếm 5-15%, tỷ lệ sống trong 10 năm chiếm 60-90%, sống 15-20 năm chiếm 50%.

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn có thể gây suy tim
Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn có thể gây suy tim

5. Phương pháp hạn chế diễn tiến viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Người bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn có thể hạn chế diễn tiến của bệnh bằng các cách sau:

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách mỗi ngày;
  • Tránh gây nhiễm trùng da, hạn chế xỏ khuyên trên cơ thể và xăm mình;
  • Đảm bảo an toàn khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hoặc thủ thuật ngoại khoa trong bệnh viện;
  • Điều trị các tình trạng liên quan đến tim kịp thời;
  • Tránh sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch;
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường bằng cách thay đổi lối sống phù hợp;
  • Giải quyết ngay bất kỳ vấn đề y khoa nào gây suy giảm hệ miễn dịch bao gồm cả điều trị nhiễm HIV ;
  • Thường xuyên tái khám, điều trị tích cực theo chỉ định của bác sĩ nếu được chẩn đoán từng mắc bệnh viêm nội tâm mạc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe