Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS CKII Nguyễn Văn Thái - Khoa Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu cổ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Thái đã có hơn 17 năm kinh nghiệm điều trị, đặc biệt trong lĩnh vực Phẫu thuật Đầu cổ.
Viêm mũi họng xuất tiết là căn bệnh khá phổ biến và bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc phải. Dấu hiệu ban đầu có thể chỉ là niêm mạc mũi bị viêm, không đáng lo ngại nhưng nếu để lâu và không có biến pháp điều trị thì sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm.
1. Bệnh viêm mũi họng xuất tiết là gì?
Viêm mũi, viêm họng xuất tiết là tình trạng trong mũi và họng xuất hiện dịch nhầy khi người bệnh bị viêm mũi họng cấp hoặc cảm cúm. Căn bệnh này chủ yếu hình thành khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là giai đoạn chuyển mùa. Ngoài ra, khi sống trong môi trường có độ ẩm quá cao hoặc bị ô nhiễm thì cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh viêm mũi họng xuất tiết rất dễ hình thành trên cơ thể trẻ em và những người có sức đề kháng yếu, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều bệnh bội nhiễm khác. Tuy nhiên, cần phân biệt viêm mũi họng xuất tiết không phải là viêm mũi xoang, do vậy khi mới phát hiện bệnh thì chỉ cần dùng thuốc co mạch và thuốc giảm xuất tiết thì bệnh sẽ đỡ mà không cần dùng đến kháng sinh.
2. Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi họng xuất tiết
Viêm mũi họng xuất tiết là một trong những bệnh lý về đường hô hấp có thể gặp phải ở bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt ở những người có sức đề kháng kém. Một số yếu tố được cho là nguyên nhân gây ra bệnh chính là:
- Do vi khuẩn: Khi cơ thể bị các loại vi khuẩn và vi nấm từ bên ngoài tấn công thì rất dễ mắc bệnh viêm họng xuất tiết và một số bệnh khác.
- Do môi trường, thời tiết: Thời tiết thay đổi quá nhanh sẽ khiến cho cơ thể không kịp thích nghi và dễ bị viêm mũi họng xuất tiết. Đặc biệt, sống trong môi trường ô nhiễm (không khí, bụi bẩn...) cũng chính là nguyên nhân gây ra bệnh.
- Do tiếp xúc phải các dị nguyên dễ gây dị ứng: Lông động vật, phấn hoa, hóa chất tẩy rửa...cũng có thể khiến cho cơ thể bị kích ứng, nếu như cơ địa nhạy cảm thì dễ bị viêm mũi, viêm họng xuất tiết.
Ngoài ra, việc lạm dụng đồ ăn nhanh, đồ ăn chứa nhiều chất kích thích cũng có thể là tác nhân gây bệnh viêm mũi họng xuất tiết.
3. Triệu chứng cảnh báo viêm mũi họng xuất tiết
Những triệu chứng cảnh báo bệnh viêm mũi họng xuất tiết thường không đặc trưng và khó nhận biết cho đến khi bệnh trở nặng.
Khi mới mắc phải bệnh thì sẽ có dấu hiệu như bị cảm lạnh với các dấu hiệu nhức đầu, ớn lạnh, cơ thể mệt mỏi và sau đó khi bệnh trở nặng thì sẽ xuất hiện các dấu hiệu dễ nhận biết hơn như:
- Cổ họng bị đau và khô rát: Viêm mũi, viêm họng xuất tiết sẽ gây ra cảm giác đau rát cổ họng và khô nóng cho người bệnh, chính vì thế mà lúc nào người bệnh cũng cảm thấy khát nước. Khi bệnh trở nặng thì cơn đau có thể lan sang cả khu vực tai và kèm theo ho khan, tình trạng kéo dài sẽ khiến người bệnh bị mất tiếng, khản tiếng và không nói chuyện được.
- Thăm khám lâm sàng sẽ thấy bề mặt niêm mạc họng bị tấy đỏ: Khi bị viêm mũi họng xuất tiết thì người bệnh sẽ bị tấy đỏ các bộ phận như trụ trước và sau, thành sau của họng, màn hầu...
- Ngoài ra, bệnh viêm mũi họng xuất tiết cũng khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, đau đớn, không muốn ăn uống và ngủ nghỉ không yên. Tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có thể gây ra những biến chứng khác nguy hiểm hơn cho người bệnh như bị viêm mũi quá phát, bị viêm họng mạn, gây viêm xoang mạn, viêm tai giữa...
4. Cách điều trị viêm mũi họng xuất tiết hiệu quả
Để có được phương án điều trị bệnh viêm mũi họng xuất tiết hiệu quả thì trước tiên cần phải xác định được nguyên nhân gây bệnh là gì. Người bệnh cần phải tiến hành các xét nghiệm, chụp X quang, ...và tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị phù hợp nhất, có thể là:
- Rửa xoang mũi họng bằng nước muối sinh lý 0,9% hàng ngày. Với phương pháp này, người bệnh chỉ cần cho nước muối vào bình sạch có vòi xịt nước và ngồi ở tư thế thẳng người, đầu nghiêng 45 độ, nghiêng bên trái thì xịt nước vào lỗ mũi bên phải.
- Sử dụng thuốc giúp làm giảm khả năng xuất tiết: Một số loại thuốc thường được chỉ định đó là thuốc kháng histamin H1 có tác dụng chính là giúp ức chế sự phóng thích cũng như hoạt động của histamin từ đó ngăn chặn dị ứng xảy ra ở người bệnh viêm mũi họng xuất tiết.
- Sử dụng thuốc chống viêm mũi xoang xuất tiết: Loại thuốc này có thành phần chính là corticoid và được điều chế dạng xịt. Tuy nhiên, người bệnh dùng thuốc không quá 7 ngày và chỉ được sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ, nếu dùng quá liều có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Ngoài ra, người bệnh viêm mũi, viêm họng xuất tiết cũng có thể sử dụng thuốc giúp làm se khô bề mặt niêm mạc mũi để giúp chống viêm, giảm sưng hiệu quả hoặc nếu người bệnh không đáp ứng với phương pháp điều trị thông thường thì có thể được chỉ định điều trị bằng phương pháp xúc xoang, phẫu thuật.
Tóm lại, viêm mũi họng xuất tiết là căn bệnh mà bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc phải, mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không có biện pháp điều trị đúng thì sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Chính vì thế, chủ động tìm hiểu kiến thức về căn bệnh này và phòng ngừa là điều rất cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.