Thuốc Acetaminophen tiêm tĩnh mạch được chỉ định giúp hạ sốt và giảm đau trong các cơn đau vừa đến nặng. Thuốc thường được phối hợp các thuốc giảm đau trung ương ở người bệnh đau nặng. Cùng tìm hiểu về công dụng, lưu ý khi sử dụng thuốc Acetaminophen tiêm tĩnh mạch qua bài viết dưới đây.
1. Chỉ định của thuốc Acetaminophen tiêm tĩnh mạch
Thuốc Acetaminophen tiêm tĩnh mạch được chỉ định trong các trường hợp sau đây:
- Hạ sốt và giảm đau từ nhẹ đến trung bình.
- Phối hợp với thuốc giảm đau trung ương trong các trường hợp đau vừa đến nặng.
2. Liều dùng và cách dùng
2.1. Liều dùng
Liều dùng thuốc Acetaminophen tĩnh mạch được chỉ định bởi bác sĩ điều trị. Theo đó, liều thuốc cần được xác định theo cân nặng đối với người bệnh nặng dưới 50kg. Tổng liều thuốc Acetaminophen từ tất cả các đường dùng không được vượt quá liều khuyến cáo trong ngày (Không quá 4g/ ngày ở người trưởng thành nặng trên 50kg, không quá 75mg/ kg/ ngày ở người trưởng thành và thanh thiếu niên nặng dưới 50kg). Tránh nhầm lẫn liều thuốc tính bằng miligam (mg) và mililit (mL).
2.2. Quá liều và cách xử trí
Sử dụng quá liều thuốc giảm đau tiêm tĩnh mạch Acetaminophen có thể gây ra một số triệu chứng bao gồm chảy máu chân răng, đầy hơi bụng hoặc dạ dày, xuất hiện máu trong nước tiểu hoặc phân, ớn lạnh, tiểu khó hoặc đau, cảm giác khó chịu, xuất hiện các đốm đỏ trên da, giảm lượng nước tiểu một cách đột ngột, nôn ra máu, hơi thở mùi khó chịu,...
Trường hợp gặp phải các triệu chứng quá liều, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế sớm nhất có thể để được xử trí kịp thời
3. Tác dụng phụ
Thuốc Acetaminophen tĩnh mạch có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
- Tác dụng phụ ở người trưởng thành: Hơi thở bất thường; sưng mặt, cánh tay, bàn tay hoặc bàn chân; khó thở, chóng mặt, ngất xỉu, choáng váng khi đứng dậy hoặc thay đổi tư thế; nhịp tim không đều; ăn không ngon miệng; chuột rút; đau cơ; tê hoặc ngứa ran bàn tay, bàn chân; đau tại vị trí tiêm; nhịp tim nhanh; tức ngực; mệt mỏi hoặc suy nhược bất thường.
- Tác dụng phụ ở trẻ em: Khó thở, thở nhanh; chóng mặt; nhịp tim hoặc mạch đập nhanh; đau lưng dưới, đau hông; co thắt cơ hoặc co giật; thở ồn ào; đau tay chân; sưng quanh mắt; sưng bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân;
- Tác dụng phụ không xác định tần suất: Phân màu đất sét; đau bụng hoặc đau dạ dày; nước tiểu sậm; khó nuốt; ăn không ngon; sưng mí mắt hoặc vùng xung quanh mắt, môi, mặt, lưỡi; phát ban; tức ngực, vàng da hoặc vàng mắt.
4. Lưu ý khi sử dụng
4.1. Lưu ý chung
Thông báo ngay cho bác sĩ điều trị trong trường hợp gặp phải các triệu chứng như đau hoặc căng phần bụng trên, phân nhạt màu, nước tiểu sẫm màu, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi hoặc suy nhược bất thường, vàng mắt hoặc vàng da...
Thuốc Acetaminophen có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bao gồm cả sốc phản vệ. Vì vậy, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các thuốc dị ứng cũng như nguy cơ dị ứng với các loại thức ăn, đồ uống,...
Acetaminophen có khả năng làm tăng tác dụng của rượu và các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác như thuốc kháng histamine, thuốc điều trị dị ứng, thuốc an thần, thuốc giảm đau trung ương, thuốc giãn cơ, thuốc gây mê,... Bên cạnh đó, nguy cơ tổn thương gan tăng lên khi người bệnh sử dụng đồ uống có cồn khi đang điều trị bằng Acetaminophen.
4.2. Lưu ý khi sử dụng thuốc ở các đối tượng đặc biệt
- Trẻ em: Hiện chưa có nghiên cứu chứng minh tính an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc Acetaminophen dạng tiêm ở trẻ em dưới tuổi.
- Người cao tuổi: Các nghiên cứu cho thấy không cần hiệu chỉnh liều thuốc ở người cao tuổi.
- Phụ nữ đang cho con bú: Chỉ điều trị bằng thuốc Acetaminophen dạng tiêm ở phụ nữ đang cho con bú khi thật sự cần thiết.
5. Tương tác thuốc
5.1. Tương tác thuốc – thuốc
Acetaminophen có thể gây tương tác với các thuốc sau đây: Imatinib, Isoniazid, Pixantrone, nhóm thuốc chủng ngừa vi khuẩn 13 – Valent do phế cầu khuẩn, bạch hầu kết hợp.
Sử dụng đồng thời Acetaminophen với các thuốc sau đây có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ: Acenocoumarol. Fosphenytoin, Carbamazepine, Lixisenatide, Phenytoin, Warfarin, Zidovudine.
5.2. Tương tác thuốc – thức ăn, đồ uống
Không sử dụng rượu, bia, các chất có cồn và hút thuốc trong thời gian điều trị bằng Acetaminophen, bởi chúng làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ của thuốc.
Các bệnh lý mắc kèm gây ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả sử dụng Acetaminophen, vì vậy người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị khi mắc các bệnh lý kèm theo như sau:
- Lạm dụng rượu bia hoặc tiền sử lạm dụng rượu bia;
- Giảm thể tích máu nghiêm trọng;
- Bệnh lý về thận, gan;
- Suy dinh dưỡng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.