Sỏi mật là bệnh lý thường gây ra các cơn đau ở vùng hạ sườn phải, gây vàng da và có thể dẫn tới nhiễm trùng mật. Trong các loại sỏi mật thì sỏi sắc tố mật là dạng thường gặp ở nước ta gồm sỏi sắc tố đen và sắc tố nâu. Nguyên nhân chủ yếu gây ra loại sỏi này là yếu tố dịch tễ và thói quen ăn uống gây nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng.
1. Sỏi sắc tố mật là gì?
Sỏi sắc tố mật là loại sỏi thường gặp tại đường dẫn mật trong gan, ống gan chung và ống mật chủ. Sỏi sắc tố mật được cấu tạo chủ yếu bởi sắc tố mật bilirubin, nếu chia theo sắc tố thì gồm sỏi sắc tố nâu và sỏi sắc tố đen. Sự khác biệt về màu sắc chủ yếu đến từ hàm lượng các thành phần trong sỏi mật (các muối calci, cholesterol và bilirubin với tỷ lệ khác nhau)
2. Cơ chế hình thành sỏi sắc tố mật
Sắc tố mật là sản phẩm phân hủy có hemoglobin sau khi các tế bào hồng cầu chết đi, chuyển hóa thành bilirubin và phân tán vào máu. Bilirubin sẽ theo gan vào dịch mật để được loại bỏ ra ngoài. Tuy nhiên sự mất cân bằng của bilirubin và hàm lượng các chất khác trong dịch mật sẽ tạo nên sỏi sắc tố mật:
- Sỏi sắc tố đen: là sỏi hình thành do hàm lượng bilirubin quá lớn trong dịch mật, kết hợp với các thành phần như canxi tạo thành nhân sắc tố. Nhân sắc tố không tan được trong dịch mật lại hội tụ với nhau, kết dính và phát triển về kích thước tạo thành sỏi mật. Sỏi sắc tố đen có tính chất rất cứng.
- Sỏi sắc tố nâu: thường được tạo ra do tiền sử nhiễm trùng đường mật tạo ra nhân sỏi, lúc này chất béo trong dịch mật là cholesterol và axit béo, canxi có cơ hội kết dính lại vào nhân sỏi và phát triển dần thành sỏi mật. Loại sỏi này thường có màu nâu, bóng, minh và mềm hơn sắc tố đen nhưng lại khó vỡ hơn.
3. Nguyên nhân gây ra sỏi sắc tố mật
Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới hình thành sỏi sắc tố mật gồm:
- Bệnh thiếu máu tán huyết: là bệnh lý thiếu máu do hồng cầu bị phá hủy lượng lớn bởi cấu trúc bất thường gây ra sự dư thừa về bilirubin, tạo điều kiện phát triển sỏi
- Bệnh hồng cầu hình liềm: cũng khiến cho tế bào máu dễ bị phá vỡ khi đi qua các mạch máu và cơ quan trong cơ thể, giải phóng một lượng lớn bilirubin
- Nhiễm khuẩn E.Coli thông qua ngộ độc thực phẩm hay nguồn nước bị ô nhiễm
- Nhiễm giun sán: xác hay trứng giun khi xâm nhập vào ống mật có thể để lại nhân cho sắc tố mật, canxi bám vào tạo thành sỏi. Mặt khác giun còn tạo ra các vết xước loét trong đường mật tạo điều kiện cho sỏi phát triển về sau.
- Xơ gan: bệnh lý này khiến mô gan bị thay thế bởi các xơ sẹo dẫn tới mất hoặc suy giảm chức năng gan, khiến gan sản xuất ra một lượng lớn bilirubin.
4. Bệnh nhân sỏi mật nên ăn uống như thế nào?
Chế độ dinh dưỡng hợp lý là phương pháp hiệu quả nhằm cải thiện nguy cơ và tình trạng sỏi mật ở người bệnh, cụ thể như sau:
- Giảm thiếu các chất béo bão hòa: dư thừa cholesterol chính là nguyên nhân chủ yếu hình thành sỏi mật nên bệnh nhân cần hạn chế các món ăn như xúc xích, thịt bò, bơ, mỡ động vật, đồ dầu mỡ,...
- Bổ sung nguồn chất béo tốt như: dầu oliu, bơ, hạt các loại, nhóm cá giàu omega 3
- Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ: trái cây, rau xanh, hạt ngũ cốc, đậu hà lan, gạo lứt,...
- Uống nhiều nước
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.