Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tung Hoành - Bác sĩ Tim mạch Can thiệp - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Phì đại tâm thất ở tim, trong đó dày thất trái được coi như một mối nguy thường trực đối với sức khỏe tim mạch của người bệnh tăng huyết áp. Tình trạng này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị sớm.
1. Phì đại tâm thất ở tim là gì?
Dày thất trái là bệnh lý thường gặp nhất của phì đại tâm thất ở tim. Dày thất trái là sự phì đại và dày lên ở thành tâm thất trái - buồng tim phía dưới, bên trái tim, làm nhiệm vụ bơm máu giàu oxy từ tim tới nuôi dưỡng mọi cơ quan trong cơ thể.
Dày thất trái thường là hậu quả của tình trạng tăng huyết áp lâu năm không được kiểm soát tốt. Khi tim phải làm việc gắng sức để thắng được sức cản của thành mạch, thành cơ tim sẽ trở nên dày hơn, kích thước của buồng tim cũng sẽ tăng lên do cơ tim giãn nở. Lúc này thành cơ tim sẽ mất đi tính đàn hồi và không thể bơm máu cung cấp đủ với nhu cầu của cơ thể, cuối cùng dẫn đến suy tim.
2. Triệu chứng của dày thất trái
Những triệu chứng của dày thất trái có thể bao gồm:
- Nặng ngực, đau ngực, thường gặp sau khi hoạt động thể lực.
- Khó thở.
- Mệt mỏi.
- Có cảm giác nhịp tim nhanh và dồn dập trong lồng ngực (đánh trống ngực) hoặc rung tim.
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu.
Trong đó, đau ngực là một trong những triệu chứng thường gặp của dày thất trái.
Nếu bệnh nhân có những triệu chứng nghiêm trọng dưới đây, hãy đến bệnh viện chuyên khoa tim mạch ngay lập tức:
- Đau thắt ngực kéo dài hơn 5 phút.
- Khó thở trầm trọng.
- Choáng váng hoặc bất tỉnh lặp lại nhiều lần.
Đặc biệt người bệnh nên đi khám sức khỏe thường xuyên nếu có thói quen hút thuốc lá hoặc mắc bệnh tăng huyết áp, béo phì.
3. Nguyên nhân gây dày thất trái
Tăng huyết áp là nguyên nhân phổ biến nhất gây dày thất trái. Ngoài ra còn có thể do một số bệnh lý sau:
- Hẹp van động mạch chủ: Van động mạch chủ bị thu hẹp gây thêm áp lực cho tâm thất trái trong việc bơm máu vào động mạch chủ.
- Bệnh phì đại cơ tim: Đây là nguyên nhân làm cho cơ tim dày bất thường, gây khó khăn trong việc bơm máu của tim.
Yếu tố nguy cơ:
- Tuổi tác: Người cao tuổi có nguy cơ mắc dày thất trái cao hơn.
- Cân nặng: Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp và dày thất trái.
- Tiền sử gia đình: Yếu tố di truyền có liên quan đến việc phát triển dày thất trái.
- Mắc bệnh tiểu đường.
- Giới tính: Nữ giới mắc tăng huyết áp có nguy cơ mắc dày thất trái cao hơn nam giới có cùng số đo huyết áp.
4. Dày thất trái có nguy hiểm không?
Sự dày lên của tâm thất trái có thể làm thay đổi cấu trúc và hoạt động của tim, khiến hệ thống điện tim bị rối loạn, cơ tim bị suy yếu dần không còn đủ khả năng bơm máu đi nuôi cơ thể, cuối cùng dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
- Suy tim.
- Loạn nhịp tim.
- Thiếu máu cơ tim cục bộ.
- Ngừng cung cấp máu cho tim, gây nhồi máu cơ tim.
- Đột quỵ.
- Ngừng tim đột ngột và tử vong.
5. Chẩn đoán dày thất trái
Để chẩn đoán dày thất trái, đầu tiên các bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh tật, sau đó kiểm tra huyết áp, chức năng tim của bệnh nhân, và thực hiện một số xét nghiệm, bao gồm:
Điện tâm đồ
Phương pháp này giúp ghi lại các tín hiệu điện tim, qua đó giúp bác sĩ phát hiện được chức năng tim bất thường và sự tăng mô cơ tâm thất trái, được gọi là hình ảnh dày thất trái trên điện tâm đồ.
Siêu âm tim
Hình ảnh siêu âm tim có thể cho thấy các mô cơ bị dày lên ở tâm thất trái, lưu lượng máu qua tim trong mỗi nhát bóp và các bất thường liên quan đến phì đại thất trái, như hẹp van động mạch chủ.
Chụp cộng hưởng từ MRI
Chụp cộng hưởng từ MRI có thể cho thấy hình ảnh của trái tim giúp chẩn chẩn đoán dày thất trái.
6. Phương pháp điều trị dày thất trái
Việc điều trị dày thất trái nhằm mục tiêu hạn chế sự phát triển dày lên của tâm thất trái và ngăn ngừa ngừa biến chứng, có thể dùng thuốc hay phẫu thuật phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
7. Ngăn ngừa sự dày lên của tâm thất trái
Thuốc điều trị tăng huyết áp có thể giúp ngăn ngừa sự dày lên của tâm thất trái. Bác sĩ điều trị có thể kê cho bệnh nhân một số loại thuốc như:
- Thuốc ức chế men chuyển ACE giúp làm mở rộng mạch máu, giảm huyết áp, cải thiện lưu lượng máu và giảm khối lượng công việc của tim.
- Các thuốc đối kháng thụ thể Angiotesin II cũng có tác dụng tương tự như chất ức chế ACE.
- Thuốc chẹn beta có thể ngăn chặn tác động của hormone adrenalin, làm chậm nhịp tim và giảm huyết áp.
- Thuốc chẹn kênh canxi có thể giúp làm giảm huyết áp cho bệnh nhân.
- Một số loại thuốc lợi tiểu có thể tạo điều kiện cho việc lưu thông máu được tốt hơn, giảm huyết áp.
Nếu nguyên nhân gây dày thất trái xuất phát từ bệnh lý của van động mạch chủ, có thể cần thực hiện phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay van động mạch chủ.
Ths.BS. Nguyễn Tung Hoành có kinh nghiệm và thế mạnh trong Hồi sức - Cấp cứu tim mạch: Tăng huyết áp, các Bệnh lý mạch máu ngoại biên, các bệnh động mạch vành cấp và mạn tính,..ngoài ra bác sĩ còn điều trị các bệnh lý đi kèm như: Đái tháo đường, Cường giáp, Suy giáp, Các bệnh lý về thận, bệnh lý hô hấp,.. Hiện tại bác sĩ Hoành đang là bác sĩ Tim mạch can thiệp tại Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Để được tư vấn chi tiết về các bệnh lý tim mạch, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.