Loạn khuẩn đường ruột là những tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc kháng sinh, triệu chứng này hầu hết không quá nguy hiểm nhưng về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
1. Loạn khuẩn đường ruột do kháng sinh
Ở cơ thể một người khỏe mạnh, hệ vi sinh đường ruột có khoảng hơn 100.000 tỷ vi sinh vật gồm khoảng 500 loài khác nhau tồn tại bao gồm cả các lợi khuẩn (85%) và các vi khuẩn gây bệnh (15%). Thực tế, dù có sự góp mặt của các vi khuẩn có hại song cơ thể vẫn đạt được trạng thái khỏe mạnh chính là nhờ sự cân bằng giữa 2 nhóm vi khuẩn.
Loạn khuẩn đường ruột là hiện tượng rối loạn vi khuẩn do mất cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn trong đường ruột. Một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng này là do sử dụng kháng sinh, việc dùng thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt cả vi khuẩn gây bệnh lẫn vi khuẩn có lợi, do đó phá vỡ thế cân bằng vi sinh đường ruột, tạo điều kiện cho sự phát triển của các loại vi khuẩn gây bệnh có sẵn hoặc mới xâm nhập, dẫn tới tình trạng tiêu chảy hoặc viêm ruột.
Khi bị loạn khuẩn đường ruột, triệu chứng thường gặp của người bệnh là tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng, phân sống, đôi khi có lẫn chất nhầy hoặc ít máu, đôi khi có cảm giác trướng bụng, sốt nhẹ. Tình trạng tiêu chảy nặng hay nhẹ, ngắn ngày hay dài còn tùy thuộc vào loại kháng sinh, thời gian dùng và khả năng nhạy cảm của cơ thể với loại kháng sinh đó. Tình trạng loạn khuẩn do kháng sinh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, trong đó trẻ em là đối tượng dễ mắc phải, đáng ngại hơn cả là nếu chứng loạn khuẩn ở trẻ không được điều trị sớm, có thể dẫn đến hiện tượng mất nước, rối loạn điện giải, suy dinh dưỡng dẫn đến suy kiệt, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
2. Khắc phục loạn khuẩn đường ruột do kháng sinh
Để hạn chế tình trạng loạn khuẩn do dùng kháng sinh, khi đi khám, bạn cần thông báo cho bác sĩ biết về loại kháng sinh đang dùng để được tư vấn về cách sử dụng. Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ.
Nếu bị tiêu chảy do kháng sinh thì cũng cần uống hết liều điều trị, không bỏ thuốc giữa chừng vì sẽ gây tình trạng kháng kháng sinh và khiến cho những lần điều trị sau sẽ khó khăn hơn.
Sau mỗi đợt kháng sinh nên cho bổ sung lợi khuẩn bằng cách ăn sữa chua và uống men vi sinh để cung cấp vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Tùy trường hợp tiêu chảy nặng hay nhẹ, có thể dùng thuốc chống tiêu chảy để giảm số lần đi ngoài, tránh tình trạng mất nước và chất điện giải. Khi đường ruột đang loạn khuẩn thì không nên dùng thêm loại thuốc dùng cho đường ruột nào nữa, tình trạng loạn khuẩn sẽ càng nặng hơn. Thông thường sau khi bổ sung men vi sinh, hệ vi khuẩn đường ruột sẽ cân bằng lại, tình trạng tiêu chảy sẽ hết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.