Tìm hiểu về dược liệu viễn chí

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trương Thị Vân - Bác sĩ Y Học Cổ Truyền - Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec - Sao Phương Đông

Viễn chí là một trong những loại thảo dược phổ biến, là thành phần của nhiều bài thuốc đặc trị. Vậy viễn chí có tác dụng gì, khi dùng viễn chí cần lưu ý những gì?

1. Tổng quan về cây viễn chí - Đặc điểm, cách thu hái, sơ chế

Viễn chí hay còn có tên gọi khác là khổ viễn chí, nam viễn chí, viễn chí nhục, chích viễn chí, nga quản chí thông, chí thông, tỉnh tâm trượng, ... Tên khoa học là Polygala tenuifolia Willd, tên dược liệu là Radix Polygalae, thuộc họ viễn chí – Polygalaceae.

Cây viễn chí phân bổ ở nhiều tỉnh thành ở nước ta, đặc biệt là các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đây là một loài cỏ nhỏ, cây thân thảo, sống được rất lâu. Cây viễn chí có chiều cao khoảng từ 10 đến 20cm, từ gốc tỏa ra nhiều cành. Cành cây viễn chí có hình sợi và xung quanh phủ lông mịn. Trên cành, các lá có nhiều hình dạng khác nhau mọc so le. Ở gốc, lá có hình oval, rộng chừng 4 đến 5mm, nhưng lá ở trên lại có hình dài và đầu nhọn, độ rộng của lá khoảng chừng 4 đến 5mm, dài 20mm và mép lá cuốn xuống mặt dưới, gân lá chạy men theo mép lá, cuống lá dài 0,5mm.

Từ kẽ lá hoặc đầu cành là những chùm hoa mảnh, khoảng 1 đến 3 hoa. Hoa của cây viễn chí có phần đầu màu tím, giữa có màu trắng và dưới có màu xanh nhạt. Quả của cây viễn chí là dạng quả nang, có hình bầu dục và bề mặt nhẵn. Mùa cây viễn chí ra hoa và quả thường vào tháng 11, 12.

Viễn chí dược liệu là loại cây có thành phần hóa học rất đa dạng như dầu béo, nhựa, polygalitol, saponin triterpen, ... Bộ phận thường dùng của cây để làm dược liệu là rễ, nhưng phải chọn phần rễ có thân to và đầy thịt. Việc thu hái rễ cây thường vào mùa xuân và thu.

Có nhiều cách để sơ chế rễ cây viễn chí. Cách thường dùng là loại bỏ tạp chất, rửa sạch để bỏ bớt những rễ con và cành cây khô, cắt khúc, sau đó mang đi phơi khô cho đến khi phần vỏ hơi nhăn, bỏ lõi gỗ bên trong và tiếp tục mang phơi khô cho đến khi khô hoàn toàn là có thể dùng được. Hoặc đun sôi cùng cam thảo cho đến khi phần rễ hút hết nước, sau đó mang đi phơi khô. Hoặc cũng có thể sao vàng rễ cây và để dùng dần.

2. Viễn chí có tác dụng gì?

Trong Y Học Cổ Truyền, viễn chí là loại dược liệu có vị đắng, hắc, hơi cay the, có tính hơi ấm. Với đặc tính này, viễn chí có những tác dụng dược lý sau:

  • Tăng tiết dịch phế quản làm long đờm, giảm ho
  • Giảm đau, ức chế hệ thần kinh trung ương (ở một mức độ), chống co giật, an thần
  • Kích thích tử cung co bóp
  • Kích thích dạ dày, gây buồn nôn
  • Kháng khuẩn, có khả năng ức chế sự một số loại vi khuẩn phát triển như lao, lỵ, thương hàn, ...
  • Hạ huyết áp, tán huyết
  • Giải độc nọc rắn, chữa lành vết thương trên da do mụn nhọt, lở loét.

Dược liệu viễn chí có nhiều công dụng hỗ trợ điều trị bệnh trong Y Học Cổ Truyền
Dược liệu viễn chí có nhiều công dụng hỗ trợ điều trị bệnh trong Y Học Cổ Truyền

3. Một số bài thuốc phổ biến từ cây viễn chí

Dưới đây là một số bài thuốc phổ biến từ viễn chí dược liệu:

  • Chữa long đờm, giảm ho, viêm phế quản, sưng đau cổ họng: Sắc lấy nước uống ngày 3 lần gồm các loại dược liệu là viễn chí (8g), cát cánh và cam thảo (mỗi thứ 6g). Hoặc sắc lấy nước uống gồm viễn chí (12g), cam thảo và trần bì (mỗi loại 4g) để chữa viêm phế quản, ho có đờm. Có thể thay thế viễn chí (8g) và mạch môn (12g) uống mỗi ngày 1 thang để chữa ho có đờm gây khó thở, đau tức ngực ở người già, ho có đờm mãn tính. Hoặc tán bột viễn chí và thổi vào cổ họng để chữa giúp long đờm, giảm ho.
  • Chữa suy nhược thần kinh, giảm trí nhớ, ăn ngủ kém: Sắc lấy nước uống các loại dược liệu gồm viễn chí, bạch truật, đảng sâm, liên nhục, long nhãn, mạch môn, táo nhân (mỗi thứ 10g hoặc 12g).
  • Chữa sốt cao, co giật ở trẻ nhỏ: Sắc lấy nước uống các loại dược liệu gồm viễn chí, câu đằng, sinh địa, thiên trúc hoàng (mỗi thứ khoảng 8g - 10g).
  • Chữa mất ngủ, suy giảm trí nhớ, thiếu máu cơ tim: Tán bột quế tâm (3g) và hòa với thuốc sắc gồm viễn chí, bạch thược, đại táo, đảng sâm, đương quy, mạch động, sinh khương, phục linh (mỗi loại 10g), cam thảo (3g) để uống hàng ngày.
  • Chữa suy nhược thần kinh gây rối loạn trí nhớ: Sấy khô và tán thành bột viễn chí, xương bồ (mỗi thứ 20g), đẳng sâm và phục linh (mỗi thứ 30g) thành bột để uống 1 - 2 lần/ngày, dùng trong 5 - 7 ngày.
  • Chữa loạn nhịp tim, tim đập nhanh, ho nhiều, mất ngủ và suy giảm trí nhớ: Gạo tẻ 50g, Sắc lấy nước, bỏ bã gồm viễn chí và toan táo nhân sao vàng (mỗi thứ 10g) rồi cho vào nấu cháo cùng gạo tẻ (50g).
  • Chữa đau tim lâu ngày: Tán bột mịn viễn chí và xương bồ (mỗi thứ 40g), sau đó pha với nước ấm để uống.
  • Chữa mụn nhọt, độc trên da: Giã nát viễn chí và sắc với rượu để lấy bã đắp lên da.
  • Chữa nước tiểu đỏ và đục: Tán bột viễn chí đã ngâm nước với cam thảo cùng phục thần, ích trí nhân, sau đó chưng với rượu để thành hồ, trộn hồ với bột thuốc vo thành viên có kích thước cỡ bằng hạt bắp, mỗi lần uống khoảng 50 viên.
  • Chữa đau đầu: Tán nhuyễn viễn chí thành bột. Mỗi lần dùng 2g bột thổi vào mũi, miệng ngậm nước lạnh.

Vị thuốc viễn chí cần được sử dụng theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc
Vị thuốc viễn chí cần được sử dụng theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc

4. Một số lưu ý khi dùng viễn chí dược liệu

Bất kỳ một loại thuốc hoặc dược liệu nào trước khi sử dụng cần được tham khảo, tư vấn, hoặc thậm chí là chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả và tránh những tác dụng phụ không mong muốn hoặc tương tác thuốc.

Đối với viễn chí dược liệu, cần lưu ý một số thông tin sau:

  • Trước khi dùng cần phải bỏ phần lõi trong rễ.
  • Không dùng cho thai phụ vì kích thích co bóp tử cung.
  • Không sử dụng viễn chí với liều dùng cao.
  • Không dùng cho người bị bệnh dạ dày như viêm loét dạ dày - tá tràng.
  • Không dùng cho người bị thực hỏa, âm hư hỏa vượng.
  • Không dùng viễn chí với lê lô, tề tào và trân châu vì có thể tương tác thuốc.

Viễn chí dược liệu có nhiều tác dụng hữu ích, trong đó đặc biệt nhất là giảm đau họng, làm long đờm, giảm ho. Tuy nhiên, loại dược liệu này không dùng cho phụ nữ mang thai hoặc người bị bệnh dạ dày. Để đạt hiệu quả điều trị từ việc dùng viễn chí, nên dùng với liều dùng phù hợp và trong khoảng thời gian quy định.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe