Bài được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Đột tử do tim (SCD) để chỉ một cái chết đột ngột, bất ngờ do mất chức năng tim (ngừng tim đột ngột). Đột tử do tim là nguyên nhân tử vong tự nhiên lớn nhất ở Hoa Kỳ, gây ra khoảng 325.000 ca tử vong ở người trưởng thành Hoa Kỳ mỗi năm. Đột tử do tim gây ra một nửa số ca tử vong liên quan đến tim. Đột tử do tim xảy ra thường xuyên nhất ở người lớn trong độ tuổi từ 30 đến giữa 40 và ảnh hưởng đến nam giới thường xuyên gấp đôi so với phụ nữ. Tình trạng này hiếm gặp ở trẻ em, chỉ ảnh hưởng đến 1 đến 2 trên 100.000 trẻ em mỗi năm.
1. Ngừng tim đột ngột khác với cơn đau tim như thế nào?
Ngừng tim đột ngột không phải là một cơn đau tim (nhồi máu cơ tim). Các cơn đau tim xảy ra khi có sự tắc nghẽn ở một hoặc nhiều mạch máu nuôi tim, còn gọi là động mạch vành. Tình trạng này khiến cơ tim không nhận đủ máu nuôi và dẫn đến tế bào cơ tim bị tổn thương.
Ngược lại, ngừng tim đột ngột xảy ra khi hệ thống dẫn truyền điện hoạt động của tim bị trục trặc và đột ngột trở nên rất bất thường. Tim đập nhanh một cách nguy hiểm. Tim có thể không đập theo nhịp mà rung (rung thất) và không cung cấp đủ máu đến nuôi các cơ quan. Trong vài phút đầu tiên, lưu lượng máu lên não sẽ giảm mạnh đến mức một người sẽ bất tỉnh. Nếu không được điều trị kịp thời thì sau đó sẽ dẫn đến tử vong.
Điều trị khẩn cấp bao gồm hồi sinh tim phổi (CPR) và khử rung tim. CPR giúp giữ đủ oxy trong phổi và đưa lên não cho đến khi nhịp tim bình thường được khôi phục bằng một cú sốc điện trên thành ngực (khử rung tim). Máy khử rung tim di động được nhân viên cấp cứu sử dụng hoặc thường đặt nơi công cộng (AED) có thể giúp cứu sống bệnh nhân.
2. Các triệu chứng của ngừng tim đột ngột là gì?
Triệu chứng có thể gặp là cảm giác tim đập nhanh hoặc thấy chóng mặt, được xem là dấu hiệu cảnh báo rối loạn nhịp tim nguy hiểm bắt đầu. Tuy nhiên, hơn một nửa số trường hợp ngừng tim đột ngột xảy ra mà không có triệu chứng báo trước.
3. Nguyên nhân nào gây ra đột tử do tim?
Hầu hết các ca đột tử do tim gây ra bởi rối loạn nhịp tim. Rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng phổ biến nhất là rung thất. Đây là hiện tượng phát xung điện thất thường, không theo nhịp, vô tổ chức từ tâm thất (ngăn dưới của tim). Khi điều này xảy ra, tim không thể bơm máu và tình trạng tử vong sẽ xảy ra trong vài phút nếu không được điều trị.
4. Các yếu tố nguy cơ của ngừng tim đột ngột là gì?
Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ngừng tim đột ngột và đột tử do tim.
Hai yếu tố nguy cơ hàng đầu bao gồm:
- Tiền căn nhồi máu cơ tim (75% các trường hợp đột tử do tim có liên quan đến một cơn đau tim trước đó), đặc biệt là trong 6 tháng đầu sau nhồi máu cơ tim.
- Bệnh động mạch vành (80% các trường hợp đột tử do tim có liên quan đến bệnh này) - Các yếu tố nguy cơ đối với bệnh động mạch vành bao gồm: Hút thuốc, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, cholesterol cao, tăng huyết áp, đái tháo đường.
Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
- Phân suất tống máu dưới 40% (EF), kết hợp với nhịp nhanh thất.
- Tiền căn ngừng tim trước đây được cứu sống.
- Tiền sử gia đình bị ngừng tim đột ngột hoặc đột tử do tim.
- Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh rối loạn nhịp tim, như hội chứng QT dài, hội chứng Wolff-Parkinson-White, nhịp tim rất chậm hoặc block tim.
- Nhịp nhanh thất hoặc rung thất sau cơn đau tim.
- Tiền sử dị tật tim bẩm sinh hoặc bất thường mạch máu.
- Tiền sử ngất (các cơn ngất không rõ nguyên nhân).
- Suy tim: Tình trạng sức bơm của tim yếu hơn bình thường. Bệnh nhân suy tim có nguy cơ bị rối loạn nhịp thất cao gấp 6 đến 9 lần so với dân số chung, có thể dẫn đến ngừng tim đột ngột.
- Bệnh cơ tim dãn nở (chiếm 10% nguyên nhân gây ra đột tử do tim): Giảm khả năng bơm máu của tim do tâm thất trái giãn và suy yếu.
- Bệnh cơ tim phì đại: Cơ tim dày lên ảnh hưởng đặc biệt đến tâm thất.
- Thay đổi đáng kể nồng độ kali và magie trong máu (có thể do sử dụng thuốc lợi tiểu), ngay cả khi không có bệnh tim .
- Béo phì.
- Bệnh tiểu đường.
- Lạm dụng thuốc kích thích.
- Dùng thuốc “chống loạn nhịp tim” có thể làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim đe dọa tính mạng.
Đột tử do tim hiếm khi xảy ra ở các vận động viên nhưng không phải là không thể. Ở dân số trẻ, đột tử thường do dị tật tim bẩm sinh, xảy ra khi chơi các môn thể thao đồng đội; tỷ lệ khoảng 1 trong 100.000 đến 1 trong 300.000 vận động viên và thường gặp ở nam giới. Trong khi đó, ở các vận động viên lớn tuổi (trên 35 tuổi), nguyên nhân thường liên quan đến bệnh mạch vành và thường xảy ra khi chạy bộ, tỷ lệ là 1 trong 15.000 người chạy bộ và 1 trong 50.000 người chạy marathon.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị nên kiểm tra tim mạch cho các vận động viên bậc trung học và đại học. Việc sàng lọc nên được lặp lại 2 năm một lần. Nam giới từ 40 tuổi và nữ từ 50 tuổi trở lên nên được thực hiện nghiệm pháp gắng sức để đánh giá nguy cơ tim mạch. Nếu được chẩn đoán hoặc nghi ngờ bệnh tim, vận động viên nên được chuyển đến bác sĩ tim mạch để được hướng dẫn điều trị trước khi tham gia các hoạt động thể lực
5. Làm thế nào để điều trị ngừng tim đột ngột
Ngừng tim đột ngột có thể được điều trị và hồi phục nhưng phải tiến hành cấp cứu ngay lập tức. Tỷ lệ sống sót có thể lên tới 90% nếu điều trị được bắt đầu trong vòng những phút đầu tiên sau khi ngừng tim đột ngột. Tỷ lệ này sẽ giảm khoảng 10% sau mỗi phút chậm cấp cứu. Những người sống sót thường có tiên lượng tốt sau đó.
Nếu chứng kiến ai đó bị ngừng tim đột ngột, hãy gọi cấp cứu 115 và tiến hành hô hấp nhân tạo. Nếu được thực hiện đúng cách, hô hấp nhân tạo có thể cứu sống một người vì quy trình này giúp giữ cho máu và oxy lưu thông trong cơ thể cho đến khi có sự trợ giúp.
Khử rung tim bằng máy AED được xem là cơ hội tốt nhất để cứu bệnh nhân, máy có thể được trang bị sẵn tại một số khu vực công cộng. Bệnh nhân được khử rung tim càng nhanh chóng thì cơ hội cứu sống càng cao. Hô hấp nhân tạo cộng với khử rung tim được xem là biện pháp chính cứu sống bệnh nhân.
6. Ngừng tim đột ngột có thể ngăn ngừa được không?
Nếu bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào được liệt kê ở trên thì nên đến khám và theo dõi định kỳ với bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được thực hiện các xét nghiệm đánh giá chuyên sâu,+ và can thiệp kịp thời.
- Cấy ghép máy khử rung tim (ICD)
Đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao bị đột tử hoặc được cứu sống sau khi ngừng tim, có thể được điều trị dự phòng với máy khử rung. ICD là một máy nhỏ tương tự như máy tạo nhịp tim, được cấy dưới da. Nó có chức năng theo dõi, phát hiện và điều trị các rối loạn nhịp tim nhanh bằng cách phát ra một năng lượng điện (một cú sốc nhỏ nhưng mạnh) đến tế bào cơ tim để chuyển nhịp tim về chu kỳ đập bình thường. Các dữ liệu này sẽ được ghi lại và bác sĩ sẽ kiểm tra để điều chỉnh chế độ hoạt động của máy phù hợp với bệnh nhân.
- Thủ thuật can thiệp mạch vành hoặc phẫu thuật
Đối với những bệnh nhân bị bệnh mạch vành, có thể cần chụp và can thiệp nong hoặc đặt stent mạch vành, hoặc phẫu thuật bắc cầu để cải thiện lưu lượng máu đến nuôi cơ tim, giảm nguy cơ đột tử. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh cơ tim phì đại hoặc dị tật tim bẩm sinh, cần phẫu thuật để chỉnh sửa các bất thường cấu trúc tim. Ngoài ra, thủ thuật can thiệp cắt đốt điện sinh lý qua đường ống thông có thể điều trị triệt để các rối loạn nhịp do đường dẫn truyền phụ, vòng vào lại, do sẹo nhồi máu cơ tim cũ,...
- Giáo dục các thành viên trong gia đình
Nếu người thân trong gia đình có nguy cơ bị đột tử do tim, các thành viên trong gia đình cần hiểu được tầm quan trọng của bệnh và việc cần cấp cứu nhanh, kịp thời, học biết cách thực hiện hô hấp nhân tạo và gọi cấp cứu hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp.
- Bên cạnh đó việc thay đổi lối sống cũng rất quan trọng, bao gồm:
Bỏ hút thuốc.
Giảm cân nếu thừa cân.
Tập thể dục thường xuyên.
Tuân theo chế độ ăn ít chất béo, ít muối và tinh bột.
Quản lý bệnh tiểu đường, cholesterol, và huyết áp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.