Estrogen là 1 trong 2 hormon sinh dục quan trọng nhất ở phụ nữ, có vai trò quyết định giới tính, sinh sản, sức khỏe. Thừa hay thiếu estrogen đều sẽ dẫn đến những tình trạng rối loạn và nguy cơ mắc nhiều bệnh lý ở phụ nữ. Vậy với bệnh tim mạch, nồng độ Estrogen có mối liên quan gì?
1. Estrogen là gì?
Estrogen là tên của nhóm các nội tiết tố có vai trò quan trọng trong việc phát triển và duy trì các đặc tính sinh dục nữ ở cơ thể con người. Estrogen bắt đầu được buồng trứng tiết ra khi các bé gái bước vào độ tuổi dậy thì. Nồng độ của các nội tiết tố nói chung và Estrogen nói riêng không phải cố định mà sẽ có sự tăng giảm theo từng giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt.
Estrogen gồm 3 dạng chính là:
- Estrone (E1): Đây là dạng estrogen chỉ xuất hiện ở những phụ nữ mãn kinh. Mặc dù có thể hiện diện ở các mô của cơ thể với một lượng nhỏ, nồng độ E1 (estrone) được tìm thấy nhiều nhất là ở mô mỡ và mô cơ. Cơ thể có khả năng chuyển hóa estradiol thành estrone và ngược lại.
- Estradiol (E2): Đây là dạng estrogen có hoạt lực cao nhất được sản xuất bởi hai buồng trứng. Estradiol được xem là có mối liên quan với nhiều vấn đề phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung hoặc ung thư nội mạc tử cung.
- Estriol (E3): Đây là dạng estrogen được tạo ra chủ yếu từ nhau thai vì các nghiên cứu ghi nhận E3 chủ yếu xuất hiện khi người phụ nữ mang thai. Ngoài ra, khi cơ thể sử dụng estradiol cũng có thể tạo ra một lượng cực kì nhỏ estriol như là một sản phẩm phụ.
Estrogen là chìa khóa cho sự hình thành và phát triển các đặc điểm sinh dục ở nữ giới bao gồm mọc lông mu và lông nách, phát triển ngực, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và hoạt động của hệ sinh sản.
2. Lợi ích của các thuốc nội tiết Estrogen
2.1 Chữa rong kinh, rong huyết
Các bé gái ở lứa tuổi dậy thì hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể gặp các vấn đề khi hành kinh như rong kinh, ra máu âm đạo bất thường hoặc đau quặn thắt ở vùng bụng hạ vị. Nguyên nhân của những tình trạng này do rối loạn bài tiết estrogen hoặc niêm mạc tử cung tiết ra nhiều prostaglandin trong giai đoạn tăng sinh gây co thắt mạnh khi hành kinh. Sử dụng các thuốc chứa nội tiết estrogen tùy vào từng giai đoạn của chu kỳ sẽ có tác dụng cầm máu nhờ tạo ra sự cân đối estrogen và progesteron hoặc ức chế sự phát triển của niêm mạc tử cung, hạn chế sản xuất prostaglandin giúp giảm đau.
2.2 Tránh thai
Bổ sung estrogen, progesterone vào chu kỳ kinh sẽ tạo ra nồng độ cao hai nội tiết tố này ở thời kỳ phóng noãn, ức chế quá trình phóng noãn của buồng trứng nhờ đó tránh được hiện tượng thụ thai. Thuốc tránh thai được xem là có tính an toàn cao nhưng vẫn có thể gây một số tác dụng phụ như nổi mụn, tăng cân, giữ nước, đau ngực, sỏi mật,... Đặc biệt không sử dụng thuốc tránh thai ở những đã có bệnh tim mạch vì có thể gây ra các biến chứng như huyết khối, thuyên tắc tĩnh mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim, bệnh tim thiếu máu cục hoặc đột quỵ. Ở những người không có bệnh lý tim mạch trước đó cũng sẽ có thể xuất hiện những tác dụng này nếu sử dụng estrogen liều cao kéo dài .
Estrogen làm các khối u phát triển nhanh hơn, vì thế không sử dụng thuốc tránh thai cho các trường hợp ung thư hoặc có khối u lành tính, rối loạn đông máu, rối loạn lipid máu, cường giáp hoặc bệnh gan mật.
Với người khỏe mạnh, thuốc tránh thai cũng chỉ nên sử dụng khi còn trẻ và trong thời gian ngắn. Phụ nữ trên 40 tuổi không nên dùng thuốc này vì có nguy cơ bị bệnh ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung hoặc các bệnh lý tim mạch.
2.3 Giảm các triệu chứng mãn kinh, tiền mãn kinh
Phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh sẽ xuất hiện các triệu chứng rối loạn vận mạch do sự sụt giảm đột ngột nội tiết Estrogen như bốc hỏa, khô teo da, khô âm đạo, thay đổi tính tình, loãng xương, trầm cảm,... khiến người bệnh rất khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để giúp làm giảm bớt các triệu chứng này, một liệu pháp hormon thay thế được sử dụng các thuốc chứa thành phần nội tiết estrogen với nồng độ rất thấp.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ và Tổ chức Sáng kiến sức khỏe phụ nữ WHI (Women's Health Initiative): Nhóm dùng HRT làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch lên 23%, tăng xuất hiện cục máu đông lên 100%, tăng đột quỵ 38% và tăng ung thư vú 26%, cũng như làm giảm trí nhớ ở người từ 65 tuổi trở lên. Vì vậy, để hạn chế những nguy cơ này, một số lời khuyên được áp dụng trong việc sử dụng liệu pháp hormon thay thế được đưa ra là:
- Chỉ sử dụng HRT cho phụ nữ khó chịu nặng với các triệu chứng mãn kinh mà không tự vượt qua được.
- Nếu triệu chứng không nặng và không biểu hiện toàn thân thì chỉ nên dùng estrogen tại chỗ như dạng bôi hay dạng trứng.
- Xơ vữa động mạch ở giai đoạn sớm, nếu dùng HRT sẽ giúp làm chậm tiến trình này cho người mới mãn kinh và giúp ngăn ngừa nguy cơ tim mạch. Tuy nhiên, khi đã ở giai đoạn xơ vữa động mạch phát triển thì việc dùng estrogen sẽ làm cho mảng xơ vữa trở nên mỏng manh và dễ vỡ hơn, dẫn đến hình thành huyết khối và thuyên tắc mạch. Vì vậy, không dùng liệu pháp thay thế hormon cho người đã mãn kinh lâu, chỉ dùng trong thời gian ngắn, tối đa 3 năm cho người mới mãn kinh.
3. Nồng độ Estrogen liên quan gì đến bệnh tim mạch?
3.1 Thiếu hụt Estrogen tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhiều lần
Phụ nữ mãn kinh bị thiếu estrogen làm cho nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng cao gấp 4 lần so với phụ nữ độ tuổi sinh đẻ - Đây là khuyến cáo của BSCKII. Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ trong chương trình “Đừng thờ ơ với nội tiết tố nữ”.
Theo bác sĩ Nhi, các nghiên cứu khoa học chỉ ra, estrogen có liên quan chặt chẽ đến sự rối loạn chất béo trong máu. Tình trạng thiếu hụt estrogen sẽ tăng nồng độ cholesterol xấu như LDL, Triglycerid trong máu, trong khi lại làm giảm cholesterol tốt như HDL, từ đó tăng nguy cơ xơ vữa, hẹp lòng mạch máu và giảm lưu lượng máu đến tim.
Cùng với đó, thiếu estrogen cũng sẽ làm tăng nồng độ fibrinogen, một chất có vai trò hình thành cục máu đông. Huyết khối sẽ làm thu hẹp động mạch, từ đó làm giảm lưu lượng máu đến tim. Huyết khối là nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Tuy nhiên, điều nguy hiểm là bệnh tim mạch ở phụ nữ mãn kinh lại thường không có biểu hiện những cơn đau hay tức ngực điển hình mà đôi khi chỉ là tình trạng khó thở, đau cánh tay trái, thường xuyên mệt mỏi... Những dấu hiệu này lại tương tự các biểu hiện của giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Điều này làm người bệnh không nghĩ đến khả năng mình đang mắc bệnh tim mạch nên quá trình đi khám và điều trị thường bị chậm trễ.
3.2 Nồng độ Estrogen cao liên quan đến tỷ lệ đột tử do tim
Đột tử do tim là tình trạng tim đột ngột ngừng đập, làm cơ thể nhanh chóng rơi vào trạng thái bất tỉnh và tử vong do các tổn thương tim và các cơ quan không hồi phục.
Một nghiên cứu được thực hiện bằng việc xem xét dữ liệu của những người bị đột tử do tim hoặc bị bệnh mạch vành ở Portland, Oregon. Ban đầu, tỷ lệ các yếu tố nguy cơ tim ở cả hai nhóm là tương tự nhau bao gồm tiểu đường, tăng huyết áp, cholesterol cao và béo phì.
Điều tạo nên sự khác biệt là nồng độ estrogen cao hơn nhiều và tỉ lệ testosterone-estrogen thấp hơn ở những trường hợp bị đột tử do tim so với những người bị bệnh động mạch vành. Mặc dù vậy, các nhà khoa học cũng khuyến cáo rằng điều này không chứng minh rằng nồng độ estrogen cao có mối quan hệ nhân quả với tình trạng ngừng tim. Nó chỉ giúp các bác sĩ xác định những bệnh nhân có nguy cơ đột tử do tim và tử vong.
Như vậy, có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng nồng độ Estrogen có một mối liên quan khá mật thiết đến nguy cơ xuất hiện các bệnh lý tim mạch. Việc tăng hay giảm quá mức nồng độ Estrogen trong máu cũng ẩn chứa nguy cơ xuất hiện các bệnh lý tim mạch nguy hiểm, thậm chí là gây tử vong cho người bệnh, đặc biệt là ở phụ nữ, những người chịu ảnh hưởng lớn của hormon Estrogen trong các quá trình sinh lý và sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.