Tìm hiểu tình trạng vô niệu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Vô niệu hoặc khó tiểu xảy ra khi thận không sản xuất nước tiểu. Ban đầu, bạn có thể có nước tiểu ít và sau đó là vô niệu. Vô niệu thường gặp ở các bệnh nhân bị bệnh thận, đôi khi là bệnh lý về tim mạch, rối loạn điện giải hay đơn thuần là do các thói quen sinh hoạt ăn uống chưa đúng mức.

1. Khái niệm vô niệu

Trong cơ thể, nước tiểu được hình thành qua 3 quá trình:

  • Quá trình lọc máu tại cầu thận.
  • Quá trình tái hấp thu tại ống thận.
  • Hình thành nước tiểu chính thức.

Trung bình mỗi ngày sẽ có khoảng 170 - 180 lít nước tiểu đầu được tạo ra ở quá trình lọc máu tại cầu thận. Sau đó nước tiểu đầu được đưa xuống ống thận để tái hấp thu. Lúc này, các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể được tái hấp thu đưa trở lại chỉ còn lại 1 - 2 lít nước tiểu thực sự được hình thành đổ vào bể thận xuống niệu quản, qua bàng quang niệu đạo rồi bài xuất ra ngoài. Do đó, trung bình mỗi ngày một người sẽ đưa 1 - 2 lít nước tiểu ra ngoài.

Vô niệu là tình trạng không có nước tiểu trong bàng quang. Vô niệu thường xảy ra khi thận không có khả năng để sản xuất đủ lượng nước tiểu bài xuất ra ngoài.


Quá trình hình thành nước tiểu trong cơ thể
Quá trình hình thành nước tiểu trong cơ thể

2. Các nguyên nhân gây tình trạng vô niệu

Các nguyên nhân khiến bạn không thể đi tiểu gồm:

Bệnh lý tại thận:

  • Viêm thận như viêm cầu thận cấp nặng, viêm ống thận cấp, viêm thận do leptospira.
  • Sỏi thận gây ứ tắc, ứ nước ở ống thận và cầu thận, chỉ số Albumin kéo theo giảm nước tiểu.
  • Lao thận làm tổn thương nhu mô thận sẽ gây đái ít hoặc không có nước tiểu.
  • Ung thư thận giai đoạn cuối.

Bệnh lý ngoài thận: Tất cả những bệnh lý gây mất nước hay giảm lưu lượng máu đến thận đều có thể gây vô niệu.

  • Sốt cao, nôn nhiều, ỉa chảy trong thời gian dài gây mất nước.
  • Do các bệnh lý về tim mạch như suy tim, mất máu làm giảm lượng máu đến thận, đồng thời giảm áp lực động mạch thận.
  • Xơ gan.

Ngoài những bệnh lý trên, vô niệu có thể xảy ra do các thói quen sinh hoạt như:

  • Do ăn nhạt.
  • Do uống quá ít nước dẫn đến việc tạo ra nước tiểu ít, thể tích máu đến thận giảm.
  • Do người bị ra quá nhiều mồ hôi: Mồ hôi có thành phần cấu tạo gần tương đương với nước tiểu. Ở những người ra nhiều mồ hôi sẽ dễ xảy ra tình trạng mất nước mất muối cho cơ thể. Lúc này, để đảm bảo cho sức khỏe cũng như các hoạt động của cơ thể, thận cần phải hạn chế hoạt động bài tiết. Nước tiểu cũng theo đó mà được bài xuất ít dẫn tới vô niệu.

Sỏi thận ứ tắc, ứ nước ở ống thận và cầu thận là nguyên nhân gây ra tình trạng vô niệu
Sỏi thận ứ tắc, ứ nước ở ống thận và cầu thận là nguyên nhân gây ra tình trạng vô niệu

3. Biểu hiện lâm sàng của chứng vô niệu

Vô niệu biểu hiện đặc trưng bằng việc tiểu ít, lượng nước tiểu 24 giờ dưới 300ml, đôi khi có thể đau tức khó chịu ở đường niệu dưới do các tổn thương.

Vô niệu là một triệu chứng trên lâm sàng, không phải là một bệnh lý cụ thể. Vì vậy trên thực tế lâm sàng, vô niệu thường xuất hiện cùng với các biểu hiện triệu chứng của các bệnh lý khác của cơ thể như:

Biểu hiện của các bệnh lý ở thận:

  • Sưng phù chân, bàn chân và mắt cá chân thậm chí cả ở mặt.
  • Đau lưng nhất là vùng hố chậu phải.
  • Chóng mặt, buồn nôn, người mệt mỏi, có thế có sẩn ngứa phát ban trên cơ thể.
  • Đôi khi bệnh nhân bị giảm tập trung, khó thở.

Biểu hiện của bệnh lý suy tim:

  • Người mệt mỏi, xanh xao.
  • Nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim.
  • Đau đầu, chóng mặt kèm theo khó thở.
  • Đau tức vùng ngực trái.
  • Nôn, buồn nôn, môi tím, biến đổi về huyết áp...

Đối với nguyên nhân bệnh lý khác nhau, ở những trường hợp khác nhau bệnh nhân vô niệu lại có những biểu hiện bệnh lý khác nhau.

Đi tiểu là một quá trình quan trọng giúp cơ thể đào thải các chất thải hay các chất lỏng dư thừa trong cơ thể ra bên ngoài. Ở những người không đi tiểu được, nước tiểu không bài xuất ra ngoài, các chất thải sẽ bị giữ lại trong cơ thể, tích tụ lại trong cơ thể, trước hết là ảnh hưởng đến hoạt động lọc của thận, sau đó là ảnh hưởng đến các cơ quan khác làm suy giảm sức khỏe.

Vô niệu cũng là dấu hiệu báo trước của những nguy cơ bệnh lý tiềm ẩn bên trong. Do đó, không nên lơ là, hãy quan tâm đến sức khỏe của bản thân bằng cách lưu ý đến lượng nước tiểu mỗi ngày và hãy đến các cơ sở y tế khám ngay khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe