Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Ngoại Tim mạch & Lồng ngực cùng Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lương Tấn - Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Kênh nhĩ thất là tình trạng khiếm khuyết vách nhĩ thất và bất thường các van nhĩ thất của tim. Các phẫu thuật kênh nhĩ thất toàn phần hiện nay khác nhau ở vài chi tiết nhưng đều có điểm chúng là khả năng thành công cao, mang lại cuộc sống ổn định trở lại cho người bệnh.
1. Thế nào là kênh nhĩ thất?
Một trái tim khỏe mạnh là một hệ thống bơm mạnh mẽ, có khả năng đẩy máu qua hệ thống tuần hoàn để mang oxy và chất dinh dưỡng đến các nơi trong cơ thể. Trái tim có bốn buồng - hai bên phải và hai bên trái. Máu được bơm qua các buồng này và được điều chỉnh bởi các van mở và đóng như những cánh cửa nhỏ, để máu có thể di chuyển theo một hướng.
Sau khi máu di chuyển cung cấp oxy cho các cơ quan, máu có màu đỏ sẩm vì nó không còn giàu oxy. Máu đỏ sẩm quay trở lại tim thông qua các buồng phải và được bơm qua động mạch phổi vào phổi. Trong phổi, nó lấy thêm oxy và trở nên đỏ tươi. Sau đó nó quay trở lại qua tĩnh mạch phổi đến các buồng bên trái và được bơm qua động mạch chủ và đưa đến các cơ quan tiếp tục.
Trong một trái tim với Kênh nhĩ thất, một số khiếm khuyết ngăn tim hoạt động bình thường:
- Khiếm khuyết tâm nhĩ: Một lỗ, cho phép máu giàu oxy (màu đỏ) từ tâm nhĩ trái trộn với máu nghèo oxy (đỏ sẩm) ở tâm nhĩ phải.
- Khiếm khuyết thông liên thất: Một lỗ khác, cho phép máu giàu oxy (màu đỏ) từ tâm thất trái trộn với máu nghèo oxy (màu đỏ sẩm) ở tâm thất phải.
- Bất thường của van hai lá hoặc van ba lá: Những khiếm khuyết này cho phép một phần máu đi ngược trở lại buồng nhĩ.
2. Phân loại kênh nhĩ thất
Có hai loại Kênh nhĩ thất:
- Kênh nhĩ thất bán phần: Một lỗ thông tồn tại giữa các buồng tâm nhĩ và van tim bên trái đóng không kín hoàn toàn.
- Kênh nhĩ thất hoàn toàn: Một lỗ thông lớn tồn tại giữa buồng tâm nhĩ và buồng tâm thất. Thay vì hai van riêng biệt ở bên phải và bên trái, một van nhĩ thất chung lớn nằm giữa các khoang nhĩ và thất đồng thời van này thường bị hở.
3. Biến chứng của Kênh nhĩ thất
Kênh nhĩ thất cho phép máu giàu oxy và nghèo oxy hòa lẫn qua lỗ thông trong tim và các van hở làm tim phải chứa máu nhiều hơn. Những vấn đề này làm cho tim làm việc vất vả hơn, khiến nó to ra.
Do đó, trẻ sơ sinh mắc Kênh nhĩ thất có thể khó thở và trẻ có thể không phát triển bình thường. Nếu không được điều trị, các biến chứng tiềm ẩn của Kênh nhĩ thất cũng bao gồm:
- Viêm phổi: Kênh nhĩ thất không được điều trị có thể dẫn đến các vấn đề lặp đi lặp lại với nhiễm trùng phổi.
- Dãn tim (tim to): Lưu lượng máu tăng qua tim buộc nó phải làm việc nhiều hơn, khiến nó phát triển lớn hơn.
- Suy tim sung huyết: Kênh nhĩ thất gây ra suy tim sung huyết, tình trạng tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
- Tăng áp phổi: Do máu đi lên phổi nhiều hơn thông thường làm áp lực trong mạch máu phổi tăng. Huyết áp cao trong các mạch máu trong phổi có thể gây tổn thương phổi.
- Viêm nội tâm mạc do vi khuẩn: tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng trong tim.
4. Nguyên nhân gây ra Kênh nhĩ thất?
Khiếm khuyết thông liên nhĩ xảy ra trong tám tuần đầu tiên của sự phát triển của thai nhi, khi trái tim đang hình thành.
Trái tim bắt đầu như một cái ống rỗng. Sau đó vách ngăn, hoặc các thành hình thành và chia ống thành bốn buồng. Kênh nhĩ thất xảy ra khi các thành giữa bên phải và bên trái của trái tim không hình thành hoặc hình thành không hoàn chỉnh, để lại những khoảng hở. Ngoài ra, các van ngăn cách buồng trên và buồng dưới của tim cũng không phát triển đúng cách.
Kênh nhĩ thất chiếm khoảng 4 - 10% tất cả các khuyết tật tim bẩm sinh (từ khi sinh ra), xảy ra ở khoảng 2/10.000 ca sinh sống. Nó xuất hiện với tần suất tương đương ở bé trai và bé gái.
Mặc dù nguyên nhân chính xác của Kênh nhĩ thất vẫn chưa được biết và trong hầu hết các trường hợp, không thể ngăn ngừa được. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra với bệnh lý này. Ví dụ, trẻ sinh ra mắc hội chứng Down có nguy cơ bị dị tật tim bẩm sinh, 45% trẻ em mắc hội chứng Down mắc bệnh tim bẩm sinh. Trong số này, 20 - 25% bị Kênh nhĩ thất.
Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm mẹ bị bệnh do virus (như bệnh sởi) khi đang mang thai, mẹ mắc tiểu đường, lạm dụng rượu khi mang thai, sử dụng một số loại thuốc trong khi mang thai và cha mẹ bị dị tật tim bẩm sinh. 14% các bà mẹ bị khuyết tật nhĩ thất sinh con bị tình trạng này.
5. Các dấu hiệu và triệu chứng Kênh nhĩ thất
Kích thước của các lỗ thông sẽ ảnh hưởng đến loại và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, cũng như độ tuổi mà chúng xảy ra lần đầu tiên. Các lỗ thông càng lớn, tình trạng càng nghiêm trọng.
Nếu trẻ bị Kênh nhĩ thất toàn phần, các dấu hiệu và triệu chứng thường trở nên rõ ràng trong vài tuần đầu tiên của cuộc đời. Các triệu chứng khác nhau ở mỗi trẻ, nhưng thường bao gồm:
- Khó thở hoặc thở co kéo
- Ăn kém hoặc tăng cân kém
- Chán ăn hoặc khó thở khi ăn
- Tím tái: da, môi hoặc móng tay có màu xanh
- Da nhợt nhạt, lạnh hoặc ẩm
- Nhịp tim quá nhanh.
Kênh nhĩ thất hoàn toàn có thể dẫn đến suy tim xung huyết. Nếu trẻ bị suy tim sung huyết, các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
- Mệt mỏi, yếu và thiếu tỉnh táo
- Tăng cân đột ngột hoặc sưng chân, mắt cá chân, bàn chân hoặc bụng
- Nhịp tim không đều hoặc quá nhanh
- Ho hoặc khò khè không biến mất, đôi khi có đờm trắng hoặc hồng lẫn máu.
Nếu trẻ bị Kênh nhĩ thất bán phần, các dấu hiệu và triệu chứng có thể không rõ ràng trong vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Một số người mắc chứng Kênh nhĩ thất bán phần không có dấu hiệu cho đến khi họ trưởng thành ở độ tuổi 20 hoặc 30, họ có thể mắc các bệnh như nhịp tim bất thường, suy tim sung huyết và tăng áp phổi.
Bác sĩ nhi cũng có thể nghi ngờ Kênh nhĩ thất bán phần nếu nghe thấy trẻ tiếng tim có âm thổi. Hầu hết những tiếng thổi ở tim được gọi là tiếng thổi cơ năng. Nhiều trẻ có tiếng thổi cơ năng không có khuyết tật về tim và không gặp vấn đề về tim. Tuy nhiên, nếu có tiếng thổi tim cùng với các triệu chứng khác, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm khác.
6. Kênh nhĩ thất được chẩn đoán như thế nào?
Một chẩn đoán rõ ràng là bước đầu tiên để điều trị. Một bác sĩ tim mạch nhi khoa có thể sử dụng một số xét nghiệm để xác định chẩn đoán bệnh. Những xét nghiệm này có thể bao gồm
- X-quang ngực
- Chụp cộng hưởng từ tim (MRI): kiểm tra lưu lượng máu và hoạt động của tim khi tim hoạt động.
- Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): đánh giá nhịp tim bất thường (rối loạn nhịp tim hoặc rối loạn nhịp tim)
- Siêu âm tim (Echo)
- Thông tim.
7. Điều trị Kênh nhĩ thất toàn phần như thế nào?
Sau khi được chẩn đoán, việc điều trị có thể thay đổi tùy theo từng cá thể. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp tim và phổi hoạt động tốt cho đến khi trẻ sẵn sàng phẫu thuật.
Thông thường, trẻ bị Kênh nhĩ thất cần phẫu thuật chỉnh sửa trước sáu tháng tuổi. Trẻ mắc cả hội chứng Kênh nhĩ thất và Down có thể phát triển các vấn đề về phổi sớm hơn những đứa trẻ khác và có thể cần phẫu thuật ở độ tuổi sớm hơn.
Nhiều trẻ em được phẫu thuật chỉnh sửa Kênh nhĩ thất sống một cuộc sống khỏe mạnh, với mức độ hoạt động, sự thèm ăn và tăng trưởng trở lại bình thường.
Có các kỹ thuật mổ khác nhau ở vài chi tiết, nhưng thông thường các khuyết tật được đóng lại bằng một miếng vá được làm từ một mảnh màng ngoài tim hoặc vật liệu tổng hợp. Miếng vá được để nguyên tại chỗ, và nội mạc tim sẽ phát triển theo thời gian. Các phẫu thuật có khả năng thành công cao.
Đối với khuyết tật kênh nhĩ thất bán phần, phẫu thuật cũng liên quan đến việc sửa chữa van hai lá. Nếu không thể sửa chữa, van có thể cần phải được thay thế.
Nếu trẻ bị khiếm khuyết kênh nhĩ thất hoàn toàn, phẫu thuật cũng bao gồm tách van nhĩ thất chung thành hai van, một bên trái và một bên phải.
Sau phẫu thuật chỉnh sửa, trẻ sẽ cần được chăm sóc theo dõi suốt đời với bác sĩ tim mạch chuyên về bệnh tim bẩm sinh. Các biến chứng tiềm ẩn sau này trong cuộc sống, như hở van tim, có thể cần điều trị bổ sung. Con bạn cũng sẽ cần phải dùng thuốc kháng sinh trước khi làm thủ thuật nha khoa và các thủ tục phẫu thuật khác để ngăn ngừa Viêm nội tâm mạch nhiễm khuẩn.
Có thể kênh nhĩ thất toàn phần phải mổ banding làm hẹp động mạch phổi trước 1-2 tháng tuổi để bảo vệ phổi hoặc mổ sớm trước 3 tháng tuổi mới thành công. Vì vậy trẻ cần được sớm chẩn đoán loại kênh nhĩ thất để theo dõi và điều trị. Vinmec có thể chẩn đoán và điều trị kênh nhĩ thất toàn phần thành công.
Chương trình phẫu thuật tim mạch trẻ em tại Vinmec Central Park là một trong những chương trình tim mạch nhi lớn và hiện đại trong khu vực. Bệnh nhân đến mổ kênh nhĩ thất tại bệnh viện Vinmec có độ tuổi từ sơ sinh đến trưởng thành. Sau phẫu thuật sửa chữa hoàn toàn cho bệnh lý kênh nhĩ thất, tất cả các bệnh nhân đã xuất viện ổn định và có cuộc sống tương tự như người không bị bệnh tim.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.