Tìm hiểu các thuốc kháng tiểu cầu trong điều trị bệnh mạch vành

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến và Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thị Hòa - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Bệnh mạch vành có nguyên nhân do sự không ổn định và nứt vỡ của các mảng xơ vữa, dẫn đến hình thành huyết khối gây hẹp hoặc tắc hoàn toàn động mạch vành. Việc điều trị cốt lõi đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm các biến chứng tim mạch và nâng cao tiên lượng sống cho người bệnh.

1. Bệnh mạch vành là gì?

Bệnh mạch vành hay còn được gọi là bệnh hẹp mạch vành tim, là tình trạng các mảng xơ vữa tích tụ lại trong động mạch vành làm giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng tim và gây ra các cơn đau thắt ngực, hoặc nguy hiểm hơn là nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Trong số các bệnh lý tim mạch thì mạch vành là một trong số những bệnh nguy hiểm, có khả năng gây tử vong nhanh chóng cho người bệnh.

Khi mắc phải bệnh mạch vành, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Đau ngực và tim: Là biểu hiện rõ nhất của bệnh mạch vành, người bệnh sẽ cảm thấy đau thắt ở ngực và có cảm giác như lồng ngực bị đè nén và phải chịu một áp lực lớn, nhiều trường hợp sẽ cảm thấy nhói buốt và bỏng rát trong ngực vô cùng khó chịu;
  • Cơn đau ở bệnh mạch vành thường xuất hiện ở ngực, cổ, hàm, dưới xương ức, vai và cánh tay. Tùy vào tình trạng của bệnh mà mức độ đau sẽ khác nhau, cơn đau giảm dần khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch.
Tìm hiểu các thuốc kháng tiểu cầu trong điều trị bệnh mạch vành

2. Các loại thuốc kháng tiểu cầu trong điều trị bệnh mạch vành

Đối với sự nứt vỡ các mảng xơ vữa thì sự ngưng tập kết tiểu cầu là yếu tố đóng vai trò quan trọng của phản ứng huyết khối. Do vậy, sự ức chế tiểu cầu thường được khuyến cáo ở những bệnh nhân mắc bệnh mạch vành ổn định trong trường hợp không có chống chỉ định.

Các loại thuốc kháng tiểu cầu có những sự tác động theo các cơ chế khác nhau. Một số loại thuốc chống đông và chống tập kết tiểu cầu có thể được dùng điều trị bệnh mạch vành bao gồm:

2.1 Thuốc Aspirin

Thuốc Aspirin được sáng chế bởi người Đức Felix Hoffman từ năm 1899, với tác dụng chủ yếu là điều trị hạ sốt và giảm đau. Đến năm 1955 thì các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện ngoài khả năng giúp giảm đau, hạ sốt hiệu quả thì aspirin còn có khả năng kéo dài thời gian chảy máu và có thể dùng để dự phòng huyết khối, đến năm 1967 thì những nghiên cứu trên lâm sàng mới của Aspirin mới thực sự được tiến hành.

Thuốc Aspirin acetyl-hóa men cyclo-oxygenase của màng tiểu cầu và tế bào nội mạc thành mạch làm cho các men này không có hoạt tính, giúp cản trở sự tổng hợp prostaglandin endoperoxyd, đồng thời thông qua đó để ức chế việc sự hình thành cả thromboxan A2 và prostacyclin. Vì tiểu cầu không có nhân nên tác động ở mảng tiểu cầu là không hồi phục, ngược lại khi tác động trên tế bào nội mạc thành mạch có nhân là có hồi phục, vẫn có khả năng sản sinh men cyclo-oxygenase. Do vậy thuốc Aspirin chỉ tác động một phần đối với kết tập tiểu cầu do tác động của ADP, thrombin, collagen.

Thuốc Aspirin được chỉ định rộng rãi trong điều trị bệnh huyết khối – nghẽn mạch như: nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực không ổn định, tai biến thiếu máu não, bệnh mạch vành... Ngoài ra, aspirin cũng được chỉ định sử dụng rất rộng rãi trong dự phòng tiên phát các tai biến huyết khối – nghẽn mạch ở những bệnh nhân tim mạch có nguy cơ cao như: suy tim, loạn nhịp tim....

2.2 Thuốc Clopidogrel

Clopidogrel là dẫn chất thienopyridine, có cấu trúc hóa học giống ticlopidine, là loại thuốc chống đông và chống kết tập tiểu cầu được sử dụng rộng rãi nhất với biệt dược plavix. Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, plavix có tác dụng làm giảm tới 50% các biến chứng nhồi máu cơ tim, đột tử ở những bệnh nhân mắc bệnh mạch vành cấp.

Thuốc Clopidogrel có tác dụng ức chế chọn lọc và không hồi phục quá trình gắn phân tử ADP (adenozin diphosphat) vào các thụ cảm thể của nó trên bề mặt tiểu cầu, làm cho các cảm thụ GP IIb/IIIa không được hoạt hóa, kết quả là các tiểu cầu không kết dính được với nhau, nhờ vậy chống được sự hình thành cục máu đông. Điều này rất quan trọng đối với những bệnh nhân cần phải phẫu thuật (trước phẫu thuật 5 ngày phải ngừng dùng thuốc để đề phòng chảy máu).

Biến chứng nguy hiểm của thuốc chống đông và chống tập kết tiểu cầu clopidogrel cũng giống như các thuốc chống viêm non steroid là có thể gây chảy máu đường tiêu hóa, do vậy cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong sử dụng thuốc.

Thuốc Clopidogrel được chỉ định điều trị trong các trường hợp dự phòng huyết khối gây tắc động mạch như: nhồi máu cơ tim cấp, hội chứng bệnh mạch vành cấp không có đoạn ST chênh lên. Chống chỉ định với các trường hợp tăng mẫn cảm với thuốc hoặc các chế phẩm của thuốc, suy gan nặng và đang có chảy máu chưa cầm được (chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu nội sọ), không nên dùng thuốc cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú.


Thuốc Clopidogrel có tác dụng chống sự hình thành cục máu đông
Thuốc Clopidogrel có tác dụng chống sự hình thành cục máu đông

2.3 Một số loại thuốc khác

Dipyridamol: Loại thuốc kháng tiểu cầu này có đặc tính chống kết vón tiểu cầu và đồng thời giúp làm giãn động mạch vành, làm tăng cung lượng động mạch vành. Tuy nhiên, Dipyridamole có hoạt tính chống kết vón tiểu cầu yếu nên chỉ định hạn chế. Hiện nay, loại thuốc này chỉ áp dụng với những bệnh nhân có chống chỉ định với aspirin hoặc thienopyridine.

Ticlopidine: Cũng là một dẫn chất thienopyridine, có tác dụng chống đông và chống tập kết tiểu cầu. Tuy nhiên, khi sử dụng Ticlopidin có khả năng gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Rối loạn tiêu hóa;
  • Dị ứng thuốc;
  • Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, hiếm gặp giảm sản tủy xương;
  • Có thế có chảy máu và làm tăng nồng độ cholesterol, triglycerid...

Người bệnh trong khi sử dụng thuốc Ticlopidin phải kiểm tra các tế bào máu và ngưng sử dụng thuốc khi bạch cầu < 1,5g/l, tiểu cầu < 100g/l, trước khi phẫu thuật 10 ngày.

3. Phòng ngừa bệnh mạch vành như thế nào?

Bệnh mạch vành nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Do vậy, để phòng ngừa căn bệnh này một cách hiệu quả cần phải:

  • Hạn chế tối đa sử dụng đồ uống chứa cồn và chất kích thích;
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm không tốt cho tim mạch như đồ ăn nhiều đường, nhiều dầu mỡ, nhiều muối;
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, ít cholesterol, chất béo bão hòachất béo trans;
  • Hình thành thói quen tập thể dục mỗi ngày để tăng cường sức khỏe;
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện ra những vấn đề và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Tạp chí Tim mạch học Việt Nam

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe