Việc lạm dụng thuốc kháng sinh để lại những hệ lụy hết sức nguy hiểm cho người bệnh và cả ngành y tế. Với những thông tin chưa đầy đủ về thuốc kháng sinh trong đó là nhóm thuốc macrolid với nhiều tên biệt dược khác nhau gây nên những khó khăn cho người sử dụng.
1. Thuốc kháng sinh nhóm macrolid là gì?
Macrolid là nhóm thuốc kháng sinh có vòng lacton từ 12 - 17 nguyên tử cacbon hay được dùng trong điều trị với tên thuốc là erythromycin. Hiện nay, trên thị trường, nhóm thuốc này có rất nhiều biệt dược dạng uống rất thông dụng thường được chỉ định để điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản), nhiễm khuẩn da, mô mềm...
Phân loại theo đặc điểm cấu trúc hóa học có thể chia thuốc kháng sinh nhóm Macrolid thành 3 nhóm:
- Cấu trúc mạch 14 nguyên tử Cacbon: Erythromycin, Oleandomycin, Roxithromycin, Clarithromycin, Dirithromycin.
- Cấu trúc 15 nguyên tử cacbon: Azithromycin.
- Cấu trúc 16 nguyên tử carbon: Spiramycin, Josamycin.
Nguồn gốc tự nhiên dùng để điều chế macrolid chủ yếu từ môi trường nuôi cấy vi khuẩn streptomyces. Còn các thuốc kháng sinh bán tổng hợp được các nhà bào chế lấy từ macrolid tự nhiên rồi thay đổi một số nhóm thế nhằm khắc phục các nhược điểm của macrolid gốc như: roxithromycin, clarithromycin, azithromycin... Xuất phát từ erythromycin, khi thay đổi nhóm thế, người ta tạo ra được các sản phẩm bền vững hơn trong môi trường acid, nâng cao tính sinh khả dụng (tăng độ hấp thu qua ruột non) và mở rộng phổ tác dụng trên vi khuẩn.
Thuốc kháng sinh nhóm này được phân bố tốt trong các tổ chức, đặc biệt là xương và dịch phế quản. Đối với các vi khuẩn đã kháng penicillin thì macrolid là nhóm kháng sinh được lựa chọn để thay thế.
Macrolid chủ yếu tập trung vào một số chủng vi khuẩn Gram-dương và một số vi khuẩn không điển hình (Clostridium Perfringens, Corynebacterium Diphtheriae, Listeria Monocytogenes).
Thuốc không có tác dụng trên phần lớn các chủng trực khuẩn Gram-âm đường ruột và chỉ có tác dụng yếu trên một số chủng vi khuẩn Gram-âm khác như H. influenzae và N. meningitidis, tuy nhiên lại là thuốc kháng khuẩn khá tốt trên các chủng N. Gonorrhoeae.
Nhóm Macrolid cũng có tác dụng kháng khuẩn tốt trên các vi khuẩn nội bào như Campylobacter jejuni, M. Pneumoniae, Legionella Pneumophila, C. Trachomatis, Mycobacteria (bao gồm M. Scrofulaceum, M. kansasii, M. Avium-Intracellulare –ngoại trừ M. Fortuitum).
Thuốc kháng sinh nhóm macrolid được phân bố tốt trong các tổ chức, đặc biệt là xương và dịch phế quản. Đối với các vi khuẩn đã kháng penicillin thì macrolid là nhóm kháng sinh được lựa chọn để thay thế. Dạng thuốc hay dùng là viên nén, viên nang để uống. Dạng tiêm chỉ để dùng trong bệnh viện. Cần chú ý nguy cơ tương tác thuốc, đặc biệt với các thuốc kháng histamin.
2. Thuốc kháng sinh nhóm macrolid gồm những loại nào?
Thuốc đầu tiên trong nhóm macrolid là erythromycin, do thời gian bán thải ngắn của erythromycin nên phải uống nhiều lần trong ngày. Vì vậy, sự ra đời của các macrolid bán tổng hợp đã khắc phục được nhược điểm này. Erythromycin điều trị bệnh hô hấp, bạch hầu, viêm phổi ở trẻ em do vi khuẩn không điển hình, viêm kết mạc trẻ sơ sinh, dùng thay thế cho penicilin.
- Roxithromycin (rulid): Điều trị bạch hầu, ho gà, viêm phổi do Mycoplasma và legionella.
- Clarithromycin: Hiện nay cũng rất được ưa chuộng kết hợp với amoxicillin và metronidazol trong phác đồ điều trị loét dạ dày - tá tràng do nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori (kết hợp thêm với một thuốc ức chế bơm proton như omeprazol). Ngoài ra, clarithromycin còn được dùng để điều trị cho bệnh nhân AIDS.
- Spiramycin (rovamycin): Thuốc chịu đựng được môi trường acid, không độc đối với gan, thời gian bán hủy dài (6 - 8 giờ). Hiện nay trên thị trường có dạng kết hợp với metronidazol (rodogyl) dùng để điều trị nhiễm khuẩn kỵ khí, hay dùng trong nhiễm khuẩn răng hàm mặt. Thuốc dùng để điều trị nhiễm trùng hô hấp, da, bộ phận sinh dục.
- Azithromycin (zithromax): Thuốc thấm rất nhiều vào mô (trừ dịch não tủy). Thuốc có phổ tác dụng rất rộng và thời gian bán thải dài (hơn 70 giờ) cho nên chỉ cần dùng một lần trong ngày và 3 ngày trong một đợt điều trị. Azithromycin dùng để điều trị bệnh do Legionella pneumophila, bệnh giang mai tiên thứ phát, sốt rét, tả, Lyme.
Nhóm kháng sinh macrolid là dạng thuốc được dùng phổ biến vì đường dùng chủ yếu là đường uống, thuốc được dung nạp tốt, có thể dùng cho phụ nữ có thai và được dùng cho bệnh nhân AIDS để điều trị các nhiễm khuẩn cơ hội. Đây là thuốc có nhiều biệt dược đắt tiền nên các thầy thuốc cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng để đỡ gánh nặng kinh tế cho người bệnh.
3. Thuốc kháng sinh nhóm macrolid có tác dụng phụ không?
Tác dụng phụ của nhóm thuốc kháng sinh này thường gặp nhất là trên đường tiêu hoá: gây buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy (gặp khi dùng đường uống), viêm tĩnh mạch huyết khối (khi tiêm tĩnh mạch). Đặc biệt lưu ý, nhóm thuốc kháng sinh này bị chuyển hoá mạnh khi qua gan nên có thể gây viêm gan hoặc ứ mật. Những tác dụng phụ khác như gây dị ứng da (ban da, mẩn ngứa) hoặc sốc quá mẫn cũng gặp với nhóm kháng sinh này.
Dù bạn đang gặp vấn đề gì về sức khỏe, khi được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh cần hết sức lưu ý, lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh uy tín và đặc biệt không lạm dụng thuốc tránh tình trạng kháng kháng sinh.
Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.