Bệnh đa u hạt dị ứng và viêm mạch (hội chứng Churg-Strauss) là bệnh lý rối loạn đa hệ thống đặc trưng bởi triệu chứng viêm mũi dị ứng, hen suyễn và tăng bạch cầu ái toan.
1. Bệnh đa u hạt dị ứng và viêm mạch là gì?
Bệnh đa u hạt dị ứng và viêm mạch (hội chứng Churg-Strauss) là một rối loạn đặc trưng bởi tình trạng viêm mạch máu. Điều này làm hạn chế lưu lượng máu đến các mô và cơ quan, đôi khi có thể làm hỏng mạch máu vĩnh viễn.
Hen suyễn là dấu hiệu phổ biến nhất của hội chứng Churg-Strauss. Bệnh cũng có thể gây ra các vấn đề khác, chẳng hạn như sốt, phát ban, xuất huyết tiêu hóa, đau, tê ở tay và chân.
Viêm mạch và đa u hạt dị ứng rất hiếm khi xảy ra và hiện chưa có thuốc chữa trị. Bác sĩ có thể giúp bệnh nhân kiểm soát các triệu chứng với steroid và các thuốc ức chế miễn dịch khác.
2. Triệu chứng bệnh
Triệu chứng của viêm mạch và đa u hạt dị ứng thường rất khác nhau. Một số người chỉ có triệu chứng nhẹ, trong khi những người khác xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Hội chứng này có xu hướng xảy ra theo 3 giai đoạn và ngày càng nặng hơn. Hầu như tất cả bệnh nhân đều có triệu chứng hen suyễn, viêm xoang mãn tính và có lượng bạch cầu ái toan tăng cao. Hen suyễn thường bắt đầu xuất hiện từ 5 - 9 năm trước khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh đa u hạt dị ứng và viêm mạch.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Sốt;
- Ăn không ngon, giảm cân;
- Đau khớp và cơ;
- Mệt mỏi;
- Ho;
- Đau bụng, xuất huyết tiêu hóa;
- Cảm thấy cơ thể yếu, suy kiệt, cảm giác không được khỏe;
- Phát ban da hoặc lở loét da;
- Đau, tê, ngứa ran ở tay và chân;
- Đau bụng nghiêm trọng;
- Khó thở;
- Có lẫn máu trong nước tiểu hoặc phân.
3. Nguyên nhân của viêm mạch và đa u hạt dị ứng
Nguyên nhân của hội chứng Churg-Strauss hầu như chưa được biết rõ. Tuy nhiên, có giả thiết cho rằng tình trạng này là do di truyền và các yếu tố từ môi trường, chẳng hạn như tiếp xúc với các chất gây dị ứng hoặc một số loại thuốc nhất định, gây ra đáp ứng miễn dịch. Thay vì bảo vệ cơ thể, chống lại vi khuẩn và virus xâm nhập, hệ thống miễn dịch lại nhắm vào các mô khỏe mạnh, gây viêm nhiễm trên diện rộng.
4. Ai là đối tượng dễ mắc bệnh?
Hội chứng Churg-Strauss có nguy cơ cao xảy ra ở những đối tượng sau đây:
- Tuổi tác trung bình: Đa phần những người mắc chứng viêm mạch và đa u hạt dị ứng được chẩn đoán trong độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi;
- Có tiền sử hen suyễn hoặc các bệnh lý về mũi. Hầu hết những người được chẩn đoán mắc hội chứng Churg-Strauss đều có tiền sử viêm mũi dị ứng, viêm xoang mạn tính hoặc hen suyễn nghiêm trọng.
5. Biến chứng của Churg-Strauss
Hội chứng Churg-Strauss có thể ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan, bao gồm phổi, da, hệ tiêu hóa, thận, cơ, khớp và tim. Nếu không điều trị, bệnh có thể gây tử vong.
Các biến chứng xảy ra phụ thuộc vào các cơ quan liên quan, bao gồm:
- Tổn thương thần kinh ngoại biên: Ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở tay và chân của bệnh nhân, dẫn đến tê, nóng và mất chức năng;
- Sẹo trên da: Tình trạng viêm có thể gây ra vết loét trên da, để lại sẹo;
- Bệnh tim: Các biến chứng liên quan đến tim của hội chứng Churg-Strauss bao gồm viêm màng quanh tim, viêm lớp cơ của thành tim, đau tim và suy tim;
- Hội chứng thận hư: Khi u hạt dị ứng ảnh hưởng đến thận, người bệnh có thể bị viêm cầu thận. Tình trạng này làm cản trở khả năng lọc của thận, dẫn đến tích tụ các chất thải trong máu không được lọc bởi thận.
6. Chẩn đoán đa u hạt dị ứng và viêm mạch
Hiện chưa có xét nghiệm nào có thể chẩn đoán chính xác hội chứng Churg-Strauss. Nguyên nhân là vì các dấu hiệu và triệu chứng của đa u hạt dị ứng và viêm mạch tương tự như các bệnh khác, dẫn đến khó chẩn đoán chính xác.
Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của bệnh, chẳng hạn như hen suyễn và viêm xoang, thường khá phổ biến. Do đó, hội chứng Churg-Strauss thường không thể được phát hiện cho đến khi tình trạng viêm gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan và dây thần kinh.
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm, bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Nhằm phát hiện một số kháng thể trong máu của bệnh nhân, đo số lượng bạch cầu ái toan;
- Xét nghiệm hình ảnh (bao gồm X-quang và CT scan): Tìm kiếm những bất thường trong phổi và xoang;
- Sinh thiết mô: Nếu các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có nguy cơ mắc hội chứng Churg-Strauss, bác sĩ sẽ tiến hành lấy một mẫu mô nhỏ để kiểm tra dưới kính hiển vi. Mô có thể được lấy từ phổi hoặc một cơ quan khác, chẳng hạn như da hoặc cơ, để hỗ trợ xác định hoặc loại trừ khả năng mắc viêm mạch và đa u hạt dị ứng.
7. Điều trị hội chứng Churg-Strauss
Cho tới nay chưa có cách điều trị bệnh đa u hạt dị ứng và viêm mạch. Tuy nhiên, một số thuốc có tác dụng kiểm soát các triệu chứng, bao gồm:
- Corticosteroid: Có tác động làm giảm viêm, là loại thuốc thường được kê toa nhất cho hội chứng Churg-Strauss;
- Các thuốc ức chế miễn dịch: Đối với những người biểu hiện triệu chứng nhẹ, chỉ dùng một mình corticosteroid là đủ. Tuy nhiên, với những triệu chứng nặng hơn, cần phối hợp thêm một loại thuốc ức chế miễn dịch khác, chẳng hạn như cyclophosphamide, azathioprine hoặc methotrexate, nhằm ức chế phản ứng miễn dịch của cơ thể, qua đó giảm nhẹ các triệu chứng;
- Globulin miễn dịch: Được dùng dưới dạng tiêm, globulin miễn dịch thường được sử dụng cho những người không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác;
- Các thuốc sinh học: Mepolizumab (biệt dược Nucala), benralizumab (Fasenra) và rituximab (Rituxan) đã được FDA phê duyệt trong việc sử dụng để thay đổi đáp ứng của hệ miễn dịch, cải thiện triệu chứng và giảm số lượng bạch cầu ái toan.
Điều trị bằng thuốc có khả năng cải thiện các triệu chứng của bệnh đa u hạt dị ứng và viêm mạch. Tuy nhiên, tình trạng tái phát rất hay xảy ra.
Bác sĩ sẽ thường xuyên tiến hành xét nghiệm máu và một số xét nghiệm cần thiết khác để theo dõi tình trạng bệnh và phản ứng của bệnh nhân với các loại thuốc đang sử dụng.
8. Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Điều trị lâu dài bằng thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Bệnh nhân có thể giảm thiểu vấn đề này bằng những cách sau đây:
- Bảo vệ xương: Hãy trao đổi với bác sĩ xem bạn có nên bổ sung thêm vitamin D và canxi vào chế độ ăn uống hàng ngày hay không và với liều lượng bao nhiêu;
- Tập thể dục: Giúp bạn duy trì và ổn định cân nặng. Điều này rất quan trọng đối với những bệnh nhân dùng thuốc corticosteroid do tác dụng phụ tăng cân. Tập luyện bằng các bài tập như đi bộ và chạy bộ cũng giúp cải thiện sức khỏe của xương;
- Bỏ thuốc lá: Tác hại từ thuốc lá có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đồng thời cũng làm xấu đi tình trạng bệnh và làm tăng tác dụng phụ của thuốc;
- Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh: Steroid có thể khiến lượng đường huyết tăng cao và nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường type 2. Một chế độ ăn uống hợp lý, ưu tiên các loại trái cây, rau xanh và ngũ cốc, sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu.
Bệnh nhân cần được cung cấp đầy đủ kiến thức về bệnh u hạt dị ứng và viêm mạch để hiểu biết và sớm chuẩn bị những biện pháp đối phó với các biến chứng và nguy cơ tái phát.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org