Tiêu hóa sữa diễn ra thế nào?

Hệ tiêu hóa của con người là một ống rất dài, đi từ miệng đến hậu môn với chức năng chính là thu nạp thức ăn, chia nhỏ và hấp thụ chất dinh dưỡng, loại bỏ các chất không cần thiết và độc hại ra khỏi cơ thể. Hệ tiêu hóa của trẻ em đặc biệt hơn người lớn về đặc điểm giải phẫu và sinh lý. Vậy quá trình tiêu hóa sữa diễn ra thế nào và trẻ sơ sinh tiêu hóa sữa trong bao lâu?

1. Hệ tiêu hóa tiêu hoá thức ăn trong bao lâu?

Thời gian tiêu hóa thức ăn của con người phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau, mang tính cá thể và có sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới. Sau khi đưa thức ăn vào cơ thể, thời gian để chúng đi từ dạ dày đến ruột non là khoảng từ 6 đến 8 tiếng.

Tại ruột non, thức ăn sẽ được phân giải thông qua men tiêu hóa thành các chất dinh dưỡng và được hấp thụ qua niêm mạc ruột. Phần còn lại của thức ăn tiếp tục di chuyển đến đại tràng (ruột già) để tiếp tục tiêu hoá, hấp thu gần như toàn bộ nước và một số vi chất còn sót lại, cuối cùng chỉ còn lại các chất cặn bã và được thải ra ngoài dưới dạng phân. Thời gian để thức ăn di chuyển trong lòng ruột già là khoảng hơn 24 tiếng trước khi thải ra bên ngoài.

Ở điều kiện sinh lý bình thường, khoảng thời gian để thức ăn di chuyển trong ống tiêu hóa cụ thể như sau:

  • Thời gian di chuyển qua dạ dày là khoảng 2 đến 5 tiếng
  • Thời gian di chuyển qua ruột non là khoảng 2 đến 6 tiếng
  • Thời gian di chuyển qua đại trạng (ruột già) là khoảng 10 đến 59 tiếng
  • Tổng thời gian để thức ăn di chuyển qua toàn bộ ống tiêu hoá là khoảng 10 đến 73 tiếng. Do đó, từ lúc đưa thức ăn qua miệng để phân giải và hấp thu các chất dinh dưỡng đến khi tống ra ngoài dưới dạng phân mất khoảng từ 2 đến 5 ngày.

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tốc độ và thời gian tiêu hóa thức ăn bao gồm:


Trong hệ tiêu hóa thời gian tiêu hóa sữa và một số loại thức ăn khác là không giống nhau
Trong hệ tiêu hóa thời gian tiêu hóa sữa và một số loại thức ăn khác là không giống nhau

2. Quá trình tiêu hóa sữa diễn ra thế nào?

Sữa hiện nay được xem là một trong những loại thực phẩm bổ dưỡng và rất dễ sử dụng. Tuy nhiên ít ai biết tổ tiên của con người khoảng 10.000 năm trước hoàn toàn không có khả năng tiêu hoá sữa. Và hiện nay có gần 2⁄3 người trưởng thành trên thế giới (chủ yếu tập trung ở vùng Đông Á và Nam Phi) ít nhiều bị ảnh hưởng bởi hội chứng bất dung nạp lactose.

Sữa dễ tiêu hóa hay không phụ thuộc rất nhiều vào một loại enzym có tên là lactase. Khi đi vào cơ thể, đường lactose chỉ được một loại enzyme đặc biệt, gọi là lactase bài tiết ở ruột non, phân giải sữa thành đường đơn glucose và galactose rồi sau đó mới được hấp thu vào cơ thể.

Nếu cơ thể thiếu hoặc không bài tiết được enzyme lactase, đường lactose trong sữa không được phân giải, hấp thu sẽ di chuyển xuống đại tràng và bị hệ vi khuẩn tại đây chuyển hóa. Do đó ở những người mắc hội chứng bất dung nạp lactose thường có dấu hiệu đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng và tiêu chảy... khi sử dụng sữa bò.

3. Trẻ sơ sinh tiêu hóa sữa trong bao lâu?

Nhìn chung, thời gian tiêu hóa sữa hoặc các sản phẩm chế biến từ sữa có thể kéo dài lên đến 12 tiếng. Trong khi đó thời gian tiêu hóa các loại nước trái cây thông thường chỉ mất khoảng 15 phút. Do đó, sữa dễ tiêu hóa hay không thì câu trả lời đó là sữa là thực phẩm tương đối khó tiêu hóa. Vậy trẻ sơ sinh tiêu hóa sữa trong bao lâu? Để trả lời vấn đề này chúng ta cần tìm hiểu khả năng tiêu hóa sữa ở nhóm trẻ này.

Đường ruột của trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu hoàn toàn không có sự tồn tại của các loại vi khuẩn. Bắt đầu từ ngày thứ 3 sau sinh, các chủng vi khuẩn đường ruột mới bắt đầu sinh sôi, phát triển mạnh mẽ. Ở trẻ sơ sinh bú mẹ, các chủng vi khuẩn đường ruột có lợi như Bifidus, B. lactis aerogenes, B. acidophilus thường chiếm ưu thế hơn vì sữa mẹ có nhiều beta lactose và yếu tố Bifidus, tốt cho sự phát triển của các chủng khuẩn trên và đồng thời ức chế vi khuẩn E Coli. Ngược lại, sữa bò có chứa nhiều alpha lactose lại tốt cho sự phát triển của vi khuẩn E coli.

Các chủng vi khuẩn có lợi trong đường ruột đóng vai trò rất quan trọng khi tiêu hóa thức ăn, chúng tham gia tổng hợp một số vitamin (như vitamin B, K), tiêu hóa các chất khác như đạm, mỡ, đường. Do đó, tình trạng loạn khuẩn đường ruột sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn ở trẻ.

Nhìn chung, hệ thống tiêu hóa của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn chưa phát triển đầy đủ hoàn toàn. Tuy nhiên, thời gian tiêu hóa sữa mẹ chắc chắn sẽ nhanh hơn, khả năng dung nạp cao hơn so với sữa bò hay sữa công thức. Nguyên nhân vì sữa mẹ vừa giàu dinh dưỡng, vừa chứa nhiều yếu tố bảo vệ cơ thế bé, mức độ phù hợp với bộ máy tiêu hóa còn non yếu cao hơn và do đó trẻ bú sữa mẹ ít gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa và đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác.


Thời gian tiêu hóa sữa ở trẻ sơ sinh phụ thuộc một phần ở loại sữa trẻ dùng
Thời gian tiêu hóa sữa ở trẻ sơ sinh phụ thuộc một phần ở loại sữa trẻ dùng

Thời gian tiêu hóa sữa mẹ phụ thuộc vào thời gian sữa còn ở dạ dày trẻ. Ở điều kiện bình thường, có khoảng 25% lượng sữa hấp thụ trực tiếp ở dạ dày, thời gian tiêu hóa sữa mẹ ở dạ dày là khoảng 2 đến 2 tiếng 30 phút, trong khi thời gian tiêu hóa sữa bò tại dạ dày lên đến 3 - 4 tiếng.

Sau đó, có khoảng một nửa lượng sữa di chuyển xuống ruột non để tiêu hóa trong thời gian khoảng 45 phút, đây mới là giai đoạn chính để hấp thu các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ. Trong khi đó, đối với sữa công thức thời gian để làm những công việc tương tự lên đến 80 phút do lượng chất cặn bã (không hấp thụ được) nhiều hơn, mức độ kết tủa của sữa cao hơn và thành phần casein (một loại protein có trong sữa) cũng khó tiêu hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe