Bài viết bởi Ths Bs Tạ Quế Phương - Khoa Nội Tiêu hóa - Nội soi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Tiêu chảy là đại tiện phân lỏng hoặc nhiều nước xảy ra 3 lần hoặc nhiều hơn trong một ngày. Đối với người trưởng thành, bệnh tương đối ít nghiêm trọng do người bệnh có thể tự uống bù nước và điện giải. Tuy nhiên, khi tiêu chảy xảy ra mà không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mất nước.
1. Nguyên nhân gây tiêu chảy?
Tiêu chảy có thể do:
● Virus
● Vi khuẩn sống trong thực phẩm hoặc nước
● Ký sinh trùng, chẳng hạn như giun nhỏ mà bạn có thể bắt gặp ở một số quốc gia
● Tác dụng phụ của một số loại thuốc
● Vấn đề khi tiêu hóa một số loại thức ăn
● Các bệnh lý đường tiêu hóa
2. Tôi nên làm gì khi bị tiêu chảy?
Dưới đây là một số điều bạn nên làm tại nhà:
- Uống nhiều thực phẩm có nước, muối và đường. Lựa chọn tốt là nước trộn với nước trái cây, soda có hương vị và nước súp. Nếu bạn đang uống đủ nước, nước tiểu của bạn sẽ có màu vàng nhạt hoặc gần như trong.
- Cố gắng ăn một ít thức ăn. Những lựa chọn tốt là khoai tây, mì, gạo, bột yến mạch, bánh quy giòn, chuối, súp và rau luộc. Thức ăn mặn cũng có ích.
3. Tôi có nên đến gặp bác sĩ không?
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu:
- Bạn có hơn 6 lần đi ngoài trong 24 giờ
- Bạn có máu khi đi ngoài
- Bạn bị sốt cao hơn 38,5oC và không hết sốt sau một ngày
- Bạn bị đau bụng dữ dội
- Bạn 70 tuổi trở lên
- Cơ thể bạn đã mất quá nhiều nước. Các dấu hiệu bao gồm:
- Đi tiêu ra nhiều nước
- Cảm thấy rất mệt mỏi
- Khát nước
- Khô miệng hoặc lưỡi
- Chuột rút cơ bắp
- Chóng mặt
- Lú lẫn
- Nước tiểu vàng, hoặc không cần đi tiểu trong hơn 5 giờ
4. Tôi có cần làm xét nghiệm không?
Nhiều trường hợp không cần phải làm xét nghiệm. Nhưng có thể bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm để kiểm tra xem bạn có bị mất nước hay không hoặc để tìm ra nguyên nhân gây tiêu chảy.
- Xét nghiệm máu
- Thử nghiệm mẫu phân của bạn
5. Điều trị tiêu chảy như thế nào?
Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây tiêu chảy. Bạn có thể không cần điều trị, nhưng trong một số trường hợp việc điều trị là cần thiết:
- Những người bị tiêu chảy nhiều có thể cần truyền dịch để điều trị hoặc ngăn ngừa mất nước.
- Ngừng một số loại thuốc bạn đang dùng
- Thay đổi chế độ ăn
- Thuốc kháng sinh: Những loại thuốc này điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn.
- Thuốc làm giảm tiêu chảy: Những loại thuốc này bao gồm loperamide
(biệt dược: Imodium), diphenoxylate-atropine (biệt dược: Lomotil), và bismuth subsalicylate (biệt dược : Pepto-Bismol, Kaopectate). Bạn không nên dùng loperamide hoặc diphenoxylate-atropine nếu bạn bị sốt hoặc đi đại tiện ra máu.
Ngoài ra, dùng quá nhiều loperamide đã dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về tim ở một số người. Nếu bạn có vấn đề về sức khỏe hoặc đã dùng các loại thuốc khác, hãy nói với bác sĩ của bạn trước khi dùng loperamide. Đối với tất cả các loại thuốc này, điều quan trọng là không được uống nhiều hơn mức cho phép.
6. Tiêu chảy có thể ngăn ngừa được không?
Bạn có thể giảm nguy cơ mắc và lây lan bệnh tiêu chảy bằng cách:
- Rửa tay sau khi thay tã, nấu ăn, ăn uống, đi vệ sinh, đổ rác, chạm vào động vật và hỉ mũi.
- Nghỉ làm hoặc nghỉ học ở nhà cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn.
Chú ý đến an toàn thực phẩm. Các mẹo bao gồm:
- Không uống sữa hoặc thực phẩm làm từ sữa mà chưa được tiệt trùng.
- Rửa sạch trái cây và rau quả trước khi ăn
- Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh với nhiệt độ thích hợp
- Nấu thịt và hải sản cho đến khi chín
- Nấu trứng cho đến khi lòng đỏ cứng lại
- Rửa tay, dao và thớt sau khi chế biến thực phẩm sống
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: uptodate.com