Bài viết được viết bởi ThS.BS Vũ Duy Dũng - Bác sĩ Chuyên khoa Thần Kinh, Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Loài người đã có tư liệu về run trong hàng nghìn năm. Run được định nghĩa là một cử động tự ý thành nhịp (nghĩa là lặp lại đều đặn) và dao động (nghĩa là xoay quanh một mặt phẳng trung tâm). Run có thể biểu hiện theo vô vàn hình thức khác nhau. Do vậy, hiện tượng học lâm sàng là rất phong phú, và không ngạc nhiên khi có nhiều phương pháp phân loại run.
Thực vậy, run có thể được phân loại dựa vào tốc độ (tần số đo bằng Hertz), bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng (ví dụ: tay, giọng nói, đầu), và trạng thái hoạt động trong đó run biểu hiện (ví dụ: khi một phần cơ thể đang nghỉ ngơi), các bệnh đi kèm (ví dụ: cường giáp), và vùng não từ đó run phát sinh (ví dụ: hạch nền, tiểu não). Vì có nhiều cách để phân loại run, một số lượng lớn các thuật ngữ được sử dụng cho run.
Sự phong phú của hiện tượng học lâm sàng và các thuật ngữ đi kèm có thể làm nản lòng các bác sĩ. Mục tiêu của bài viết này là cung cấp cho người đọc một cách tiếp cận cơ bản để chẩn đoán và quản lý bệnh nhân run. Cách tiếp cận này bao gồm một bệnh sử nội khoa, khám thần kinh có trọng tâm, chẩn đoán, và cuối cùng là điều trị. Tiếp cận bệnh nhân bao gồm một bệnh sử nội khoa, tiếp theo là khám thần kinh.
1. Bệnh sử nội khoa
Trước hết, cần hỏi bệnh hướng trực tiếp vào việc xác định run xảy ra khi cử động hay khi nghỉ. Tốt nhất là bắt đầu với một câu hỏi mở (ví dụ, “Bạn có thể nói tôi nghe xem run của bạn như thế nào không?” hoặc “Bạn run kiểu gì?” hoặc “Khi nào bạn thấy mình run?”).
Sau câu hỏi ban đầu này, nhiều câu hỏi cụ thể hơn, như “Bàn tay của bạn có run khi bạn viết không?” hoặc “Bàn tay của bạn có run khi bạn dùng tay để ăn gì đó không?” có thể được sử dụng để xác định run là một run khi cử động hay một run khi nghỉ. Tiếp theo sẽ là những câu hỏi để thu thập thêm thông tin về các vấn đề dưới đây:
- Các bộ phận cơ thể bị run (ví dụ: tay, đầu, giọng nói)
- Các tư thế của chi gây ra run và, ngược lại, các tư thế có vẻ làm giảm run hơn.
- Tuổi bắt đầu bị run
- Run thay đổi như thế nào theo thời gian
- Sự có mặt của các cử động tự ý khác
- Sự có mặt của các triệu chứng thần kinh khác
- Sự có mặt của các cảm giác căng kéo hoặc khó chịu ở phần cơ thể lúc đang run
- Sử dụng các thuốc có thể gây run hoặc làm run nặng hơn
- Các yếu tố về chế độ ăn làm run nặng hơn (ví dụ: cà phê và các dạng khác của caffeine)
- Các triệu chứng của bệnh tuyến giáp (ví dụ: sụt cân, không chịu được nóng)
- Tiền sử gia đình có run (ví dụ: có những người họ hàng thế hệ thứ nhất bị run thường gặp ở những bệnh nhân run vô căn, mà kiểu di truyền có thể giống với một bệnh gen trội nhiễm sắc thể thường)
2. Khám thần kinh
Sau bệnh sử nội khoa, cần phải khám thần kinh chi tiết và có trọng tâm. Đầu tiên, người khám cần yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay kháng trọng lực, với gan bàn tay hướng xuống dưới ở phía trước và sau đó ở tư thế vỗ cánh với hai bàn tay đối diện nhau trên đường giữa.
Nếu một run tư thế xuất hiện trong khi duy trì duỗi tay, người khám cần đánh giá các vấn đề sau:
- Run có lặp lại đều đặn và dao động không
- Các khớp nào có liên quan (ví dụ: các khớp khuỷu, cổ tay, đốt bàn-ngón tay) và theo những hướng nào (ví dụ: với khớp cổ tay là gấp-duỗi, sấp-ngửa)
- Run ở tay này có đồng thì với tay kia không (nghĩa là cùng pha hay lệch pha)
- Run có đặc tính tái xuất không (nghĩa là lúc đầu không có và bao lâu sau thì run xuất hiện)
- Run có đi kèm với các tư thế bất thường không
- Có bất cứ đặc điểm nào của run tâm căn không, bao gồm mất tập trung (nghĩa là run giảm hoặc mất khi thực hiện chủ động một động tác (ví dụ: gõ ngón tay ở bàn tay bên kia), tính lôi cuốn (nghĩa là run có thể bị cuốn theo một nhịp điệu cụ thể), hoặc tính ám thị (nghĩa là người khám có thể gây ra run bằng một kích thích nào đó)
Tiếp theo, người khám cần thử gây ra run động học – một kiểu run xảy ra trong khi thực hiện các cử động chủ động. Theo cách này, người khám có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện nghiệm pháp ngón tay-mũi-ngón tay, rót nước giữa những cái cốc, vẽ những đường xoắn ốc, hoặc viết một câu. Người khám cần đánh giá các vấn đề dưới đây:
- Run có thành phần chủ ý không (nghĩa là run có nặng lên khi chi đến gần đích không [ví dụ: trong nghiệm pháp ngón tay-mũi-ngón tay])?
- Có các cử động loạn trương lực hay các tư thế loạn trương lực không (ví dụ: các ngón tay bị gấp, duỗi hay xoắn vặn trong nghiệm pháp ngón tay-mũi-ngón tay)?
- Độ nặng tương đối của run động học quan sát được so với run trong khi duy trì tư thế?
Tiếp đó, người khám cần đánh giá có bất cứ run nào khi nghỉ ở tay hoặc chân bệnh nhân không. Run khi nghỉ ở tay có thể được đánh giá trong khi bệnh nhân đang ngồi, đứng, bước đi, và nằm. Run khi nghỉ ở chân có thể được đánh giá trong khi bệnh nhân ngồi hoặc nằm. Thêm vào đó, run trong khi đứng (nghĩa là run tư thế đứng) có thể được đánh giá trong khi bệnh nhân đứng yên một chỗ.
Cuối cùng, người khám cần đánh giá run ở đầu (nghĩa là run ở cổ) (trong khi bệnh nhân ngồi và nằm), hàm (với ngậm miệng và sau đó mở miệng), cơ mặt (ví dụ: trán, má), cằm, lưỡi, và giọng nói (trong khi duy trì phát âm và trong khi nói).
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn:
Louis ED. Tremor. Continuum (Minneap Minn) 2019;25(4, Movement Disorders): 959–975.