Tiên lượng điều trị và nguy cơ tái phát sau điều trị bệnh trĩ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Phan Phi Tuấn - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Bản chất của bệnh trĩ là các đám rối mạch máu trong ống hậu môn, khiến máu không được lưu thông, ứ đọng hình thành búi trĩ. Tùy theo loại bệnh trĩ, mức độ và sức khỏe bệnh nhân mà bác sĩ sẽ tiên lượng điều trị theo phương pháp thích hợp.

1. Các biện pháp điều trị bệnh trĩ

Thường trĩ độ 1, độ 2 chỉ dùng thuốc và thay đổi lối sống sinh hoạt, ăn uống để trị triệu chứng, ngừa bệnh tái phát và tiến triển mà không cần phải can thiệp phẫu thuật. Với trĩ nặng hơn, phức tạp hơn thì thường phải dùng thủ thuật, phẫu thuật để loại bỏ búi trĩ, sau đó phục hồi chức năng và giảm biến chứng.

Thắt búi trĩ bằng dây thun

Bác sĩ sử dụng vòng cao su, lồng vào cổ búi trĩ rồi thắt nghẹt lại để máu không tới nuôi búi trĩ được, búi trĩ sẽ tự teo và rụng.

Điều trị nội khoa

Trĩ cấp độ nhẹ thường dùng điều trị nội khoa. Có nhiều loại thuốc Tây y cũng như Y học cổ truyền có tác dụng tốt trong điều trị bệnh trĩ. Tây y thống kê có khoảng 100 loại thuốc gồm cả thuốc mỡ, thuốc uống, viên đạn được bán trên thị trường để điều trị trĩ. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cũng cần cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ để cho hiệu quả cao, tránh tác dụng phụ.

Y học cổ truyền áp dụng nhiều bài thuốc áp dụng chữa trĩ sử dụng cây cỏ khá hiệu quả, dễ kiếm, giá thành rẻ. Tuy nhiên, hầu hết bài thuốc chỉ hiệu quả với trĩ độ 1 – 2, còn trĩ nặng hơn, phức tạp hơn thì không điều trị triệt để được.

Nhìn chung, điều trị nội khoa chỉ có tác dụng chữa triệu chứng hay điều trị cấp giúp giảm đau rát, chảy máu, sa búi trĩ... mà khó điều trị khỏi được.


Trĩ cấp độ nhẹ thường dùng điều trị nội khoa
Trĩ cấp độ nhẹ thường dùng điều trị nội khoa

Thủ thuật đốt – cắt búi trĩ

Một số phương pháp như liệu pháp làm đông bằng tia hồng ngoại; đốt điện với máy đốt hai cực, máy đốt một cực hay dòng điện trực tiếp, liệu pháp đông lạnh, cột mạch trĩ qua siêu âm DOPPLER, cắt cơ thắt trong...

Điểm lợi của các phương pháp này là không đau, bệnh nhân có thể phục hồi và về nhà trong thời gian ngắn, tuy nhiên có điểm yếu là rất dễ tái phát trở lại.

Phẫu thuật cắt trĩ

Phẫu thuật cắt trĩ là phương pháp hiệu quả với trĩ nặng độ 3, 4, nổi tiếng là phương pháp Milligan-Morgan cắt trĩ và cuống được khâu cột lại. Nếu trĩ vòng thì cần cắt thêm búi trĩ phụ ở dưới niêm mạc để tránh teo hẹp hậu môn sau này. Ngoài ra còn các phương pháp Ferguson, Mazier...

Điều trị bằng phẫu thuật cắt trĩ là phương pháp triệt để nhất, hiệu quả cao và nguy cơ tái phát thấp. Phẫu thuật chữa được mọi loại trĩ, song nhược điểm là bệnh nhân sau mổ bị đau khá lâu, rất đau đớn do hậu môn tập trung nhiều dây thần kinh.

Phẫu thuật cắt trĩ là phương pháp hiệu quả, triệt để. Ngoài ra, vết thương ở vị trí hậu môn lâu liền, tiếp xúc với phân nên dễ bị nhiễm trùng. Mỗi khi đi đại tiện, hậu môn phải căng ra nên thường vết thương phải 2- 3 tháng mới liền hẳn.

Cắt trĩ Longo

Cắt trĩ Longo dựa trên nguyên lý kéo búi trĩ trở lại vị trí bình thường, đồng thời cắt và khâu phần mạch máu cấp làm búi trĩ co nhỏ lại. Vết cắt và khâu nằm ở vùng ít cảm giác của ống hậu môn nên giúp bệnh nhân giảm đau đớn đáng kể.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân thường chỉ cần nằm viện từ 3 – 4 ngày là có thể trở lại sinh hoạt bình thường. Đau sau mổ và các lần đại tiện giảm đáng kể so với các phẫu thuật khác, bệnh nhân chỉ cần sử dụng thuốc uống giảm đau và chỉ cảm thấy khó chịu nhẹ ở vùng hậu môn.

Tuy nhiên phương pháp này sử dụng dụng cụ một lần nên giá thành điều trị cao, hơn nữa nếu bác sỹ thực hiện thiếu kinh nghiệm thì tỷ lệ gặp sai sót cũng không phải nhỏ.


Phẫu thuật Longo
Phẫu thuật Longo

Chích xơ búi trĩ

Đây là thủ thuật tiêm xơ các chất hóa học vào búi trĩ để làm mất búi trĩ, xơ ở búi trĩ khiến máu không đến nuôi búi trĩ được, búi trĩ sẽ tự teo đi.

Phương pháp này hiện được thực hiện tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước với những loại thuốc và kỹ thuật chích xơ khác nhau. Phương pháp tiêm xơ búi trĩ thường dùng điều trị các trĩ nội, bệnh trĩ gây chảy máu với kết quả tốt. Tuy nhiên với trĩ nội đã nặng và sa niêm mạc, trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp, trĩ vòng thì thường không được chỉ định do lo sợ bệnh nhân bị đau đớn do tiêm hoặc gặp biến chứng.

Chích xơ búi trĩ có tỷ lệ tái phát thấp

Phương pháp này có hiệu quả cao (99 – 100% khỏi bệnh), tỷ lệ tái phát thấp, chỉ từ 2% từ 2 – 5 năm. Sau tái phát chỉ cần tiêm từ 1 – 2 lần là đảm bảo.

2. Nguy cơ tái phát sau điều trị bệnh trĩ

Mỗi phương pháp điều trị lại có tỷ lệ tái phát sau điều trị khác nhau, ngoài ra cũng phụ thuộc vào tay nghề bác sỹ thực hiện và sự kiêng khem của bệnh nhân.

Hầu hết các trường hợp tái phát sau điều trị trĩ là do không loại trừ triệt để nguyên nhân sinh ra búi trĩ như: sinh hoạt bừa bãi, uống rượu, chửa đẻ, viêm đại tràng mãn tính,...

Các phương pháp điều trị đều giúp hết triệu chứng trĩ nhưng tỉ lệ tái phát cũng phổ biến, có người tái phát sau 1 năm, có người 10 năm mới tái phát, phụ thuộc rất nhiều vào việc dự phòng tái phát của bệnh nhân.

3. Vai trò của lối sống sinh hoạt trong phòng ngừa tái phát sau điều trị bệnh trĩ

Để phòng ngừa tái phát sau điều trị bệnh trĩ, lối sống sinh hoạt lành mạnh giữ vai trò quyết định. Bệnh nhân cần:

  • Uống nhiều nước: uống 2 lít nước mỗi ngày giúp tránh táo bón và đào thải chất cặn bã tốt hơn.
  • Bệnh nhân sau điều trị trĩ nên uống nhiều nước
  • Tăng cường chất xơ: Ăn nhiều rau hoa quả chứa nhiều chất xơ như rau lang, rau đay, rau diếp cá, đu đủ, khoai lang, chuối..
  • Tập thói quen đi đại tiện hàng ngày vào 1 giờ nhất định, không cố rặn hoặc ngồi đại tiện quá lâu.
  • Giữ vệ sinh vùng hậu môn: ngâm hậu môn vào nước ấm pha muối loãng ngày 2 lần, mỗi lần 15 phút.
  • Tăng cường luyện tập thể dục: vận động nhẹ nhàng như chạy chậm, đi bộ, yoga. Hạn chế ngồi nhiều.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe