Tiêm phòng viêm gan B cho người mới phơi nhiễm như thế nào?

Hỏi

Chào bác sĩ!

Em bị văng dịch huyết thanh dương tính với virus HBV vào mắt.

Ngay sau đó em đã đi khám và làm xét nghiệm, kết quả xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể HBV đều là âm tính. Sau đó em được tiêm vắc-xin Engerix B, tiêm theo lịch tiêm phòng cơ bản (mũi thứ hai cách mũi đầu 1 tháng, mũi thứ ba cách mũi hai 6 tháng). Theo như em tìm hiểu thì có lịch tiêm phòng viêm gan B cho người mới phơi nhiễm là mũi sau cách mũi đầu 7 ngày. Em không được tư vấn thêm gì nữa nên em rất lo lắng, không biết tiêm như vậy có ngừa hoàn toàn việc mắc viêm gan B không? Bao lâu nữa thì em có thể đi xét nghiệm kiểm tra lại ạ? Em có nên đi tiêm phòng mũi tiếp theo cách mũi đầu 7 ngày không ạ? Hay em nên tiêm theo lịch ban đầu? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn.

Câu hỏi ẩn danh

Trả lời

Chào bạn!

Với vấn đề “Sau bao lâu nên kiểm tra lại để xác định mình có bị nhiễm HBV hay không?”, bác sĩ xin trả lời bạn như sau:

  • HBsAg xuất hiện trong huyết thanh 1-10 tuần sau khi tiếp xúc cấp với HBV, xuất hiện trước khi có triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.
  • Đối với bệnh nhân phục hồi sau giai đoạn nhiễm cấp, HBsAg sẽ biến mất sau 4-6 tháng. Nhiễm HBV mạn khi HBsAg xuất hiện kéo dài trên 6 tháng. Vậy để xác định chính xác mình có bị nhiễm virus viêm gan B không bạn làm xét nghiệm sau 6 tháng.

Với vấn đề Tiêm phòng viêm gan B cho người mới phơi nhiễm:

  • Hiện nay áp dụng lịch tiêm phòng 0-1-6 và 0-1-2-12.
  • Việc đáp ứng với vắc-xin (khả năng sinh kháng thể) bao gồm nhiều yếu tố như độ tuổi, giới tính, béo phì, bệnh mãn tính (như bệnh thận, suy giảm miễn dịch, hút thuốc lá, bệnh đái tháo đường...). Ngoài ra còn phụ thuộc vào một số yếu tố như vị trí tiêm, độ sâu kim.
  • Có một số quan điểm tăng liều vắc-xin hay thay đổi lịch tiêm nhưng chưa có khuyến cáo cụ thể cho các quan điểm này. Như vậy việc có ngừa được hoàn toàn không với trường hợp của em là không có chắc chắn vì còn phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố.
  • Ngoài ra việc sử dụng Globulin miễn dịch kháng viêm gan B (HBIg) đem đến miễn dịch thụ động chống lại HBV. Những người đã biết không đáp ứng và những người đã biết đáp ứng kém với loạt tiêm chủng HBV đầy đủ nên tiêm HBIg sau khi tiếp xúc với HBV có nguy cơ cao.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng Hệ thống Y tế Vinmec, rất mong có thể gặp bạn trực tiếp để tư vấn kỹ càng hơn. Trân trọng!

Được tư vấn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Tú - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe