Thủy trị liệu toàn thân có tác dụng gì? Là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Thủy trị liệu là một trong những phương thức điều trị cổ xưa nhất và được ứng dụng phổ biến ở nhiều nước trên khắp thế giới. Hiện nay, thủy trị liệu còn được chấp nhận như là một phương pháp điều trị kết hợp có hiệu quả trong toàn bộ chương trình phục hồi chức năng cho người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về thủy liệu pháp này.
1. Thủy trị liệu là gì?
Thủy trị liệu là một trong những phương pháp vật lý trị liệu được đánh giá là có tác động hiệu quả tới cơn đau và tình trạng bệnh của bệnh nhân. Bên cạnh điện trị liệu, nhiệt trị liệu thì thủy trị liệu cũng đang được áp dụng ở trong việc điều trị các vấn đề về cơ xương khớp như đau mỏi vai gáy, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm... Thủy trị liệu là hình thức sử dụng nước tác động vào da với mục đích trị liệu, điều trị các tình trạng về cơ xương khớp như viêm khớp, thấp khớp, đau mỏi vai gáy...,Thủy trị liệu khác với bơi lội vì nó liên quan đến các bài tập đặc biệt mà bệnh nhân sẽ được thực hiện trong hồ nước ấm với nhiệt độ nước thường là 33 đến 36oC, ấm hơn so với bể bơi thông thường.
Thủy trị liệu ứng dụng các tính chất vật lý tổng quát của nước, gồm có thủy nhiệt (truyền dẫn, bức xạ, đối lưu, bốc hơi nhiệt), thủy động (sức nổi, va chạm cơ học, áp suất thủy tĩnh) và thủy hóa học (sục khí cacbonic, khoáng chất, hóa chất...). Các phương pháp thủy trị liệu rất phong phú, có thể được ứng dụng dưới nhiều hình thức khác nhau của nước, như trạng thái rắn, lỏng hoặc hơi. Nhiệt độ, áp suất, thời gian và sự kết hợp với kỹ thuật khác là tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý, kích thước bộ phận điều trị và hướng dẫn của người thầy thuốc. Các tác dụng nhiệt, cơ học, hóa học của nước có thể được vận dụng riêng rẽ hay kết hợp để kích thích cơ quan da, qua đó các hệ thống của cơ thể được ảnh hưởng tác động qua cơ chế phản xạ. Các bài tập thủy trị liệu có thể sẽ khó thực hiện hơn so với những bài tập khác vì các động tác ở đây thường chậm để dễ dàng kiểm soát nhằm mục đích thư giãn.
Như đã nói ở trên, thủy trị liệu có tác dụng trên các khớp bị đau nhức hoặc tổn thương như viêm khớp dạng thấp, chấn thương, đau mỏi vai gáy,... Thủy trị liệu phù hợp cho những bệnh nhân sau khi tiến hành phẫu thuật như ở bệnh nhân mổ thoát vị đĩa đệm, mổ thoái hóa khớp hoặc nếu chúng ta bị đau lưng, đau mỏi vai váy, nhức các cơ bắp, thì thủy trị liệu cũng có công dụng rất tốt trong việc xoa dịu những cơn đau. Khi tiến hành thủy trị liệu, chúng ta sẽ được các cơ sở dịch vụ đưa tới một bể chứa nước và tiến hành ngâm mình trong bể nước cùng với nhiều người khác. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có những bài tập được thiết kế riêng tùy thuộc vào mức độ bệnh của người bệnh. Hoặc bạn cũng có thể thực hành chung với một số nhóm có điều kiện tương tự giống tình trạng bệnh đang mắc phải. Mọi người sẽ được theo dõi và giám sát quá trình điều trị của nhau để nếu có vấn đề hoặc sai sót gì có thể nhận thấy ngay lập tức.
Thủy trị liệu tác động trực tiếp tới bề mặt tiếp xúc của cơ thể là da, sau đó dần tới cơ và các cơ quan khác. Chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng ở một số cách tác động của thủy trị liệu đến cơ thể của người bệnh như:
- Hơi ấm của nước giúp cơ bắp của người bệnh thư giãn và giảm đau khớp. Đồng thời nước hỗ trợ trọng lượng, giúp giảm đau cho người bệnh và tăng phạm vi chuyển động của khớp.
- Nước có thể giúp làm tăng mức độ chuyển động của khớp, vì thế chúng ta cũng có thể cải thiện sức mạnh cơ bắp bằng cách đẩy tay và chân xuống nước.
Thủy trị liệu cũng sử dụng những tác động của nước tới các cơ quan trong cơ thể, cụ thể như sau:
- Yếu tố lực đẩy và áp suất: đây là các yếu tố đặc thù của nước mà các phương pháp trị liệu khác không có, được vận dụng để điều trị bệnh và thư giãn cho người bệnh. Theo định luật Archimede, lực đẩy của nước tương đương với trọng lượng của khối nước mà vật chiếm chỗ và có chiều ngược với chiều trọng lực. Như vậy khi đặt bộ phận cơ thể trong nước thì trọng lượng sẽ giảm đi đáng kể tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận động được dễ dàng hơn. Mặt khác khi chúng ta chìm trong nước sẽ chịu một áp suất tỳ nén của nước, áp suất này phụ thuộc vào tỷ trọng và độ sâu của nước. Tính chất này được áp dụng vào trị liệu phù nề. Đây là các yếu tố đặc trưng của nước mà các phương pháp Vật lý khác không có, được áp dụng để vận động trị liệu trong nước.
- Yếu tố về nhiệt độ: Nhiệt độ nóng lạnh xen kẽ nhau trong quá trình trị liệu sẽ tạo nên sự chuyển đổi đột ngột nhiệt độ của nước. Điều này có tác dụng kích thích các dây thần kinh trung ương và cơ bắp của người sử dụng. Dùng nước nóng cục bộ có tác dụng như các phương pháp nhiệt trị liệu khác và khi dùng nước nóng toàn thân có tác dụng tăng tiết mồ hôi, tăng tuần hoàn ngoại vi làm giảm huyết áp, giảm kích thích thần kinh... còn đối với nước lạnh có tác dụng trái ngược nước nóng.
- Yếu tố cơ học: Khi chuyển động của dòng nước tác động lên da mang đến sự kích thích, giống như những động tác xoa bóp, giảm đau và dãn cơ. Tùy thuộc vào vận tốc và hình thái của dòng chảy 2 tia nước mà có thể tạo ra áp lực tác động và các kiểu xoa bóp khác nhau. Ngoài ra, sự luân chuyển của khối nước còn hỗ trợ làm cho mềm và bong các lớp mô chết và những chất dịch khô trên bề mặt vết thương.
Yếu tố hóa học: Thành phần hóa học của các vi chất hòa tan trong nước cũng là một yếu tố quan trọng trong thủy trị liệu. Những phần tử này có thể sử dụng từ tự nhiên như trong nước khoáng thiên nhiên, hay nhân tạo (được pha thêm vào phù hợp với mục đích điều trị theo đơn của bác sĩ). Ngày nay, thủy trị liệu không chỉ dùng trong chữa bệnh mà nó còn hỗ trợ làm đẹp da và làm săn chắc cơ thể, được phái nữ biết đến và sử dụng thường xuyên hơn, kết hợp cùng với các liệu trình spa phổ biến khác. Ngoài ra nam giới cũng có thể sử dụng thủy trị liệu để giúp cơ thể giảm căng thẳng, mệt mỏi sau áp lực công việc.
2. Một số kỹ thuật điều trị thủy lực
2.1. Ngâm nước nóng
Tác dụng của kỹ thuật này là tăng tuần hoàn ngoại biên, tăng nhịp tim, tăng thân nhiệt, tăng thải mồ hôi, tạo thư giãn cơ làm giảm đau, giảm co thắt cơ.
Để thực hiện kỹ thuật này, bệnh nhân được chuẩn bị và nằm trong bồn nước ngâm đến cổ, tăng nhiệt độ nước tới khoảng 37,80C, có thể kết hợp với xoa bóp và tập vận động ở trong nước. Thời gian ngâm 20-30 phút. Kết thúc điều trị cần lau khô.
Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ được dùng cho một số bệnh như viêm khớp, tăng huyết áp, các chứng co thắt của cơ quan tiêu hóa và tiết niệu, viêm dây thần kinh, chấn thương. Một số người bệnh nặng, xơ cứng động mặt, Basedow, động kinh, ưa chảy máu, rối loạn cảm giác nóng lạnh thì không nên sử dụng kỹ thuật này
2.2. Ngâm nước lạnh.
Kỹ thuật này giúp nhịp tim chậm lại mặc dù lúc đầu hơi tăng, nhịp thở chậm sâu, lúc đầu giãn mạch nông đỏ da, cảm giác dễ chịu, khi ngâm lâu da dần dần sẽ trở nên xanh và có thể xanh tái, khi ra khỏi nước da hồng trở lại.
Với kỹ thuật này, người bệnh được chuẩn bị như sau: làm ấm bệnh nhân, ngâm nước lạnh ở nhiệt độ 10-26,70C thời gian từ 4 giây đến 3 phút tùy vào sức chịu đựng của bệnh nhân, có thể kết hợp với chà xát để trợ giúp. Sau ngâm phải lau khô và chà xát mạnh bằng khăn bông.
Kỹ thuật này được chỉ định để kích thích biến dưỡng, chứng béo phì giảm hoạt động chức năng, táo bón vô trương lực nhưng lại không được sử dụng cho người bị tăng huyết áp, ưa chảy máu, viêm thận, liệt cứng, táo bón co giật, thể trạng yếu.
Một số trường hợp không tiện ngâm toàn bộ cơ thể thì có thể ngâm từng phần, chẳng hạn những người đau chân có thể tiến hành ngâm chân, thay vì ngâm toàn bộ. Vùng điều trị có thể là tay, chân hoặc là các phần của thân mình.
Đối với ngâm nước nóng thì người bệnh có thể cho bộ phận ngâm trong nước nóng 37-400C, thời gian 10-30 phút. Được dùng với bệnh nhân đau dây thần kinh, đau khớp, đau cơ, co thắt cơ.
Khi sử dụng ngâm nóng lạnh xen kẽ giúp gia tăng tuần hoàn nhiều và lâu thì nên tiến hành như sau:
Chuẩn bị: 2 chậu nước, 1 chứa nước nóng 400C, 1 chứa nước lạnh 160C.
- Ngâm nước nóng 10 phút – nước lạnh 1 phút.
- Ngâm nước nóng 4 phút – nước lạnh 1 phút.
- Ngâm nước nóng 4 phút – nước lạnh 1 phút.
- Ngâm nước nóng 4 phút – nước lạnh 1 phút.
Kết thúc bằng ngâm nước nóng 5 phút.
Kỹ thuật này được sử dụng cho những bệnh nhân bị rối loạn tuần hoàn ngoại vi do co thắt động mạch, đổ mồ hôi chân tay, bong gân, viêm khớp và chống chỉ định với những bệnh nhân bị thiểu năng động mạch, xơ cứng động mạch, bệnh tuần hoàn ngoại vi nặng, bệnh đái tháo đường.
3. Thủy trị liệu toàn thân có tác dụng gì?
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, thủy trị liệu có thể cải thiện sức mạnh và thể lực chung ở những người gặp các vấn đề về cơ xương khớp như đau khớp chân tay, cổ vai gáy,... Các bài tập có thể được điều chỉnh theo nhu cầu cá nhân và mục đích sử dụng trị liệu, vì vậy chúng ta có thể bắt đầu từ từ và dần dần xây dựng sức mạnh và tính linh hoạt của mình.
Khi cơ thể được ngâm dưới nước giúp chúng ta cảm thấy cơ thể khỏe hơn nhiều như đang tập thể dục, tuy nhiên không nên lạm dụng phương pháp này. Sau khi thủy trị liệu (cũng giống như bơi lội) cơ thể của bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi do sức mạnh của nước tác động vào các cơ trên cơ thể mặc dù đây là điều bình thường, sau một vài lần sẽ mất cảm giác đó.
Các chuyên gia đã đưa ra nhận định rằng thủy trị liệu là phương pháp an toàn, lành tính nhất trong điều trị các bệnh về cơ xương khớp nhất là viêm khớp hoặc đau mỏi.
Mặc dù thủy trị liệu mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, tuy nhiên không phải ai cũng có thể điều trị bằng thủy trị liệu. Trong một số trường hợp các chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo không được phép thực hiện phương pháp này. Vì thế nên bệnh nhân nên nói với bác sĩ về những bệnh của bản thân mình đang mắc phải hiện tại cũng như đã từng mắc trước đó để được chỉ định phương pháp phù hợp nhất cho bạn.
- Nếu chúng ta từng bị nhiễm trùng hoặc đang có vết thương hở, bị bệnh ngoài da không nên thực hiện thủy trị liệu, chúng sẽ làm ảnh hưởng đến vết thương hoặc làm loét vùng bị hở.
- Người bị đau dạ dày, huyết áp cao, huyết áp thấp, khó thở, đau thắt ngực hoặc có vấn đề về tim mạch, những bệnh nhân bị mắc tiểu đường
- Người có thân nhiệt bất thường
- Người đang gặp vấn đề về thận cần phải lọc máu
- Dị ứng clo
- Hen suyễn hoặc động kinh
Như vậy, thủy trị liệu là một biện pháp điều trị bệnh mang lại nhiều tác dụng đối với cơ thể của người bệnh. Tùy vào thể trạng của mỗi người mà bệnh nhân được sắp xếp sử dụng các kỹ thuật điều trị khác nhau. Bên cạnh điều trị bệnh, thủy trị liệu còn có thể được sử dụng cả ở những người khỏe mạnh, giúp cơ thể được giải tỏa mệt mỏi, căng thẳng sau những ngày làm việc vất vả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.