Thủy đậu ở người lớn dễ biến chứng

Thủy đậu là một căn bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào chưa có miễn dịch, không chỉ ở trẻ nhỏ mà còn có ở cả người trưởng thành. Bệnh thủy đậu ở người lớn đặc biệt gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

1. Dịp Đông – Xuân hàng năm là thời điểm dịch thủy đậu bùng phát

Theo Ths.Bs Vũ Mạnh Cường, Phó Khoa bệnh Nhiệt Đới - Bệnh viện E cho biết: trong một tháng gần đây, khoa đã tiếp nhận và điều trị đến hơn 20 ca nhiễm bệnh thủy đậu.

Bác sĩ cũng cho biết, dịch bệnh này thường bùng phát vào thời điểm đông xuân hàng năm và kéo dài đến hết mùa xuân. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu cao thường là trẻ em từ 2 đến 8 tuổi. Ngoài ra, nếu không có phòng ngừa bệnh, thủy đậu ở người lớn cũng có thể xảy ra và diễn biến phức tạp hơn so với trẻ em.


Hình ảnh các nốt đặc trưng của bệnh thủy đậu
Hình ảnh các nốt đặc trưng của bệnh thủy đậu

2. Thủy đậu ở người lớn diễn biến như thế nào?

Bệnh thủy đậu thường trải qua 4 thời kỳ:

  • Thời gian ủ bệnh: Trung bình từ 10 – 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Tuy nhiên, nếu người bệnh đang có hệ miễn dịch suy yếu, thời kỳ này sẽ ngắn ngày hơn.
  • Thời kỳ khởi phát: Kéo dài từ 1 – 2 ngày. Lúc này, bệnh nhân có triệu chứng sốt nhẹ hoặc sốt cao trên 39 độ C ở bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch. Kèm theo biểu hiện sốt là tình trạng mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn và phát các ban đỏ trên nền da.
  • Thời kỳ toàn phát: Hạ sốt, nền da màu hồng và nổi bong bóng nước. Tiếp theo, các nốt phỏng sẽ bắt đầu xuất hiện ở vùng da đầu, da mặt và từ từ lan xuống toàn thân. Tùy vào cơ địa mà số lượng nốt có thể nhiều – ít khác nhau.
  • Thời kỳ hồi phục: Thông thường, sau khoảng 1 tuần, các bóng nước đều sẽ đóng vảy và đại đa số các bóng nước này đều không để lại sẹo, ngoài trừ những nốt bị bội nhiễm các tác nhân khác.

Như vậy, thủy đậu ở người lớn bao lâu thì khỏi là thắc mắc của nhiều người, tùy thuộc rất nhiều vào phương pháp chăm sóc và điều trị. Tuy nhiên, nếu như không có biện pháp xử lý bệnh khoa học và kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến phức tạp và gây ra nhiều hệ quả khôn lường.

3. Các biến chứng nguy hiểm từ thủy đậu người lớn

Các bác sĩ cho biết, thủy đậu ở người lớn thường dễ xuất hiện nhiều biến chứng hơn so với trẻ nhỏ.

Biến chứng thường gặp nhất của thủy đậu là chứng nhiễm trùng da. Điều này xảy ra do tình trạng ngứa ngáy, khó chịu, dẫn đến bệnh nhân thường xuyên gãi nhiều và làm vỡ các nốt phỏng. Khi đó, các nốt này sẽ lan ra nhiều vùng da lành khác, gây ra nhiễm trùng, lở loét hoặc mưng mủ. Cùng với đó, nhiễm trùng da có thể dẫn đến bệnh nhiễm trùng máu.

Không chỉ vậy, ở một số người, thủy đậu còn có thể đi đến nhiều hệ quả nặng nề hơn như viêm tai ngoài, viêm tai giữa, viêm thanh quản..., thậm chí vô cùng nguy hiểm như viêm thận cấp.


Biến chứng viêm họng do thủy đậu gây ra
Biến chứng viêm họng do thủy đậu gây ra

Một số khác gây ra biến chứng liên quan đến não bộ như viêm não hoặc viêm màng não. Điều này có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Điều đáng chú ý là biến chứng này dễ gặp ở người trưởng thành bị thủy đậu hơn là trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, đối tượng khác khi mắc thủy đậu người lớn cũng có nhiều nguy hiểm không kém là phụ nữ mang thai. Khi bị thủy đậu, phụ nữ mang thai dễ gặp phải biến chứng nặng, đặc biệt là bệnh viêm phổi. Nếu mắc thủy đậu ở 3 tháng đầu thai kỳ, virus cũng sẽ gây sảy thai hoặc gây thủy đậu bẩm sinh ở trẻ, dẫn đến các dị tật như co gồng tay chân, bại não, đầu nhỏ... (khoảng 2%).

4. Điều trị bệnh thủy đậu ở người lớn như thế nào?

Nguyên tắc điều trị thủy đậu là vệ sinh da sạch sẽ. Điều này sẽ hạn chế tình trạng ngứa ngáy trên da, từ đó hạn chế hoạt động gãi của bệnh nhân là lây lan thủy đậu đến các vùng da khác.

Bên cạnh đó, đối với nốt thủy đậu bị vỡ, cần sử dụng các loại thuốc sát trùng nhẹ để thoa. Các loại thuốc này sẽ được bác sĩ chỉ định cụ thể tùy theo bệnh nhân, không tự ý mua thuốc uống hoặc thoa để điều trị tại nhà.

Trong trường hợp có nhiều các nốt phỏng bị vỡ hoặc các nốt này có dấu hiệu bất thường, cần phải tìm đến bệnh viện ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời, phòng ngừa tình trạng mất nước, bội nhiễm và các biến chứng nguy hiểm.


Người bệnh dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ
Người bệnh dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ

5. Để phòng ngừa dịch bệnh, hãy thực hiện tiêm phòng vắc-xin thủy đậu

Trước tình hình lây lan của dịch bệnh thủy đậu, Bộ Y tế đã có các khuyến cáo về biện pháp phòng ngừa dịch đến người dân. Theo đó, việc thực hiện tiêm phòng vắc-xin thủy đậu là cần thiết và cũng là biện pháp tối ưu để giữ an toàn cho bạn và gia đình.

Hiện, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin thủy đậu. Các loại vắc-xin tại Vinmec được bảo quản bởi dây chuyền lạnh (kho lạnh, tủ lạnh chứa vắc-xin có bộ phận cảnh báo nhiệt độ quá dải nhiệt độ cho phép...). Bên cạnh đó, phụ huynh có thể kiểm tra được lịch sử tiêm và kế hoạch tiêm của trẻ qua máy tính, điện thoại một cách thuận tiện.

Ngoài các mũi tiêm lẻ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có cung cấp Chương trình tiêm chủng trọn gói với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai.


Trung tâm vắc-xin tại Vinmec hiện đang có sẵn vắc-xin phòng bệnh thủy đậu cho mọi đối tượng
Trung tâm vắc-xin tại Vinmec hiện đang có sẵn vắc-xin phòng bệnh thủy đậu cho mọi đối tượng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe