Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi PGS.TS.BS Huỳnh Thoại Loan - Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác là một trong những chuyên gia hàng đầu về Nhi - Sơ sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh với gần 30 năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh về nội tiết nhi, thận nhi khoa và các vấn đề Nhi - Sơ sinh khác.
Thủy đậu là một căn bệnh ngoài da, biểu hiện qua các giai đoạn nổi ban đỏ, mụn nước cho đến khi mụn mủ vỡ và nốt thủy đậu đóng vảy. Đây là một bệnh truyền nhiễm, nhưng khi thủy đậu đóng vảy còn lây không là thắc mắc của nhiều người.
1. Bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu là một căn bệnh rất dễ lây lan, chủ yếu qua các con đường sau:
- Hít phải virus bị phát tán ra và lơ lửng trong không khí do người bệnh nói chuyện, hắt hơi, ho, chảy mũi.
- Tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch viêm từ các mụn nước và mủ đã vỡ rỉ ra.
- Dùng chung quần áo, chăn gối và các đồ dùng cá nhân khác đã bị nhiễm các chất dịch từ tổn thương da của người bệnh.
2. Các giai đoạn của bệnh
2.1. Biểu hiện của thủy đậu qua các giai đoạn
Các giai đoạn của bệnh thủy đậu diễn biến như sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: Thường trong khoảng từ 10 – 15 ngày phụ thuộc theo từng đối tượng và hệ miễn dịch mỗi người, lúc này bệnh nhân vẫn chưa có biểu hiện gì. Vào thời kỳ cuối của giai đoạn, người bệnh bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, toàn thân nóng râm ran.
- Giai đoạn khởi phát: Diễn ra từ 1 – 2 ngày với các triệu chứng bao gồm sốt nhẹ, đau đầu, chóng mặt, chán ăn và xuất hiện các nốt ban đỏ hồng trên da.
- Giai đoạn toàn phát: Các ban thủy đậu dạng bỏng nước bắt đầu nổi khắp cơ thể, hình thành mụn mủ, sau đó dần đóng vảy và bong tróc. Tình trạng này tái diễn nhiều lần liên tục rồi mới kết thúc.
- Giai đoạn bình phục: Tất cả mụn nước thủy đậu đã đóng vảy hoàn toàn, kéo dài từ 7 – 10 ngày. Sau khi khỏi bệnh, trẻ em thường dễ để lại sẹo hơn người lớn nếu không được chăm sóc cẩn thận.
Tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người mà thủy đậu sẽ có thời gian diễn tiến khác nhau. Nhìn chung, từ khi ủ bệnh cho đến giai đoạn xuất hiện triệu chứng cụ thể, rồi sau đó bình phục hoàn toàn sẽ kéo dài tổng cộng trong vòng 1 tháng.
2.2. Khi thủy đậu đóng vảy đã khỏi chưa?
Thông thường, các mụn thủy đậu mọc thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 2 – 3 ngày. Sau gần 1 tuần phát ban bỏng nước và có mủ, chúng sẽ tự khô rồi đóng vảy màu trắng hoặc nâu sẫm. Vảy tự bong trong một tuần tiếp theo, nhưng nhiều nguy cơ để lại vết thâm sẹo nếu bệnh nhân không chăm sóc và kiêng khem cẩn thận.Các chuyên gia da liễu cho rằng nốt thủy đậu đóng vảy hoàn toàn có thể là dấu hiệu của giai đoạn hồi phục. Người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu sẽ mất nhiều thời gian hơn để các mụn thủy đậu đóng vảy tiết.
Tuy nhiên, chu kỳ từ khi các ban đỏ hình thành mụn nước, mụn vỡ chảy nước và dịch mủ cho đến lúc đóng vảy, bong tróc sẽ lặp lại liên tục, hết vùng da cũ rồi chuyển sang vị trí mới khắp cơ thể nhiều lần thì mới lành bệnh.Như vậy, trường hợp nốt thủy đậu đã đóng vảy vẫn chưa thể hoàn toàn yên tâm được vì sẽ có tình trạng nổi mụn nước mới, vỡ ra rồi đóng vảy và bong tróc ở nơi khác.
2.3. Thủy đậu đóng vảy còn lây không?
Thực tế, đây là giai đoạn mà bệnh thủy đậu có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Khoảng thời gian lây lan của bệnh là từ 1 - 4 ngày trước khi có biểu hiện cho đến sau 7 ngày kể từ lúc tất cả các mụn thủy đậu đóng vảy khô hẳn. Bệnh thủy đậu chỉ thật sự an toàn nếu như tình trạng tất cả nốt thủy đậu hiện tại đã đóng vảy rồi bắt đầu bong tróc, kèm theo điều kiện không xuất hiện thêm một mụn nước nào mới trên da. Vì vậy, người bệnh cần kiên nhẫn theo dõi thêm một thời gian kể từ lúc mụn thủy đậu đã đóng vảy, nhằm đảm bảo không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Ngoài ra, nếu sau khi các nốt thủy đậu đã đóng vảy nhưng da vẫn còn đau rát, sưng đỏ kèm theo mủ thì có khả năng người bệnh bị bội nhiễm do vi khuẩn. Lúc này nên nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán và kê đơn các loại thuốc hỗ trợ điều trị. Đây là biện pháp xử lý tốt nhất và an toàn nhất, tránh tự ý bôi thuốc, xông hoặc tắm lá theo như truyền miệng dân gian sẽ rất nguy hiểm.
3. Chăm sóc người bệnh thủy đậu
Khi mắc bệnh thủy đậu, cần chú ý xử lý đúng các nốt mụn nước khắp cơ thể, góp phần nhanh chóng lành bệnh, cụ thể:
- Dùng khăn ấm lau nhẹ nhàng tránh làm vỡ mụn nước.
- Rửa tay sạch sẽ, cắt móng tay và mang bao tay cho trẻ để tránh gãi, cọ xát làm vỡ các nốt ban và vảy thủy đậu trên da.
- Khi nốt thủy đậu vỡ thì nên bôi thuốc xanh methylen, không được bôi tetracyclin, thuốc đỏ hay penicillin.
- Tuyệt đối kiêng rau muống, đồ ăn từ gạo nếp.
Khi các nốt thủy đậu đã đóng vảy báo hiệu bệnh đang nằm ở giai đoạn dần hồi phục. Người bệnh cần đặc biệt ghi nhớ các lưu ý sau nếu không muốn để lại sẹo trên da:
- Rửa da bằng nước muối sinh lý nhằm giúp làm mềm vảy, giúp vảy thủy đậu nhanh bong hơn.
- Nếu vảy thủy đậu vẫn còn dính chắc, không được cố gắng cạo hoặc bóc chúng ra, hạn chế khiến da tổn thương thêm.
- Hãy để các vảy tự rụng, không nên sờ hay đụng chạm đến chúng vì dễ gây ra nhiễm trùng hoặc hình thành các vết sẹo lõm, đặc biệt là vùng da mặt.
- Bôi kem nghệ lên vùng da non màu hồng nhạt khi vảy vừa rụng. Sau 3 – 4 ngày thì đắp nghệ tươi để tránh làm da non bị thâm.
Bệnh thủy đậu khá lành tính nếu như được điều trị tích cực và kịp thời. Tuy nhiên vẫn có trường hợp xảy ra những biến chứng nặng như: viêm phổi, thận cấp, não và cơ tim, hoặc nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong. Tiêm vacxin thủy đậu chính là cách phòng bệnh thủy đậu rất đơn giản nhưng lại mang hiệu quả cao nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.