Thường xuyên ợ hơi nhiều sau ăn, có nên đi khám?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Ợ hơi là hiện tượng tiêu hóa bình thường của cơ thể. Nhưng nếu ợ hơi nhiều lần, liên tục kéo dài hoặc đi kèm với những triệu chứng bất thường khác thì cần phải đặc biệt chú ý.

1. Ợ hơi là gì?

Không khí có thể đi vào cơ thể trong quá trình nhai nhuốt thức ăn. Cơ thể sẽ đẩy không khí thoát ra ngoài bằng đường miệng, tạo nên âm thanh ợ. Quá trình này được gọi là ợ hơi. Ợ hơi là hiện tượng bình thường của cơ thể, không có gì nguy hiểm.

Tùy theo thể trạng, đặc điểm của mỗi người mà ợ hơi có thể không có mùi hoặc có mùi chua. Quá trình ợ hơi cũng có thể khiến cho lồng ngực cảm thấy khó chịu.

Trắc nghiệm: Làm thế nào để bảo vệ lá gan khỏe mạnh?

Làm test trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết về gan có thể giúp bạn nhận thức rõ vai trò quan trọng của gan, từ đó có các biện pháp bảo vệ gan để phòng ngừa bệnh tật.

2. Nguyên nhân ợ hơi

Một số nguyên nhân phổ biến gây ợ hơi là do:

  • Ăn nhiều thức ăn chứa tinh bột, đường, chất xơ
  • Ăn nhiều thức ăn chiên rán, dầu mỡ, nhiều chất béo
  • Nhai kẹo cao su
  • Ăn uống quá nhanh, không nhai nuốt kỹ
  • Hút thuốc lá
  • Uống bia, đồ uống có ga
  • Căng thẳng, stress...

Ngoài ra, ợ hơi cũng là triệu chứng của một vài bệnh lý về đường tiêu hóa. Có thể là trào ngược dạ dày thực quản ở đường tiêu hóa trên hoặc chứng đầy hơi khó tiêu chức năng. Ợ hơi có thể là tổn thương thực thể hoặc cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý chức năng. Nếu ợ hơi nhiều sau khi ăn, ợ hơi kèm theo cảm giác khó chịu và nhiều triệu chứng bất thường khác thì nên đi khám để kiểm tra tình trạng sức khỏe. Để chẩn đoán ợ hơi là bệnh lý cần tiến hành nội soi dạ dày.


Ăn nhiều thức ăn chứa tinh bột là nguyên nhân gây ra ợ hơi
Ăn nhiều thức ăn chứa tinh bột là nguyên nhân gây ra ợ hơi

3. Những bệnh lý thường có triệu chứng ợ hơi

Ợ hơi có thể là triệu chứng của các bệnh lý như:

  • Trào ngược dạ dày thực quản: Axit trong dạ dày trào ngược trở lại thực quản kèm theo không khí khiến người bệnh bị ợ hơi với đặc điểm là ợ chua, ợ nóng
  • Viêm loét dạ dày: Viêm dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị viêm nhiễm, tổn thương, tạo thành các vết loét ở niêm mạc
  • Nhiễm khuẩn Hp: Nhiễm trùng dạ dày có thể gây ợ hơi
  • Đầy hơi, ăn không tiêu: Rối loạn dạ dày - ruột khiến bệnh nhân thấy khó chịu vùng bụng, chướng bụng, thức ăn tiêu hóa chậm hoặc không tiêu hóa. Người bệnh sẽ bị ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, buồn nôn hoặc nôn...

Ợ hơi có thể là triệu chứng của viêm loét dạ dày
Ợ hơi có thể là triệu chứng của viêm loét dạ dày

4. Làm gì để giảm ợ hơi hiệu quả?

  • Hạn chế các loại đồ uống có ga, bia, rượu
  • Hạn chế các loại thức ăn quá nhiều dầu mỡ, chất béo
  • Hạn chế nhai kẹo cao su, nếu muốn chỉ nên ăn sau khi dùng bữa để tăng tiết nước bọt và không nhai quá lâu
  • Không hút thuốc lá
  • Không nằm ngay sau khi ăn
  • Không mặc quần áo quá chật gây bó và tăng áp lực cho vùng bụng
  • Kiểm soát cân nặng
  • Ăn chậm, nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt
  • Không ăn quá no
  • Ăn nhiều các loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa như: sữa chua, nước chanh, bạc hà, đu đủ, tỏi, gừng...
  • Luyện tập thể dục, tăng cường sức khỏe
  • Tránh căng thẳng, mệt mỏi, lo âu
  • Bổ sung men tiêu hóa nếu cần...

Với gần 20 năm làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng trong chuyên ngành nội tiêu hóa - Gan mật tụy, mỗi năm bác sĩ Võ Thị Thùy Trang tham gia nội soi hơn 1500 ca bao gồm: nội soi chẩn đoán các bệnh lý dạ dày, đại tràng như: phát hiện viêm, loét, polyp, ung thư, tìm vi khuẩn HP, phát hiện ung thư sớm đường tiêu hóa...; Nội soi điều trị như: Cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa, thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản trong xơ gan, cắt polype ống tiêu hóa qua nội soi...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe