Hay bị chảy máu chân răng khi đánh răng là vấn đề răng miệng mà nhiều người gặp phải nhưng lại ít được quan tâm vì tình trạng này không đáng lo ngại. Tuy nhiên, các khuyến cáo gần đây cho biết thường xuyên bị chảy máu chân răng khi đánh răng là vấn đề rất đáng lo, vì đó là dấu hiệu cho biết tình trạng sức khỏe răng miệng của bạn. Vì vậy, nếu bạn hay bị chảy máu chân răng khi đánh răng thì cần phải tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách chữa trị.
Chảy máu chân răng là tình trạng nướu bị tổn thương và dễ dàng bị chảy máu khi có một tác động nhẹ như đánh răng, dùng tăm xỉa răng hoặc chỉ nha khoa. Thông thường, nướu khỏe mạnh sẽ săn chắc, có màu hồng hào và không bị chảy máu.
1. Tại sao hay bị chảy máu chân răng khi đánh răng?
Các nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu chân răng khi đánh răng được phân loại thành vấn đề ở răng miệng hoặc vấn đề sức của toàn cơ thể.
Đối với các vấn đề về răng miệng, có các nguyên nhân chính sau đây:
- Viêm nướu: Viêm nướu, viêm lợi là nguyên nhân chính và phổ biến nhất khiến bạn hay bị chảy máu chân răng khi đánh răng. Vệ sinh răng miệng không đúng cách, chưa sạch sẽ hoặc thói quen sử dụng tăm thay cho chỉ nha khoa lý do dẫn đến bệnh viêm nướu thường gặp vì thức ăn vẫn còn bám ở kẽ. Viêm nướu càng nghiêm trọng thì bạn càng hay bị chảy máu chân răng khi đánh răng.
- Các bệnh về răng và quanh răng: Đau răng, nhiễm trùng chân răng, sâu răng, viêm nha chu là các bệnh ở răng và quanh răng gây ra tình trạng chảy máu chân răng khi đánh răng.
- Các vấn đề về răng và nướu: Răng mọc không đúng chỗ, mọc lệch, khiến cho việc vệ sinh răng miệng gặp nhiều khó khăn, thức ăn thường xuyên bị mắc lại ở kẽ răng là lý do dẫn đến đánh răng hay bị chảy máu chân răng. Hoặc nướu bị chấn thương do dùng bàn chải cứng, chải răng quá mạnh làm chấn thương nướu và khiến cho tình trạng chảy máu chân răng khi đánh răng thường xuyên hơn.
Đối với các vấn đề cơ thể, có các nguyên nhân sau đây:
- Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, thói quen ăn uống không lành mạnh: Thường xuyên ăn thức ăn cứng hoặc chế độ dinh dưỡng nghèo nàn sẽ dẫn đến tình trạng thiếu chất, đặc biệt là thiếu vitamin C, là nguyên nhân dẫn đến nướu bị tổn thương và hay bị chảy máu chân răng khi đánh răng.
- Dùng thuốc: Việc dùng một số loại thuốc điều trị, chẳng hạn như thuốc kháng sinh trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu vitamin K và gây chảy máu chân răng. Ngoài ra, thuốc điều trị bệnh động kinh, ung thư cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
- Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ: Cơ thể phụ nữ trong giai đoạn dậy thì, mang thai hoặc mãn kinh trải qua sự thay đổi nội tiết tố quan trọng và có thể dẫn đến tình trạng chảy máu chân răng khi đánh răng.
- Mắc các bệnh ở gan: Ngoài các cơ quan khác, quá trình đông máu trong cơ thể cũng có sự tham gia của gan. Vì vậy, nếu gan bị tổn thương cũng sẽ dẫn đến chức năng gan bị ảnh hưởng và gây chảy máu chân răng.
Ngoài ra, một số vấn đề khác như: Nếu bạn thường xuyên hút thuốc lá, hay gặp vấn đề trong công việc và cuộc sống dẫn đến lo âu, căng thẳng, hoặc bị sốt xuất huyết, mắc bệnh bạch cầu, máu khó đông, tiểu đường, ... có thể dẫn đến tình trạng chảy máu chân răng khi đánh răng.
2. Thường xuyên bị chảy máu chân răng khi đánh răng có đáng lo?
Nếu thỉnh thoảng bạn bị chảy máu chân răng thì không đáng lo vì có thể vài ngày là khỏi và không bị lại. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn thì rất đáng lo ngại vì có thể dẫn đến viêm nướu cấp tính và ảnh hưởng đến việc ăn uống, sinh hoạt thường ngày.
Chảy máu chân răng khi đánh răng nếu không sớm tìm hiểu nguyên nhân và xử trí sẽ dẫn đến bệnh viêm nha chu và làm tổn thương răng cũng như các tổ chức bao quanh răng, thậm chí có thể khiến răng rụng đi. Tình trạng này nếu không khắc phục sớm có thể trở nên nguy hiểm hơn đối với những nhóm đối tượng sau:
- Người mắc bệnh tim mạch hoặc tiểu đường: Làm tăng lượng đường trong máu và gây một số biến chứng như viêm nội tâm mạc, từ đó làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, thậm chí là đột quỵ.
- Phụ nữ đang mang thai: Tăng nguy cơ biến chứng trong thai kỳ, dẫn đến sinh non, trẻ sinh non bị nhẹ cân.
Xem ngay: Các biện pháp khắc phục tại nhà khi chảy máu nướu răng
3. Khắc phục và phòng ngừa tình trạng chảy máu chân răng khi đánh răng
Thường xuyên bị chảy máu chân răng khi đánh răng thì không nên chủ quan để nó tự khỏi, thay vào đó nên thăm khám nha sĩ để được kiểm tra. Bên cạnh đó, cũng cần thay đổi thói quen trong ăn uống, sinh hoạt và chăm sóc răng miệng, cụ thể:
- Thực hiện vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng và đúng cách: Chải răng mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Chải răng đúng cách là chải theo chiều dọc (từ trên xuống dưới và ngược lại) và xoay tròn. Không nên chải răng quá mạnh và nên dùng bàn chải mềm để tránh làm tổn thương nướu.
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung những khoáng chất và vitamin thiết yếu: Canxi, magie, vitamin C, K, ... là những khoáng chất và vitamin cần thiết cho sức khỏe nói chung và hạn chế tình trạng đánh răng bị chảy máu chân răng nói riêng. Bạn dễ dàng bổ sung các chất dinh dưỡng này cùng nhiều vi chất khác từ đa dạng các loại thực phẩm như hải sản, rau củ, trái cây giàu vitamin C (cam, quýt, bưởi, ...)
- Hạn chế căng thẳng: Luôn suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, hạn chế tình trạng căng thẳng, lo lắng kéo dài không chỉ giúp cho sức khỏe nói chung mà còn giảm chảy máu chân răng nói riêng.
- Thay đổi những thói quen xấu: Hút thuốc lá là thói quen cần từ bỏ nếu như bạn muốn khắc phục tình trạng chảy máu chân răng khi đánh răng. Không chỉ vậy, không hút thuốc lá còn giúp bạn có hàm răng chắc khỏe, trắng sáng, hơi thở sạch sẽ và thơm tho, đồng thời giảm nguy cơ ung thư phổi.
- Thăm khám nha sĩ và dùng thuốc chữa chảy máu chân răng: Trước tiên, nha sĩ sẽ lấy vôi răng và chỉ định bạn dùng nước súc miệng chuyên dùng để làm thuyên giảm tình trạng đánh răng hay bị chảy máu chân răng. Nếu không cải thiện, có thể cần phải dùng đến kháng sinh đặc trị như Amoxicillin, Metronidazole, Tetracycline, Penicillin...
Thường xuyên bị chảy máu chân răng khi đánh răng có thể là một vấn đề đáng lo ngại vì nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến các vấn đề răng miệng khác như viêm nướu cấp, viêm nha chu, mất răng và một số biến chứng khác ở những người bị bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc phụ nữ đang mang thai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.