Cảm lạnh thông thường, cúm mùa thường có biểu hiện nghẹt mũi, đau nhức xoang. Bên cạnh điều trị nguyên nhân, người bệnh có thể giảm tạm thời những triệu chứng khó chịu trên bằng Pseudoephedrine với sản phẩm thuốc Zephrex-D.
1. Thuốc Zephrex là thuốc gì?
Thuốc Zephrex-D có hoạt chất chính là Pseudoephedrine, được sử dụng để giảm tạm thời triệu chứng nghẹt mũi và đau nhức xoang do một số bệnh nhiễm trùng (như cảm lạnh thông thường, cúm mùa) hoặc các bệnh về hô hấp khác (như sốt cỏ khô, dị ứng, viêm phế quản). Pseudoephedrine là thuốc thông mũi có tác dụng cường giao cảm, hoạt động bằng cách co mạch máu để giảm sưng và tắc nghẽn.
Nếu đang tự điều trị bằng thuốc Zephrex-D, người bệnh cần lưu ý điều quan trọng nhất là đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để biết trường hợp nào cần hỏi ý kiến bác sĩ.
Các sản phẩm chữa ho, cảm lạnh không được chứng minh an toàn hoặc hiệu quả ở trẻ em dưới 6 tuổi, do đó không sử dụng thuốc Zephrex cho trẻ em dưới 6 tuổi. Các dạng bào chế của thuốc như viên nén/viên nang tác dụng kéo dài không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi. Do đó, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm chi tiết về cách sử dụng an toàn sản phẩm Zephrex-D.
Thuốc Zephrex không chữa khỏi hoặc rút ngắn bị thời gian cảm lạnh thông thường và có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Để giảm nguy cơ này, người bệnh hãy tuân thủ cẩn thận tất cả các hướng dẫn về liều lượng, không sử dụng Zephrex-D với mục đích giúp trẻ dễ ngủ, không sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc chữa ho và cảm lạnh khác nhau vì chúng có thể chứa cùng hoạt chất thông mũi hoặc tác dụng tương tự.
Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ về những phương pháp khác giúp giảm các triệu chứng ho và cảm lạnh như uống đủ nước, sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc sử dụng các nước muối sinh lý nhỏ/xịt mũi.
2. Cách sử dụng thuốc Zephrex
Nếu đang sử dụng thuốc Zephrex dạng không kê đơn để tự điều trị, người bệnh hãy đọc tất cả các hướng dẫn trên bao bì sản phẩm trước khi dùng thuốc. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào về Zephrex-D hãy liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ, nếu bác sĩ đã kê đơn thuốc Zephrex, người bệnh hãy dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn.
Thuốc Zephrex-D sử dụng đường uống, trước hoặc sau bữa ăn, thường dùng cách mỗi 4 đến 6 giờ theo hướng dẫn kèm theo sản phẩm hoặc chỉ định của bác sĩ. Lưu ý không dùng Zephrex-D quá 4 lần thuốc này trong một ngày.
Liều lượng Pseudoephedrine dựa trên độ tuổi, tình trạng sức khỏe và phản ứng với điều trị của người bệnh, không tự ý tăng liều hoặc dùng thuốc hơn 4 lần/ngày so với chỉ dẫn. Đồng thời, không uống quá liều lượng thuốc Zephrex được khuyến cáo theo độ tuổi của bệnh nhân.
Nếu đang sử dụng thuốc Zephrex dạng viên nhai, người bệnh hãy nhai kỹ từng viên và nuốt. Đối với dạng lỏng của thuốc Zephrex-D, người bệnh hãy đo liều cẩn thận bằng dụng cụ/cốc đo đặc biệt (không sử dụng thìa gia dụng).
Có nhiều nhãn hiệu và dạng bào chế pseudoephedrine khác nhau trên thị trường, vì vậy hãy kiểm tra bao bì sản phẩm để biết hướng dẫn cụ thể. Đọc kỹ thông tin thuốc cho từng sản phẩm vì hàm lượng pseudoephedrine có thể khác nhau và nên nhớ không dùng quá liều pseudoephedrine khuyến cáo.
Caffeine có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc Zephrex. Vì vậy, người bệnh cần tránh uống một lượng lớn đồ uống có chứa caffeine (như cà phê, trà, cola), ăn một lượng lớn sôcôla hoặc dùng các sản phẩm không kê đơn có chứa caffeine.
Nếu các triệu chứng cảm lạnh không cải thiện sau 7 ngày, xu hướng xấu đi, tái phát trở lại hoặc bệnh nhân bị sốt, phát ban, đau đầu dai dẳng hoặc nghĩ rằng có thể có một vấn đề y tế nghiêm trọng, người bệnh hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
3. Phản ứng phụ của thuốc Zephrex
Thuốc Zephrex có thể gây ra buồn nôn, nôn, khó ngủ, chóng mặt, nhức đầu hoặc căng thẳng, nếu có bất kỳ tác dụng nào kéo dài dai dẳng, người bệnh hãy báo cho bác sĩ ngay. Ngừng dùng thuốc Zephrex và báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bệnh nhân bị chóng mặt, căng thẳng hoặc khó ngủ.
Các tác dụng phụ nghiêm của thuốc Zephrex bao gồm: nhịp tim nhanh bất thường, tim đập thình thịch, thay đổi tâm thần như lo lắng, lú lẫn, bồn chồn, run, khó đi tiểu.
Phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng với pseudoephedrine là rất hiếm với các triệu chứng gồm: phát ban, ngứa, sưng, chóng mặt, khó thở.
Đây không phải là danh sách tất cả tác dụng phụ của pseudoephedrine, nếu bệnh nhân nhận thấy các tác dụng không được liệt kê ở trên, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Zephrex
Trước khi dùng pseudoephedrine, hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu bệnh nhân bị dị ứng với hoạt chất này hoặc nếu có bất kỳ dị ứng nào khác, đặc biệt người bệnh cần lưu ý về tiền sử có phản ứng tiêu cực với các thuốc cường giao cảm khác (như ephedrine, phenylephrine).
Các vấn đề sức khỏe nào cũng cần được đề cập kỹ càng trước khi sử dụng sản phẩm thuốc Zephrex gồm: bệnh tiểu đường, bệnh về mắt (bệnh tăng nhãn áp), vấn đề về tim (như đau tim, đau ngực, suy tim), tim đập nhanh, tim đập không đều, huyết áp cao, bệnh thận, cường giáp, khó đi tiểu.
Thuốc Zephrex có thể làm cho bệnh nhân bị chóng mặt. Vì vậy không lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm bất cứ điều gì cần sự tỉnh táo cho đến khi bệnh nhân có thể làm điều đó một cách an toàn.
Người lớn tuổi dễ nhạy cảm với các tác dụng phụ của thuốc Zephrex, đặc biệt là nhịp tim nhanh, nhịp không đều, chóng mặt, các vấn đề về tiểu tiện, khó ngủ hoặc lú lẫn. Trẻ em có thể nhạy cảm hơn với tác dụng của thuốc Zephrex, đặc biệt là cảm giác bồn chồn.
Trong thời kỳ mang thai, thuốc Zephrex chỉ được sử dụng khi thật cần thiết sau khi đã thảo luận về những rủi ro và lợi ích với bác sĩ. Pseudoephedrine đi vào sữa mẹ vì vậy cần thảo luận với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích trước khi dùng thuốc Zephrex cho phụ nữ đang cho con bú.
5. Tương tác của thuốc Zephrex
Tương tác thuốc có thể thay đổi cách hoạt động của thuốc Zephrex hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số sản phẩm có thể tương tác với thuốc Zephrex bao gồm: các chất kích thích (như caffeine, dextroamphetamine, methamphetamine, các sản phẩm thảo dược như ma hoàng), terbutaline.
Dùng thuốc ức chế MAO với thuốc Zephrex có thể gây ra tương tác thuốc nghiêm trọng (thậm chí gây tử vong) vì vậy cần tránh dùng thuốc ức chế MAO trong khi điều trị bằng thuốc Zephrex. Hầu hết các chất ức chế MAO cũng không nên dùng trong hai tuần trước khi điều trị bằng thuốc Zephrex, cần hỏi bác sĩ khi nào bắt đầu hoặc ngừng dùng bất kỳ loại thuốc nào.
Pseudoephedrine có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc huyết áp (như thuốc chẹn beta, canxi chẹn kênh, guanethidine, methyldopa). Kiểm tra nhãn của tất cả các loại thuốc đang dùng đồng thời với thuốc Zephrex vì chúng có thể chứa thành phần phenylephrine.
Các triệu chứng quá liều thuốc Zephrex có thể bao gồm: thở chậm, thở nông, ảo giác, co giật. Thuốc Zephrex chỉ sử dụng tạm thời, không sử dụng thuốc trong hơn 7 ngày mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Nếu bỏ lỡ một liều thuốc Zephrex, hãy dùng thuốc ngay khi nhớ ra. Nếu gần đến thời điểm dùng liều thuốc Zephrex tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên, đừng gấp đôi liều. Không xả thuốc Zephrex xuống bồn cầu hoặc đổ vào cống trừ khi thuốc đã hết hạn hoặc không còn cần thiết.
Việc nắm rõ thông tin về thuốc Zephrex trước khi sử dụng luôn mang đến hiệu quả tích cực cũng như hạn chế rủi ro cho bệnh nhân. Nếu có bất cứ thắc mắc, khách hàng có thể gửi câu hỏi tới Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nhận được những tư vấn chuyên sâu từ đội ngũ bác sĩ, dược sĩ nhiều năm kinh nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com