Tình trạng viêm xoang, viêm mũi thường xảy ra khi thời tiết thay đổi. Rất nhiều người bệnh có thói quen tự ý sử dụng thuốc xịt viêm xoang mà thiếu hướng dẫn của bác sĩ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Để sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả, hãy cùng tìm hiểu để biết được những chỉ định, tác dụng và cảnh báo của thuốc xịt mũi xoang.
1. Thuốc xịt mũi xoang là gì và được chỉ định khi nào?
Thuốc xịt mũi xoang được sử dụng để làm giảm tình trạng sung huyết ở mũi do cảm lạnh thông thường, viêm xoang, sốt cỏ khô, dị ứng hoặc các nguyên nhân khác bằng cách làm co các mạch máu tại chỗ ở vùng mũi từ đó giảm sưng, tắc nghẽn, điều trị nghẹt mũi.
Có nhiều loại thuốc xịt mũi xoang khác nhau trên thị trường có thể kể đến như Cordi-B, Otrivin, Benita, Nasivin, Flixonase, Xisat, Agerhinin, ... Các thuốc xịt mũi xoang được chỉ định trong điều trị nghẹt mũi, chảy nước mũi, viêm mũi dị ứng, viêm xoang cấp và mãn tính và những bệnh lý liên quan về đường hô hấp.
2. Sử dụng thuốc xịt mũi xoang đúng cách như thế nào?
Để thuốc xịt mũi xoang thẩm thấu và phát huy hiệu quả tối đa, bạn nên sử dụng thuốc xịt mũi xoang đúng cách theo hướng dẫn dưới đây.
- Để tránh nhiễm bẩn vào lọ thuốc và mũi đang bị tổn thương, trước tiên hãy rửa tay.
- Tiếp theo, xì mũi nhẹ nhàng trước khi sử dụng thuốc xịt mũi xoang.
- Sau đó, ngồi trên ghế hoặc nằm xuống rồi ngửa đầu ra sau.
- Lắc nhẹ lọ thuốc xịt mũi xoang trước khi dùng nếu hướng dẫn sử dụng yêu cầu.
- Giữ ống nhỏ giọt trên lỗ mũi và xịt đúng số liều theo hướng dẫn và đảm bảo không chạm tay vào đầu xịt thuốc cũng như không để đầu xịt chạm vào mũi hoặc bất kỳ bề mặt nào khác.
- Hãy giữ đầu nghiêng trong vài phút.
- Lặp lại hai bước trên với lỗ mũi còn lại nếu cần.
- Đậy nắp lại và rửa tay sau khi sử dụng thuốc xịt viêm xoang
Bạn hãy lưu ý, thuốc xịt mũi xoang không dùng đường uống do đó không nên nuốt nếu không may thuốc qua mũi vào cổ họng. Đồng thời, tránh để thuốc xịt mũi xoang dính vào miệng và mắt vì một số thuốc xịt mũi xoang có thể gây bỏng niêm mạc. Không dùng chung thuốc xịt mũi xoang với người khác để tránh làm lây lan nhiễm trùng.
Một số sản phẩm thuốc xịt mũi xoang được kèm theo thiết bị hỗ trợ bơm xịt và/hoặc cần được mồi xịt, bạn hãy đọc và nắm rõ hướng dẫn sử dụng để dùng thuốc xịt mũi xoang đúng cách.
3. Sử dụng thuốc xịt mũi xoang có thể gặp phải những tác dụng phụ nào?
Tất cả các loại thuốc đều có thể gây ra tác dụng phụ. Thuốc xịt mũi xoang có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như kích ứng mũi, hắt xì, chảy nước mũi, nóng rát, cảm giác như châm chích, khô mũi tạm thời, ... Tác dụng phụ nghiêm trọng hơn khi sử dụng thuốc xịt mũi xoang có thể bao gồm: nhịp tim chậm hoặc nhanh hơn bình thường, tim đập thình thịch, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, thay đổi tâm trạng, tinh thần bất ổn, khó ngủ, run, đổ mồ hôi bất thường, suy nhược cơ thể.
Phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng với triệu chứng như phát ban, nổi mề đay, da đỏ, phồng rộp, bong tróc, ngứa sưng mặt, lưỡi, cổ họng, có thể kèm theo sốt, chóng mặt nghiêm trọng, khản giọng bất thường, thở khò khè, khó thở, tức ngực, đôi khi gây tử vong... do thuốc xịt mũi xoang là rất hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra.
Nếu bất kỳ tác dụng nào kéo dài hoặc trầm trọng hơn hoặc nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của phản ứng dị ứng nghiêm trọng, hãy tìm tới sự giúp đỡ của bác sĩ hoặc dược sĩ ngay lập tức để tránh xảy ra những hậu quả nghiêm trọng.
Để tránh xảy ra các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc xịt mũi xoang, hãy cho bác sĩ được biết về tiền sử dị ứng của bạn cũng như tiền sử các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, cường giáp, tiểu đường, huyết áp cao, tiểu khó do phì đại tuyến tiền liệt, ... Đồng thời, cần thận trọng khi sử dụng thuốc xịt mũi xoang cho trẻ em, vì đây là nhóm đối tượng có thể nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc xịt mũi xoang.
4. Những tương tác thuốc nào có thể xảy ra khi sử dụng thuốc xịt mũi xoang?
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi hiệu quả và/hoặc làm tăng khả năng xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc xịt mũi xoang. Tương tác thuốc xảy ra khi sử dụng đồng thời thuốc xịt mũi xoang với các thuốc ức chế IMAO như isocarboxazid, linezolid, xanh methylen, moclobemide, phenelzine, procarbazine, rasagiline, safinamide, selegiline, tranylcypromine, ... có thể dẫn tới tử vong. Còn nếu bạn đã dùng một số loại thuốc điều trị trầm cảm hoặc bệnh Parkinson như isocarboxazid, phenelzine, tranylcypromine, selegiline hoặc rasagiline, ... trong khoảng 14 ngày trước khi dùng thuốc xịt mũi xoang, tương tác thuốc có thể dẫn tới nguy cơ tăng huyết áp rất cao.
Trên đây không phải là danh sách tất cả các tương tác thuốc có thể xảy ra khi sử dụng thuốc xịt mũi xoang. Trước khi sử dụng thuốc xịt viêm xoang, hãy nói với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn về tất cả các sản phẩm mà bạn đang sử dụng trong thời gian gần, đặc biệt là các thuốc điều trị huyết áp cao, thuốc chống trầm cảm ba vòng, sản phẩm có các thành phần có thể làm tăng nhịp tim,... để được tư vấn cách sử dụng chúng một cách an toàn.
5. Làm gì khi sử dụng quá liều thuốc xịt mũi xoang?
Sử dụng thuốc xịt mũi xoang nhiều hơn liều lượng và thời gian được hướng dẫn không làm cải thiện tình trạng nghẹt mũi, viêm xoang mà còn có thể khiến tình trạng bệnh tái phát hoặc trở nên trầm trọng hơn và tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng không mong muốn. Các triệu chứng quá liều thuốc xịt viêm xoang có thể bao gồm: buồn ngủ, tim đập chậm, chóng mặt, ngất xỉu. Nếu gặp phải các dấu hiệu trên, hãy đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Thuốc xịt mũi xoang được sử dụng để làm giảm tình trạng sung huyết ở mũi do cảm lạnh, viêm xoang, sốt cỏ khô, dị ứng hoặc các nguyên nhân khác bằng cách làm co các mạch máu tại chỗ ở vùng mũi từ đó giảm sưng, tắc nghẽn, điều trị nghẹt mũi. Để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất, người bệnh cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp sử dụng thuốc không thuyên giảm các triệu chứng, người bệnh có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và điều trị
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý hô hấp, hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu. Do đó, nếu bạn đã sử dụng thuốc xịt mũi xoang không đem lại kết quả có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, drugs.com