Viêm xoang mãn tính là căn bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. Việc sử dụng thuốc trị viêm xoang mãn tính đúng cách sẽ giúp kiểm soát căn bệnh này hiệu quả, giảm nguy cơ phát sinh những biến chứng khó lường.
1. Biến chứng của bệnh viêm xoang mãn tính
Viêm xoang mãn tính là tình trạng bệnh viêm xoang kéo dài trên 12 tuần và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho sức khỏe, sinh hoạt của bệnh nhân. Cơ chế xảy ra viêm xoang mãn tính như sau: Màng nhầy tích tụ trong mũi, họng, xoang khiến lỗ xoang bị cản trở và chất nhờn bị tắc trong xoang. Môi trường trong xoang trở nên ẩm ướt và có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn.
Bệnh viêm xoang mãn tính thường không nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, nếu không điều trị viêm xoang mãn tính tích cực thì căn bệnh này có thể gây ra một số biến chứng cho sức khỏe như:
- Hen: Viêm xoang mãn tính có thẻ khiến bệnh nhân đồng thời khởi phát bệnh hen;
- Viêm màng não: Viêm xoang có thể lan đến màng não và dịch não tủy, rất nguy hiểm cho bệnh nhân;
- Biến chứng ở mắt: Viêm xoang mãn tính có thể lan rộng tới ổ mắt, làm giảm thị lực, thậm chí dẫn tới mù lòa.
Do đó, khi các triệu chứng viêm xoang mãn tính kéo dài trên 8 tuần, người bệnh nên đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
2. Các loại thuốc trị viêm xoang mãn tính
Bênh viêm xoang mãn tính khó điều trị hơn viêm xoang cấp tính, vì có nguyên nhân phức tạp hơn. Mục tiêu điều trị bệnh là loại bỏ nguyên nhân gây viêm xoang mãn tính, phục hồi lưu thông khí và dịch ở mũi xoang, làm lành niêm mạc xoang. Nếu điều trị đúng phương pháp, người bệnh có thể chữa khỏi viêm xoang mãn tính.
2.1 Thuốc Tây y điều trị viêm xoang mãn tính
Các bác sĩ có thể dựa vào nguyên nhân gây bệnh viêm xoang mãn tính để kê đơn thuốc điều trị căn nguyên và triệu chứng của bệnh. Cụ thể:
Thuốc thông mũi
Loại thuốc này có thể giúp làm giảm bít tắc đường thở, đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm triệu chứng khó chịu của bệnh viêm xoang mãn tính. Các thuốc xịt mũi như phenylephrine, naphazoline, chlorzoxazone có tác dụng nhanh chỉ trong vòng 1 - 3 phút. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên dùng các thuốc này quá 3 ngày để tránh gây nhờn thuốc.
Với bệnh viêm xoang mãn tính hoặc viêm xoang cấp tái hồi, người bệnh có thể sử dụng thêm thuốc corticoid để xịt mũi, làm giảm triệu chứng. Những loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định là fluticasone, beclomethasone, triamcinolone, flunisolide và vancenase. Các thuốc corticoid xịt mũi tác động trực tiếp lên lớp niêm mạc ở hốc mũi, xoang. Để sử dụng thuốc này, người bệnh cần có chỉ định của bác sĩ.
Các loại thuốc này không làm giảm triệu chứng ngay lập tức như các loại thuốc thông mũi khác nhưng khi đã đạt liều điều trị thì sẽ cải thiện triệu chứng khá nhiều và có thể không cần dùng thuốc thông mũi nữa. Trong thời điểm yếu tố dị nguyên từ môi trường xuất hiện nhiều thì việc sử dụng thuốc corticoid xịt mũi sớm có thể ngăn ngừa viêm xoang, giữ cho các xoang được thông, dẫn lưu tốt.
Thuốc thông mũi đường uống (dạng dung dịch hoặc viên uống) có chứa những hoạt chất giả ephedrine hoặc phenylephrine. Các thuốc này thường đạt hiệu quả sau 30 - 60 phút. Cũng giống như thuốc thông mũi dạng xịt, thuốc thông mũi đường uống có thể kém hiệu quả dần nếu sử dụng lâu dài. Hiện tượng nhờn thuốc cũng có thể xảy ra nhưng không nhiều như thuốc dạng xịt.
Bên cạnh đó, các thuốc thông mũi dùng đường xịt và đường uống đều có một số tác dụng phụ như tăng nhịp tim và tăng huyết áp, căng thẳng thần kinh, lo âu, mất ngủ, khô miệng, run giật, nhìn mờ và nhức đầu,... Do đó, những bệnh nhân từng mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, lo âu, bệnh lý đường niệu,... nên báo cáo với bác sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc an toàn.
Thuốc kháng histamin
Nếu những dị nguyên từ môi trường là nguyên nhân gây viêm xoang mãn tính thì bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng thuốc kháng histamin để giảm nguy cơ phù nề niêm mạc xoang. Tuy nhiên, hiện nay một số loại thuốc kháng histamin có tác dụng an thần không được khuyên dùng vì chúng có xu hướng làm khô và tăng độ đặc của đàm, khiến việc dẫn lưu khó khăn hơn.
Các thuốc kháng histamin không có tác dụng an thần sẽ được sử dụng. Đó là fexofenadine, loratadine hoặc desloratadine vì chúng không làm khô niêm mạc. Đồng thời, nếu bị nghẹt mũi nặng, người bệnh có thể được chỉ định dùng thêm thuốc thông mũi như allegra-D hay claritin-D.
Thuốc kháng sinh
Với các trường hợp bị viêm xoang mãn tính do nhiễm trùng, ngoài các thuốc điều trị triệu chứng thì nên dùng kháng sinh để trị bệnh dứt điểm, ngăn ngừa biến chứng. Người bệnh chỉ sử dụng kháng sinh theo đơn của bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc để giảm nguy cơ kháng thuốc.
2.2 Thuốc Đông y điều trị viêm xoang mãn tính
Ngoài các thuốc trị viêm xoang mãn tính bằng Tây y, đông y cũng có nhiều phương thuốc điều trị bệnh. Theo y học cổ truyền, viêm xoang mãn tính do nhiều nguyên nhân. Các bài thuốc gia giảm phòng trị chứng viêm xoang mãn tính gồm:
Viêm xoang mãn tính thể phế âm hư hỏa vượng
Bệnh nhân có triệu chứng nghẹt mũi, đau đầu, cảm nóng trong, sợ lạnh, khô miệng, bệnh tái phát nhiều lần.
Sử dụng bài thuốc thương nhĩ tán, phối hợp bài tứ vật gia giảm gồm: 16g thương nhĩ tử + 16g tân di + 10g bạc hà + 20g bạch chỉ + 14g xuyên khung + 14g đương quy + 14g bồ công anh + 16g hạ khô thảo + 16g kim ngân. Có thể sắc lấy nước uống hoặc nghiền thành bột mịn, bao thành viên hoàn để uống. Bài thuốc này có công dụng dưỡng âm, thanh hỏa, thông khiếu,... giúp điều trị viêm mũi, viêm mũi dị ứng lâu ngày, viêm xoang,...
Viêm xoang mãn tính thể âm dương lưỡng hư
Bệnh nhân có triệu chứng đau đầu, nghẹt mũi, sổ mũi và viêm mũi dị ứng lâu năm.
Sử dụng bài thuốc bát vị hoàn gia giảm gồm: 20g thục địa + 16 hoài sơn + 14g phục linh + 12g sơn thù + 12g đơn bì + 12g quế chi + 12g câu kỷ tử + 12g bạch truật + 12g đảng sâm + 12g táo nhân + 10g viễn chí + 8g trạch tả + 8g mạch môn + 10g nhục thung dung + 6g phụ tử + 12g ngưu tất. Đem sắc hoặc tán bột, làm thành viên hoàn, dùng uống. Bài thuốc có công dụng bổ âm tiếp dương, tiêu viêm, giáng hư hỏa, thông khiếu,... giúp trị viêm mũi, viêm mũi dị ứng lâu ngày, viêm xoang,...
3. Lưu ý khi dùng thuốc trị viêm xoang mãn tính
Mục tiêu chính của việc điều trị bệnh viêm xoang mãn tính là làm giảm phù nề, giảm viêm ở mũi và xoang, giới hạn khu vực bị nhiễm trùng, tăng dẫn lưu xoang. Thực tế cho thấy đã có nhiều bệnh nhân tự ý mua thuốc về dùng, lạm dụng thuốc khiến bệnh không khỏi và gặp nhiều biến chứng.
Do đó, khi sử dụng thuốc điều trị viêm xoang mãn tính, người bệnh cần lưu ý:
- Phối hợp với mọi chỉ định của bác sĩ, điều trị tích cực bằng nhiều phương pháp trong thời gian dài. Có thể phối hợp thuốc Đông y với thuốc Tây y để bệnh mau khỏi hơn (cần theo hướng dẫn của bác sĩ);
- Nếu lựa chọn thuốc Đông y, sử dụng dược liệu tự nhiên để điều trị bệnh viêm xoang thì người bệnh nên tìm hiểu kỹ về những bài thuốc này, chỉ dùng theo hướng dẫn của bác sĩ;
- Người bệnh tự chăm sóc sức khỏe, kiểm soát triệu chứng bệnh viêm xoang mãn tính nay tại nhà. Các triệu chứng bệnh sẽ thuyên giảm dần, không gây nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt;
- Tránh môi trường bụi bẩn, tránh lây nhiễm cảm cúm, không ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh,... Nên bồi bổ sức khỏe để phòng ngừa bệnh tái phát.
Có nhiều loại thuốc trị viêm xoang mãn tính (gồm cả thuốc kê đơn và không kê đơn). Tốt nhất là khi bị viêm xoang kéo dài trên 8 tuần, người bệnh nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị thích hợp nhất. Điều này giúp đảm bảo hiệu quả trị bệnh tốt nhất và giảm nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.