Thuốc tiền mê là gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Ngát - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thuốc tiền mê là thuốc được sử dụng trước khi gây mê nhằm giúp quá trình gây mê và cuộc mổ diễn ra thuận lợi hơn. Nhiều nhóm thuốc có thể được dùng tiền mê, việc chỉ định thuốc nào tùy thuộc vào sự cân nhắc của bác sĩ khi khám tiền mê.

1.Thuốc tiền mê là gì?

Thuốc tiền mê là thuốc được dùng cho người bệnh trước khi gây mê để tiến hành phẫu thuật. Thuốc tiền mê được bác sĩ chỉ định cho người bệnh nhằm mục đích:

  • An thần, gây ngủ, làm dịu và giảm sự lo lắng của bệnh nhân.
  • Giảm đau, giảm chuyển hóa, giảm các phản xạ có hại.
  • Hạn chế tiết dịch ở đường hô hấp, miệng, cổ họng, giúp giảm rủi ro hít phải dịch vào đường hô hấp.
  • Chống buồn nôn và nôn, ổn định nhịp timhuyết áp
  • Tăng tác dụng của thuốc tê, thuốc mê và phòng dị ứng

2.Có những loại thuốc tiền mê nào?


Thuốc thuộc nhóm henothiazin có thể histamin và an thần mạnh
Thuốc thuộc nhóm henothiazin có thể histamin và an thần mạnh

2.1. Nhóm thuốc an thần

  • Nhóm thuốc Benzodiazepin: Đây là nhóm thuốc có tác dụng an thần, giảm căng thẳng, kích động, lo âu và gây ngủ. Các thuốc trong nhóm sẽ gắn với các thụ thể benzodiazepine ở hệ thần kinh trung ương và các cơ quan ngoại vi đặc biệt. Thụ thể benzodiazepine trên hệ thần kinh trung ương có liên quan chặt chẽ với thụ thể của acid gamma aminobutyric (GABA), một chất dẫn truyền thần kinh gây ức chế ở não. Sau khi gắn với thụ thể benzodiazepin, các thuốc sẽ làm tăng khả năng gắn GABA vào thụ thể GABA, gây tăng cường tác dụng ức chế thần kinh trung ương. Một số thuốc thuộc nhóm Benzodiazepin thường được sử dụng để làm thuốc tiền mê như: Diazepam, Midazolam tiêm tĩnh mạch.
  • Nhóm Barbiturat: Các thuốc thuộc nhóm Barbiturat có tác dụng tăng cường ức chế synap của acid gamma aminobutyric (GABA) ở não gây ức chế thần kinh trung ương, về cơ chế các thuốc này có những điểm tương đồng với các benzodiazepin. Tuy nhiên, so với các thuốc nhóm Benzodiazepin thì các thuốc Barbiturat có tính chọn lọc kém hơn. Các thuốc nhóm barbiturat được sử dụng trong tiền mê do tác dụng an thần, gây ngủ. Tuy nhiên ngày nay nhóm thuốc này ít được dùng trong tiền mê phẫu thuật mà chủ yếu dùng an thần trong các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có can thiệp. Thuốc thường được sử dụng là phenobarbital, dùng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.
  • Nhóm Phenothiazin: Các thuốc nhóm Phenothiazin có tác dụng kháng histamin và an thần mạnh. Tác dụng kháng histamin giúp làm giảm hoặc loại bỏ nguy cơ dị ứng của bệnh nhân có tiền sử dị ứng do thuốc gây ra. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng giảm ho, chống nôn. Các thuốc tiền mê nhóm Phenothiazin thường được sử dụng là Alimemazin, Promethazin, Clopromazin.

Thuốc morphin là thuốc giảm đau mạnh nhất
Thuốc morphin là thuốc giảm đau mạnh nhất

2.2. Nhóm thuốc giảm đau trung ương

Các thuốc giảm đau trung ương được dùng làm thuốc tiền mê do giúp giảm đau mạnh (thuốc làm thay đổi cảm nhận đau và làm tăng ngưỡng đau), an thần, gây ngủ. Các thuốc giảm đau trung ương thường là các dẫn xuất từ opioid hoặc các chất bán tổng hợp loại opi. Một số thuốc được sử dụng phổ biến là:

  • Morphin: là thuốc giảm đau mạnh, có thể dùng trong đau cấp tính và đau mạn tính, dùng làm thuốc tiền mê và trong chấn thương.
  • Fentanyl: được dùng làm thuốc tiền mê theo đường tiêm để giảm lo âu và tiết nhiều mồ hôi trước khi mổ. Thuốc cũng được dùng để bổ sung cho gây mê toàn thân hoặc gây tê cục bộ. Fentanyl cũng có ích trong việc chuẩn bị cho các phẫu thuật nhỏ hoặc phẫu thuật ngắn ở bệnh nhân ngoại trú, các thủ thuật chẩn đoán hay trị liệu đòi hỏi bệnh nhân phải tỉnh táo hay chỉ cần vô cảm rất nông.
  • Pethidin: được dùng để giảm đau trong các thể đau vừa và nặng, được sử dụng rộng rãi trong giảm đau sản khoa, là thuốc tiền mê và phụ trợ cho gây mê.

2.3. Nhóm thuốc giảm tiết

Giúp giảm bài tiết tuyến nước bọt và phế quản, đồng thời giảm tiết dịch dạ dày nhằm đề phòng nguy cơ bệnh nhân hít phải dịch dạ dày trong quá trình mê. Thuốc thường được sử dụng là Atropin. Liều tiền mê ở người lớn là từ 0.2-1mg tiêm bắp hoặc tiêm dưới da 30-60 phút trước khi gây mê.

3.Thuốc tiền mê được sử dụng như thế nào?


Người mắc các bệnh mạn tính có thể được chỉ định sử dụng thuốc tiền mê
Người mắc các bệnh mạn tính có thể được chỉ định sử dụng thuốc tiền mê

Để chỉ định thuốc tiền mê cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ thực hiện khám tiền mê. Các yếu tố bác sĩ sẽ cân nhắc để lựa chọn thuốc tiền mê phù hợp với người bệnh là:

  • Các chỉ số về tim mạch, huyết áp, hệ hô hấp, tuần hoàn của người bệnh.
  • Người bệnh có đang mắc các bệnh mạn tính nào không?
  • Người bệnh có bị lo âu, căng thẳng thần kinh không, mức độ căng thẳng như thế nào?
  • Giới tính, độ tuổi, có đang mang thai hay không (đối với bệnh nhân nữ).

Sử dụng thuốc tiền mê giúp quá trình gây mê và cuộc mổ diễn ra thuận lợi hơn. Nhưng để thực hiện tiền mê thành công cần sự thăm khám cẩn trọng, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của bác sĩ gây mê.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn thực hành gây mê phẫu thuật an toàn theo các hướng dẫn quốc tế. Vinmec có đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng gây mê giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại như: máy dò thần kinh, máy siêu âm, hệ thống kiểm soát đường thở khó của Karl Storz, hệ thống theo dõi gây mê toàn diện AoA (Adequate of Anesthesia) của GE bao gồm theo dõi độ mê, độ đau và độ giãn cơ sẽ mang lại chất lượng cao và an toàn, giúp bệnh nhân gây mê vừa đủ, không thức tỉnh, không tồn dư thuốc giãn cơ sau mổ. Đặc biệt, các bệnh nhân cũng được thực hiện khám tiền mê để lựa chọn thuốc tiền mê phù hợp.

Hệ thống Y tế Vinmec cũng tự hào là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ký kết với Hiệp hội Gây mê Thế giới (WFSA) hướng đến mục tiêu trở thành bệnh viện an toàn nhất về gây mê phẫu thuật tại Đông Nam Á.

Bác sĩ Ngát có kinh nghiệm trên 15 năm làm bác sĩ Gây mê hồi sức tại các Bệnh viện: Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Bộ công an, Bệnh viện Tâm Trí Đà Nẵng. Hiện tại, đang là Bác sĩ gây mê Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe