Thuốc Stogurad có tác dụng gì?

Thuốc Stoguard có hoạt chất chính là sulpirid, một chất chẹn thụ thể D2 ở não nhờ đó có tác dụng chống rối loạn tâm thần. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho quý đọc giả một số thông tin tổng quát về loại thuốc này.

1. Thuốc stoguard có tác dụng gì?

Thuốc stoguard chứa thành phần chính là Sulpirid với hàm lượng 50mg. Sulpirid thuộc nhóm benzamid, có tác dụng phong bế chọn lọc các thụ thể dopamin D2 ở não nhờ đó có khả năng chống rối loạn tâm thần. Sulpirid có thể được xem như một thuốc trung gian giữa thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần kinh. Trái với đa số các thuốc an thần kinh khác phong bế cả hai loại thụ thể dopamin D1 và D2, sulpirid có tác dụng chọn lọc hơn trên thụ thể dopamin D2. Sulpirid không có tác dụng đến các thụ thể như histamin, norepinephrin, serotonin, acetylcholin, hoặc acid gamma aminobutyric (GABA). Thuốc stoguard được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:

  • Điều trị triệu chứng lo âu ở người lớn
  • Rối loạn hành vi nghiêm trọng ở trẻ em trên 6 tuổi

2. Liều dùng của thuốc Stogurad

Thuốc Sotgurad được dùng bằng đường uống. Liều dùng cụ thể trong từng trường hợp như sau:

  • Người lớn: Điều trị triệu chứng lo âu với liều thông thường là 50 - 150 mg/ngày trong tối đa 4 tuần.
  • Trẻ em bị rối loạn hành vi nặng: Liều thông thường là uống 5 - 10 mg/kg/ngày. Ở trẻ em nên sử dụng các dạng dung dịch uống sẽ phù hợp hơn.

Liều dùng trên chỉ có tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào tình trạng và độ nặng của bệnh. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nhân viên y tế để có liều dùng phù hợp.


Thuốc Stogurad là loại thuốc có khả năng chống rối loạn tâm thần
Thuốc Stogurad là loại thuốc có khả năng chống rối loạn tâm thần

3. Làm gì khi dùng quá liều Stogurad?

Dữ liệu về việc quá liều sulpirid hiện không nhiều. Khi quá liều thuốc có thể gây ra tình trạng loạn động với loạn trương lực cơ ở lưỡi và cứng hàm. Một số bệnh nhân có hội chứng giống Parkinson nặng hơn, hội chứng an thần kinh. Không có thuốc giải độc đặc hiệu khi bị ngộ độc sulpirid, chủ yếu là điều trị triệu chứng bao gồm hồi sức tim mạch, hỗ trợ hô hấp, theo dõi bệnh nhân liên tục. Nếu xuất hiện dấu hiệu hội chứng ngoại tháp nặng, có thể sử dụng thuốc kháng cholinergic.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Stogurad là gì?

Tác dụng phụ của thuốc Stogurad bao gồm:

Thường gặp, ADR ≥ 1/100

  • Nội tiết: Tăng tiết prolactin, tăng tiết sữa, rối loạn kinh nguyệt
  • Thần kinh: Mất ngủ hoặc buồn ngủ, triệu chứng Parkinson, run,.
  • Da và các mô dưới da: Nổi ban dát sẩn.
  • Gan: Tăng men gan.
  • Hệ sinh dục: Đau vú.
  • Khác: Tăng cân.

Ít gặp, 1/1.000 ≤ ADR < 1/100

  • Máu: Giảm bạch cầu.
  • Thần kinh: Rối loạn vận động, tăng trương lực cơ, rối loạn trương lực cơ.
  • Tim mạch: Khoảng QT kéo dài (gây loạn nhịp, xoắn đỉnh), hạ huyết áp thế đứng
  • Tiêu hóa: Tăng tiết nước bọt.
  • Hệ sinh dục và tuyến vú: Vú to, mất kinh, bất thường cực khoái, rối loạn chức năng cương dương.

Hiếm gặp, 1/10.000 ≤ ADR < 1.000

  • Nội tiết: Vú to ở nam giới.
  • Thần kinh: Cơn vận nhãn, loạn vận động muộn.
  • Tim mạch: chậm nhịp tim hoặc loạn nhịp
  • Khác: Hạ thân nhiệt, nhạy cảm với ánh sáng

Chưa rõ tần suất

  • Máu: mất bạch cầu hạt.
  • Tâm thần: Lú lẫn.
  • Thần kinh: giảm khả năng vận động, hội chứng an thần kinh ác tính, rối loạn vận động muộn, co giật.
  • Tim mạch: ngừng tim, xoắn định, đột tử.
  • Mạch máu: huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi
  • Cơ xương khớp: Vẹo cổ, cứng hàm.
  • Khác: Triệu chứng ngoại tháp, hội chứng cai thuốc ở trẻ sơ sinh khi mẹ dùng thuốc, sốc phản vệ, khó thở, mày đay, hạ huyết áp và sốc phản vệ

Thuốc Stogurad có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người sử dụng
Thuốc Stogurad có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người sử dụng

5. Chống chỉ định của thuốc

Chống chỉ định thuốc Sotgurad trong các trường hợp sau:

  • Quá mẫn với sulpirid hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp.
  • Có khối u phụ thuộc prolactin
  • U tế bào ưa crom
  • Thần kinh trung ương bị ức chế, hôn mê, ngộ độc thuốc ức chế thần kinh và rượu.
  • Đang dùng các thuốc như levodopa, ropinirol và quinagolid

6. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Stogurad

  • Sự gia tăng kích thích vận động đã được báo cáo khi dùng liều cao Stogurad ở một số bệnh nhân. Bên cạnh đó, trong giai đoạn kích thích của diễn tiến bệnh, sulpirid liều thấp có thể làm nặng thêm triệu chứng của bệnh.
  • Phản ứng ngoại tháp, chủ yếu là chứng ngồi hay nằm không yên được báo cáo ở một số ít trường hợp.
  • Huyết khối tĩnh mạch: Một số trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch khi điều trị với thuốc chống loạn thần đã được báo cáo. Vì bệnh nhân điều trị với thuốc chống loạn thần thường có những yếu tố nguy cơ huyết khối kèm theo. Do vậy cần xác định tất cả những nguy cơ có thể có của huyết khối tĩnh mạch trước khi và trong khi điều trị với sulpirid và áp dụng các biện pháp phòng ngừa huyết khối phù hợp.
  • Ung thư vú: Sulpirid có thể làm tăng nồng độ prolactin, do đó nên cẩn trọng ở những bệnh nhân có tiền sử hoặc tiền sử gia đình bị ung thư vú
  • Bệnh nhân lớn tuổi: Người cao tuổi nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ như hạ huyết áp tư thế, an thần và phản ứng ngoại tháp. Thuốc có thể làm tăng tỉ lệ tử vong ở người cao tuổi bị mất trí nhớ. Thông tin từ hai nghiên cứu quan sát lớn cho thấy người cao tuổi bị mất trí nhớ được điều trị với thuốc chống loạn thần có sự gia tăng nhỏ tỉ lệ tử vong. Chưa có thông tin để đưa ra ước đoán chính xác về nguy cơ và nguyên nhân làm tăng nguy cơ vẫn chưa rõ. Nhìn chung, sulpirid cũng như với các thuốc an thần khác, nên được sử dụng một cách thận trọng ở những bệnh nhân cao tuổi.
  • Ở trẻ em: Hiệu quả và an toàn của sulpirid vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ ở nhóm đối tượng này, vì vậy nên cần thận trọng khi dùng thuốc Stogurad cho trẻ em.
  • Động kinh: Thuốc an thần có thể làm giảm ngưỡng động kinh. Tình trạng co giật đã được báo cáo trên một số bệnh nhân không có tiền sử bệnh. Nên thận trọng khi dùng thuốc cho những bệnh nhân động kinh không ổn định và bệnh nhân có tiền sử động kinh. Bệnh nhân cần sử dụng sulpirid trong khi đang điều trị với thuốc chống động kinh, không nên thay đổi liều thuốc chống động kinh.
  • Sulpirid có tác dụng kháng cholinergic và do vậy cần phải cẩn thận ở bệnh nhân có tiền sử tăng nhãn áp, hẹp đường tiêu hóa bẩm sinh, bí tiểu tắc ruột hoặc tăng sản tuyến tiền liệt.
  • Kéo dài khoảng QT: Sulpirid có thể gây kéo dài khoảng QT và có thể dẫn tới loạn nhịp thất nghiêm trọng như xoắn đỉnh. Trước khi sử dụng thuốc và tùy vào tình trạng lâm sàng của bệnh nhân nên theo dõi các yếu tố thuận lợi cho sự xuất hiện rối loạn nhịp tim, bao gồm: nhịp tim chậm hơn 55 nhịp/phút, rối loạn điện giải đặc biệt là hạ kali huyết, kéo dài khoảng QT bẩm sinh, điều trị với các thuốc dễ làm chậm nhịp tim,...Sulpirid nên được sử dụng cẩn thận trên bệnh nhân có những yếu tố trên và những bệnh nhân có rối loạn tim mạch có thể dẫn đến QT kéo dài.
  • Sulpirid nên được sử dụng thận trọng ở bệnh nhân tăng huyết áp, đặc biệt là ở nhóm bệnh nhân cao tuổi do nguy cơ gây ra cơn tăng huyết áp.
  • Phải theo dõi glucose huyết ở bệnh nhân đái tháo đường hoặc có nguy cơ đái tháo đường khi bắt đầu điều trị sulpirid.
  • Suy thận: Đối với bệnh nhân suy thận, cần giảm liều sulpirid và thường xuyên theo dõi. Nếu suy thận nặng, nên cho điều trị thuốc theo từng đợt gián đoạn.
  • Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Sulpirid có tác dụng an thần nên có thể gây ảnh hưởng đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc. Do đó bệnh nhân cần thận trọng trong thời gian dùng thuốc.
  • Thời kỳ mang thai: Nghiên cứu ở động vật không chỉ ra những tác động bất lợi trực tiếp hay gián tiếp của thuốc đến sự phát triển của phôi thai và/hoặc sự phát triển sau khi sinh. Hiện tại thông tin về việc dùng thuốc khi mang thai còn hạn chế. Do vậy, không khuyến cáo sử dụng sulpirid khi mang thai do vẫn còn thiếu thông tin.
  • Thời kỳ cho con bú: Sulpirid đã được tìm thấy trong sữa mẹ vì vậy không nên cho con bú khi đang dùng thuốc.

Tương tác thuốc: Stogurad có thể tương tác với nhiều thuốc khác và gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Vì thế, trước khi dùng hãy đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và trao đổi với bác sĩ, dược sĩ.

Tóm lại, Stogurad là có thể được chỉ định để điều trị rối loạn lo âu ở người lớn và rối loạn hành vi nghiêm trọng ở trẻ em trên 6 tuổi. Thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, do đó bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc mà cần tham khảo ý kiến nhân viên y tế trước khi sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe