Thuốc Sotalol: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Sotalol được dùng để điều trị nhịp tim không đều. Sotalol nằm trong nhóm thuốc chống rối loạn nhịp tim. Nó hoạt động bằng cách tác động lên cơ tim nhằm cải thiện nhịp tim. Sotalol có dạng viên uống. Sotalol (Betapace) thường được dùng hai lần một ngày và sotalol (Betapace AF) thường được sử dụng một hoặc hai lần một ngày. Bài viết sau sẽ công cấp thông tin về công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng thuốc Sotalol.

Sotalol kiểm soát tình trạng nhịp tim không đều của bạn nhưng không có tác dụng chữa khỏi nó. Tiếp tục dùng sotalol ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe mạnh. Đừng ngừng dùng sotalol mà chưa nói chuyện với bác sĩ của bạn. Nếu dừng sotalol đột ngột, nó có thể gây nên đau ngực hoặc đau tim. Uống sotalol một cách nhất quán, cùng với thức ăn hoặc không có thức ăn với mỗi lần uống. Thực hiện theo đúng chỉ dẫn trên nhãn thuốc của bạn một cách cẩn thận và yêu cầu bác sĩ hoặc dược sĩ giải thích bất kỳ phần nào mà bạn không hiểu. Không nên dùng nhiều hơn hoặc ít hơn hoặc uống thường xuyên hơn so với quy định của bác sĩ.

1. Những điều cần biết về thuốc sotalol

Sotalol thuộc về một nhóm thuốc và được gọi là thuốc chẹn beta. Nó được sử dụng để điều trị rung tâm nhĩ và các tình trạng khác gây ra nhịp tim không đều. Thuốc này chỉ có sẵn theo đơn.

  • Sotalol làm chậm nhịp tim của bạn và giúp tim bơm máu đi khắp cơ thể dễ dàng hơn.
  • Liều sotalol đầu tiên sử dụng có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt, vì vậy hãy uống trước khi đi ngủ. Sau đó, nếu không cảm thấy chóng mặt thì có thể uống vào buổi sáng.
  • Thông thường bạn nên dùng sotalol một lần một ngày, vào buổi sáng - hoặc hai lần một ngày, vào buổi sáng và buổi tối.
  • Các tác dụng phụ chính của sotalol là cảm thấy chóng mặt hoặc hoa mắt, cảm thấy mệt mỏi, tiêu chảy hoặc đau đầu - những tác dụng này thường nhẹ và chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Bạn có nhiều khả năng bị tác dụng phụ nếu bạn đang sử dụng sotalol với liều lượng quá cao.

2. Những ai có thể và không thể uống sotalol

Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi thì đều có thể dùng Sotalol. Trẻ em dưới 12 tuổi cũng có thể dùng thuốc này nhưng cần tuân theo chỉ dẫn của các bác sĩ.

Để đảm bảo sử dụng thuốc một cách an toàn, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu dùng sotalol nếu bạn đã từng :

  • Đã từng có phản ứng dị ứng với sotalol hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác
  • Huyết áp thấp hoặc nhịp tim chậm
  • Mắc bệnh suy tim và đang trở nên tồi tệ hơn, bệnh tim hoặc gần đây bạn đã bị đau tim
  • Bất kỳ vấn đề nào với thận
  • Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) - sotalol có thể khiến cho bạn khó nhận ra các dấu hiệu cảnh báo có quá nhiều hormone tuyến giáp trong cơ thể (nhiễm độc giáp)
  • Vấn đề lưu thông máu nghiêm trọng ở tay chân (chẳng hạn như hiện tượng raynaud), có thể làm cho ngón tay và ngón chân của bạn ngứa ran hoặc chuyển sang màu tái nhợt hoặc xanh lam
  • Nhiễm toan chuyển hóa - khi có quá nhiều axit ở trong máu của bạn
  • Bệnh phổi hoặc hen suyễn nặng
  • Tiêu chảy nặng

Thuốc Sotalol được sử dụng để điều trị rung tâm nhĩ và các tình trạng khác gây ra nhịp tim không đều
Thuốc Sotalol được sử dụng để điều trị rung tâm nhĩ và các tình trạng khác gây ra nhịp tim không đều

3. Dùng thuốc sotalol như thế nào và khi nào ?

Thông thường người bệnh nên dùng sotalol một hoặc hai lần một ngày. Bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân nên dùng liều đầu tiên trước khi đi ngủ, vì nó có thể khiến họ cảm thấy chóng mặt. Sau liều đầu tiên, nếu không cảm thấy chóng mặt, người bệnh có thể uống sotalol vào buổi sáng. Nếu được chỉ định uống thuốc hai lần một ngày, hãy cố gắng uống vào buổi sáng và buổi tối.

3.1. Liều lượng

Liều thông thường của sotalol là từ 80mg đến 320 mg một ngày. Nếu người bệnh cảm thấy nhịp tim không đều vài lần trong ngày, bác sĩ có thể kê đơn liều hàng ngày cao hơn lên đến 640mg.

Nếu người bệnh lớn tuổi hơn hoặc có vấn đề về thận, bác sĩ có thể cho họ dùng liều thấp hơn.

Người bệnh có thể uống sotalol cùng với thức ăn hoặc không, nhưng tốt nhất là nên uống cùng một cách vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Nuốt cả viên với nước uống. Một số nhãn hiệu có vạch chia để giúp người bệnh bẻ viên thuốc để dễ nuốt hơn.

3.2. Làm gì nếu bỏ lỡ một liều sotalol

Nếu bạn bỏ lỡ một liều sotalol, hãy uống ngay khi nhớ ra, trừ khi gần đến thời gian dùng liều tiếp theo. Ở trường hợp này, chỉ cần bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo như bình thường. Không được dùng 2 liều cùng một lúc. Đừng bao giờ dùng thêm một liều để bù đắp cho một liều mình đã quên.

Nếu bạn thường xuyên quên liều, việc đặt báo thức để nhắc bạn có thể là một cách hữu ích. Bạn cũng có thể đi hỏi dược sĩ để được tư vấn về những cách khác để giúp bạn nhớ uống thuốc.

3.3. Làm gì nếu uống quá nhiều sotalol

Khi uống quá nhiều sotalol có thể làm chậm nhịp tim và gây khó thở. Nó cũng có thể gây nên tình trạng chóng mặt và run rẩy. Lượng sotalol có khả năng dẫn đến quá liều khác nhau ở mỗi người.


Nếu không cảm thấy chóng mặt, người bệnh có thể uống sotalol vào buổi sáng
Nếu không cảm thấy chóng mặt, người bệnh có thể uống sotalol vào buổi sáng

4. Tác dụng phụ của thuốc sotalol

Giống như tất cả các loại thuốc khác, sotalol có thể gây ra tác dụng phụ ở một số người nhưng nhiều người không có tác dụng phụ hoặc chỉ là nhẹ. Các tác dụng phụ thường được cải thiện khi cơ thể bạn quen với thuốc.

4.1. Các tác dụng phụ thường gặp

Những tác dụng phụ phổ biến này thường xảy ra ở hơn 1 trong 100 người. Chúng thường nhẹ và tồn tại trong thời gian ngắn, bao gồm :

  • Đau đầu
  • Cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt hoặc yếu
  • Tay hoặc chân lạnh
  • Cảm giác buồn nôn, nôn
  • Tiêu chảy

4.2. Tác dụng phụ nghiêm trọng

Những tác dụng phụ nghiêm trọng hiếm khi xảy ra, nhưng cũng không thể loại trừ, bao gồm :

  • Khó thở kèm theo ho, nặng hơn khi tập thể dục (như đi bộ lên cầu thang), mắt cá chân hoặc chân bị sưng, đau ngực, nhịp tim không đều - đây có thể là những dấu hiệu của các vấn đề về tim
  • Khó thở, thở khò khè và tức ngực, đây là dấu hiệu của các vấn đề về phổi
  • Đánh trống ngực và ngứa ran, tê hoặc chuột rút ở cánh tay và chân của bạn - đây là những dấu hiệu của nồng độ kali hoặc magiê thấp
  • Cảm thấy rất khát và đổ mồ hôi nhiều mà không có lý do rõ ràng - đây có thể là dấu hiệu của lượng đường trong máu thấp hoặc cao (hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết).

5. Cách đối phó với tác dụng phụ

  • Nhức đầu - hãy đảm bảo rằng bạn nghỉ ngơi và uống nhiều nước lên. Không uống quá nhiều rượu. Yêu cầu dược sĩ giới thiệu cho bạn một loại thuốc giảm đau. Đau đầu thường sẽ biến mất sau tuần đầu tiên dùng sotalol. Nói chuyện với bác sĩ nếu cơn đau đầu của bạn kéo dài hơn một tuần hoặc nghiêm trọng.
  • Cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt hoặc yếu - nếu sotalol khiến bạn cảm thấy chóng mặt hoặc yếu, hãy dừng việc bạn đang làm và ngồi hoặc nằm xuống cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn. Không nên lái xe hoặc sử dụng các công cụ hoặc máy móc nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi. Không được uống rượu vì nó sẽ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn.
  • Bàn tay hoặc bàn chân lạnh, đặt bàn tay hoặc bàn chân của bạn dưới vòi nước ấm, sau đó xoa bóp chúng và lắc các ngón tay và ngón chân của bạn. Không hút thuốc hoặc uống đồ uống có caffein vì những chất này có thể làm cho mạch máu của bạn thu hẹp lại và hạn chế lưu lượng máu. Hút thuốc cũng khiến da bạn lạnh hơn. Hãy thử đi găng tay (chúng ấm hơn găng tay) và tất ấm. Không nên đeo đồng hồ hoặc vòng tay quá chặt.
  • Cảm hoặc bị ốm (nôn mửa) - ăn những bữa ăn đơn giản và không ăn thức ăn nhiều gia vị. Uống sotalol sau khi ăn xong có thể rất hữu ích. Nếu bạn đang bị ốm, hãy uống từng ngụm nước nhỏ thường xuyên.
  • Tiêu chảy - uống nhiều nước hoặc những chất lỏng khác. Hãy nói chuyện với dược sĩ nếu bạn có dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như đi tiểu ít hơn bình thường hoặc đi tiểu sẫm màu, có mùi nồng. Không dùng bất kỳ loại thuốc nào khác để điều trị bệnh tiêu chảy mà không nói chuyện với dược sĩ hoặc bác sĩ.

Đau đầu thường sẽ biến mất sau tuần đầu tiên dùng sotalol
Đau đầu thường sẽ biến mất sau tuần đầu tiên dùng sotalol

6. Sử dụng thuốc sotalol cho bà mẹ mang thai và cho con bú

Sotalol thường không được khuyến cáo sử dụng cho các bà mẹ trong thời kỳ mang thai hoặc khi cho con bú. Nếu bạn đang cố gắng mang thai hoặc bạn đã mang thai thì hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về những lợi ích và tác hại có thể có của việc dùng sotalol.

Sotalol đi vào sữa mẹ và có liên quan tới các tác dụng phụ ở trẻ bú sữa mẹ. Trao đổi với các bác sĩ, vì có những loại thuốc khác có thể tốt hơn khi bạn đang cho con bú.

7. Thận trọng khi dùng chung với các loại thuốc khác

Có một số loại thuốc có khả năng cản trở cách thức hoạt động của sotalol. Thông báo cho các bác sĩ biết nếu bạn đang sử dụng :

  • Các loại thuốc có thể gây ra nhịp tim bất thường - bao gồm một số thuốc kháng sinh, như clarithromycin và erythromycin, và một số thuốc chống trầm cảm, như citalopram và amitriptyline
  • Các loại thuốc khác được sử dụng để điều trị nhịp tim không đều, chẳng hạn như amiodarone
  • Thuốc điều trị huyết áp cao như diltiazem và verapamil
  • Các loại thuốc có thể làm giảm nồng độ kali của bạn - bao gồm các loại thuốc làm cho bạn buồn tiểu, như furosemide và một số steroid, như prednisolone
  • Thuốc điều trị bệnh hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (copd)
  • Thuốc trị dị ứng gồm: ephedrine, noradrenaline hoặc adrenaline

Nằm trong nhóm thuốc chống rối loạn nhịp tim, sotalol thường được sử dụng để điều trị những trường hợp nhịp tim không đều. Đặc biệt sotalol còn được chỉ định để điều trị chứng loạn nhịp thất đe doạ tính mạng người bệnh, chẳng hạn như nhịp nhanh thất kéo dài. Sotalol giúp làm chậm nhịp tim và giúp tim đập bình thường cũng như đều đặn hơn. Chúng vừa là thuốc chẹn beta vừa là thuốc chống loạn nhịp tim.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, nhs.uk, rxlist.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe