Thuốc nam chữa bệnh mạch vành có hiệu quả không?

Bệnh mạch vành nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy tim, đột quỵ, ... Ngoài việc điều trị bằng Y Học Hiện Đại thì việc chữa bệnh mạch vành bằng Đông y vẫn giữ vai trò quan trọng. Cùng tìm hiểu xem thuốc nam chữa bệnh mạch vành có hiệu quả không qua bài viết dưới đây.

1. Bệnh mạch vành là gì?

Bệnh mạch vành là tình trạng một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hoặc cản trở do các mảng bám tích tụ bên trong lòng mạch. Các động mạch bị hẹp và cứng, mất tính đàn hồi và có sự tích tụ các mảng bám gọi là chứng xơ vữa động mạch. Khi bệnh tiến triển, sự lưu thông của dòng máu qua lòng mạch bị cản trở, dẫn đến tim không nhận đủ lượng máu và oxy, gây ra đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim.

Bệnh mạch vành thường do nhiều yếu tố gây ra như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, mỡ máu cao,...

Bệnh mạch vành có thể được phòng ngừa và làm chậm diễn biến bằng cách thay đổi lối sống (tuyện tập thể dục, bỏ thuốc lá, thay đổi chế độ ăn,...). Trong những trường hợp thay đổi lối sống không đủ để làm chậm diễn tiến bệnh mạch vành, bệnh nhân sẽ được sử dụng các loại thuốc phù hợp. Bên cạnh sử dụng thuốc tây y thì chữa bệnh mạch vành bằng Đông y đem lại nhiều hiệu quả tốt.

2. Hiệu quả của điều trị bệnh mạch vành bằng thuốc Đông y

Từ xa xưa, nhiều phương pháp điều trị bệnh mạch vành bằng thuốc Đông y hiệu quả đã được lưu truyền qua các thế hệ. Hiện nay, các nghiên cứu y học hiện đã chứng minh hiệu quả của các cây thuốc nam chữa bệnh mạch vành trong việc giãn mạch, giảm Cholesterol máu, ngăn chặn sự hình thành và phát triển của các mảng xơ vữa, cục máu đông. Chữa bệnh mạch vành bằng Đông y có thể cải thiện từ căn nguyên bệnh mạch vành một cách an toàn.

Với ưu điểm an toàn và hiệu quả, thuốc nam chữa bệnh mạch vành được nhiều bệnh nhân lựa chọn sử dụng lâu dài để hồi phục chức năng tim.

Theo thống kê tại Trung Quốc, hơn 71.2% người bệnh điều trị bệnh mạch vành bằng việc kết hợp giữa Y Học Hiện Đại và Y Học Cổ Truyền. Những bệnh nhân sử dụng thuốc nam chữa bệnh mạch vành có xu hướng giảm liều thuốc tây và có hiệu quả cao hơn so với nhóm chỉ dùng đơn độc thuốc tây.

Hiệu quả chữa trị bệnh mạch vành bằng Đông y được nâng cao khi dùng phối hợp giữa các cây thuốc nam với nhau, tức là dạng bài thuốc.

3. Các loại thuốc nam chữa bệnh mạch vành

3.1. Mộc nhĩ trắng

Mộc nhĩ trắng hay còn được gọi là nấm tuyết, có tên khoa học là tremella fuciformis. Mộc nhĩ trắng là một nguyên liệu nấu ăn được sử dụng ở Việt Nam. Mộc nhĩ trắng chứa nhiều vitamin A, các vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin D, các loại protein, lipid và glucid. Đồng thời, mộc nhĩ trắng chứa nhiều khoáng chất cần thiết cho cơ thể như kẽm, canxi, đồng, kalli, natri, magie, phospho, ...

Trong Đông y, mộc nhĩ trắng là một vị thuốc có tính bình, vị ngọt, có tác dụng nhuận phế, tân sinh, dưỡng vị. Mộc nhĩ trắng kết hợp với đường trắng là một bài thuốc chữa bệnh mạch vành bằng Đông y hiệu quả giúp giảm mỡ máu, hạ đường huyết, giảm tắc nghẽn mạch vành.

3.2. Mộc nhĩ đen

Mộc nhĩ đen hay còn được biết đến với các tên khác như nấm tai mèo, nấm mèo, vân nhĩ, mộc chu, mộc tung, nhĩ tử,... Mộc nhĩ đen có tên khoa học là Auricularia auricula. Mộc nhĩ đen là một nguyên liệu phổ biến trong bữa ăn của người Việt Nam. Mộc nhĩ đen có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều chất đạm, béo, bột đường và các khoáng chất khác như canxi, sắt, phospho, carotene,...

Ngoài ra, mộc nhĩ đen có tác dụng chống oxy hóa, hạ đường máu, giảm mỡ máu, chống viêm, chống đông máu,... Vì vậy, mộc nhĩ đen được xem là một bài thuốc nam chữa bệnh mạch vành hiệu quả.

3.3. Sơn tra – mật ong

Quả sơn tra hay còn được gọi là bắc sơn tra, nam sơn tra, dã sơn tra, có tên khoa học là crataegus pinnatifida bunge hoặc crataegus cuneata sieb et zucc. Quả sơn tra chứa nhiều acid citric, vitamin C, cacbon hydrate và protid, tanin, chất đường, acid hữu cơ,... Mật ong có tính bình, vị ngọt, có tác dụng tăng tiết vị dạ dày, bổ trung, nhuận tràng, giải độc gan. Sơn tra kết hợp cùng mật ong là một bài thuốc điều trị bệnh mạch vành bằng thuốc Đông y hiệu quả với việc làm giảm mỡ máu.

3.4. Củ năng – nấm hương

Tên khoa học là của củ năng là Heleocharis plantaginea R. Br. Củ năng chứa nhiều nước, tinh bột, đạm, mỡ và các khoáng chất. Đặc biệt, củ năng chứa Puchiin có tác dụng kháng một số vi khuẩn không chịu nhiệt. Nấm hương có hàm lượng cao chất đạm, chất béo, sắt, canxi, các khoáng chất khác, 30 loại enzyme,... và có tác dụng bổ tỳ, ích khí, hòa đàm, ích vị, giảm cholesterol máu, hạ đường huyết. Kết hợp củ năng cùng nấm hương là một bài thuốc nam chữa bệnh mạch vành hiệu quả.

3.5. Đan sâm

Đan sâm là cây cỏ sống lâu năm, cao khoảng 30 - 80cm. Đâm là một cây thuốc nam chữa bệnh mạch vành hiệu quả. Đan sâm có tác dụng ức chế ngưng tập tiểu cầu, chống huyết khối, tăng lưu thông máu, bảo vệ tim, từ đó dẫn đến giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, tắc nghẽn mạch vành, nhồi máu cơ tim. Rễ đan sâm có tác dụng hoạt huyết, bổ huyết

3.6. Tam thất bắc

Tam thất bắc là một cây thuốc bổ dùng thay nhân sâm, có vị ngọt hơi đắng, tính ôn, có tác dụng hóa ứ, cầm máu, tiêu sung và giảm đau. Trong tam thất bắc có chứa noto ginsenosid có tác dụng giãn mạch, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, bảo vệ tim, giúp hạn chế tổn thương ở não do thiếu máu,... Tam thất là cây thuốc nam chữa bệnh mạch vành hiệu quả với vai trò giảm thời gian và tần suất đau thắt ngực, cải thiện vi tuần hoàn tim, giảm rối loạn nhịp, ngăn xơ vữa động mạch, hạ huyết áp, giảm căng thẳng thần kinh, tăng khả năng tập trung, tăng cường trí nhớ, tăng cường miễn dịch, bồi bổ cơ thể,...

3.7. Cây dâm bụt

Trong Đông y, lá dâm bụt có tính bình, vị nhạt, nhớt, có tác dụng làm dịu, an thần, nhuận tràng, chữa viêm niêm mạc dạ dày, ruột, đại tiện ra máu, mụn nhọt, ghẻ lở, mộng tinh, kiết lỵ, đới hạ. Hoa dâm bụt có tính bình, vị ngọt giúp thanh nhiệt giải độc, sát trùng, lợi tiểu, rối loạn kinh nguyệt, khó ngủ, hồi hộp,...

Chiết xuất từ cây dâm bụt có chứa các chất chống oxy hóa có hiệu quả trong kiểm soát huyết áp cao. Kết hợp cây dâm bụt với rượu vang đỏ và chè là một bài thuốc chữa bệnh mạch vành bằng Đông y với hiệu quả giảm cholesterol máu.

3.8. Cây dong riềng đỏ

Cây dong riềng đỏ hay còn có tên gọi khác là khoai đao, chuối củ, khương vu, khoai riềng, có tên khoa học là Canna edulis red. Cây dong riềng đỏ có tính mát, vị nhạt, có tác dụng tốt với tim mạch. Cây dong riềng đỏ chữa bệnh mạch vành là một bài thuốc hiệu quả với tác dụng giãn mạch, hạ huyết áp, tăng tưới máu cơ tim, chống suy mạch vành, dự phòng các cơn nhồi máu cơ tim ở người có nguy cơ cao, hỗ trợ điều trị suy tim, an thần, giảm hồi hộp, khó thở, đau thắt ngực, đánh trống ngực,...

Ngoài ra, một số cây thuốc nam chữa bệnh mạch vành có hiệu quả tốt được biết đến khác là bạch quả, lá sen (giúp hạ Cholesterol máu, hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch), tỏi đen (tăng sức đề kháng, bảo vệ tế bào, trung hòa gốc tự do, kích thích tiêu hóa, ăn ngon, ngủ ngon, điều trị mỡ máu, gan nhiễm mỡ,...).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe