Khi da bị tổn thương có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm vì đây là cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể trước môi trường và sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh. Thuốc mỡ kháng sinh dùng bôi ngoài da thường được kê đơn khi có các vết thương nông, ít nguy hiểm để phòng biến chứng nhiễm trùng da. Vậy các loại thuốc mỡ kháng sinh có đặc điểm gì?
1. Thuốc mỡ kháng sinh có tác dụng gì?
Các kháng sinh bôi có nhiều hoạt chất khác nhau và được chỉ định trong nhiều trường hợp có tổn thương da như:
- Thuốc mỡ kháng sinh có chứa thành phần Erythromycin hoặc Clindamycin được sử dụng khi có tình trạng viêm nang lông hoặc mụn trứng cá.
- Thuốc mỡ bôi da có hoạt chất là Bacitracin, Polymyxin, Neomycin và Mupirocin được sử dụng điều trị chốc, lở, nhiễm trùng da do các tổn thương như vết xước, cắt hoặc bỏng nhẹ,...
- Một số bệnh về mắt như viêm kết mạc, viêm giác mạc, nổi chắp, loét giác mạc,... cũng có thể điều trị bằng thuốc mỡ kháng sinh dạng bôi, thường được gọi là thuốc mỡ tra mắt.
Cơ chế tác dụng:
Thuốc kháng sinh khi được bôi ngoài da sẽ thấm được vào vết thương, giúp hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn, dự phòng nhiễm trùng da. Ngoài ra, trong thành phần một số thuốc mỡ kháng sinh có các hoạt chất giúp mau lành vết thương và đẩy nhanh quá trình tạo mô mới.
2. Tác dụng phụ của thuốc mỡ kháng sinh
Người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình sử dụng các thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da như:
- Ngứa, dị ứng, phát ban, nóng rát, đỏ da ở những vị trí bôi thuốc;
- Tăng sự nhạy cảm của da với ánh sáng mặt trời;
- Hội chứng Steven- Johnson, hội chứng Lyell.
Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường trong quá trình điều trị với các thuốc mỡ, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được xử trí.
3. Cách sử dụng các thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da
Người bệnh có thể sử dụng thuốc bôi theo hướng dẫn sau:
- Đầu tiên, người bệnh cần rửa tay thật sạch trước khi sử dụng thuốc;
- Vệ sinh sạch sẽ vết thương với nước sạch, nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn;
- Thoa nhẹ nhàng một lượng thuốc vừa đủ lên vết thương và vùng da xung quanh, chú ý không bôi thuốc khi vết thương đang trong giai đoạn cấp hoặc đang chảy nước;
- Tần suất bôi từ 1 - 5 lần/ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ;
- Có thể để vết thương thông thoáng hoặc che lại bằng gạc vô trùng nhưng chú ý không băng gạt quá chặt sẽ làm vết thương lâu lành;
- Rửa tay sạch sau khi dùng thuốc mỡ bôi ngoài da.
4. Lưu ý khi sử dụng các thuốc mỡ bôi ngoài da
- Sử dụng các thuốc bôi ngoài da phải phù hợp với bệnh lý, giai đoạn, mức độ bệnh, lứa tuổi, vùng da bị tổn thương,... để đảm bảo hiệu quả và an toàn điều trị.
- Thuốc mỡ bôi ngoài da có thể gây các phản ứng dị ứng chậm hoặc tình trạng quá mẫn, thậm chí dẫn đến sốc.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc cho trẻ em hoặc khi bôi trên một vùng da rộng.
- Chỉ sử dụng thuốc mỡ kháng sinh trong các trường hợp tổn thương nông và ít nguy hiểm. Trường hợp da bị tổn thương trên diện rộng hoặc có nhiễm trùng da nghiêm trọng thì phải đến cơ sở y tế để xử trí.
- Không để thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da tiếp xúc với mắt, mũi, miệng hoặc các vùng da niêm mạc khác, nếu có tình trạng này phải nhanh chóng rửa sạch với nước.
- Không sử dụng một loại thuốc trong thời gian dài nhưng cũng không nên đổi quá nhiều loại thuốc trong thời gian ngắn. Thường đánh giá hiệu quả điều trị thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da sau 10-15 ngày.
- Phụ nữ có thai và cho con bú: Tùy vào hoạt chất và các thành phần có trong thuốc mà có thể sử dụng được cho phụ nữ đang mang thai hoặc người cho con bú hay không. Tuy nhiên bất cứ thuốc nào sử dụng trên đối tượng này cũng phải hết sức thận trọng, cân nhắc lợi ích và nguy cơ vì khả năng ảnh hưởng đến trẻ, nhất là vào 3 tháng đầu thai kỳ.
- Hầu hết các thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da ít có tác dụng toàn thân hoặc ảnh hưởng đến chức năng thần kinh nên người sử dụng vẫn có thể thực hiện các hoạt động như lái xe hoặc vận hành máy móc.
Tóm lại, thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài da có nhiều thành phần khác nhau và được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ trong từng trường hợp bệnh phù hợp. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để quá trình điều trị hiệu quả và an toàn.