Các bệnh viêm có kèm nhiễm khuẩn tại mắt là tình trạng bệnh rất phổ biến, đây có thể là do nhiễm khuẩn trực tiếp hoặc bội nhiễm vi khuẩn. Khi đó, kháng sinh là thuốc được lựa chọn hàng đầu. Nhằm mục đích cho tác dụng khu trú tại chỗ, thuốc mỡ kháng sinh tra mắt, thuốc mỡ nhỏ mắt chứa kháng sinh thường được chỉ định trong nhãn khoa.
1.Thuốc mỡ kháng sinh tra mắt là gì?
Kháng sinh được dùng rất phổ biến để điều trị các tình trạng viêm có kèm nhiễm trùng tại mắt. Thuốc được sử dụng tại chỗ, dưới kết mạc hoặc sử dụng theo đường toàn thân để điều trị các tổn thương này. Một số kháng sinh chỉ sử dụng ở dạng bào chế là thuốc mỡ mắt (nhỏ và tra mắt) như bacitracin, neomycin, polymyxin B...
Các thuốc mỡ kháng sinh tra mắt, nhỏ mắt thường được bác sĩ chỉ định điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở mắt như: viêm mi mắt, viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm loét giác mạc, viêm mí, chắp, lẹo...
Vậy thuốc mỡ tra mắt trị mụn được không? Câu trả lời là không, các thuốc mỡ tra mắt được sản xuất phù hợp với tình trạng nhiễm khuẩn ở mắt và không có tác dụng với nhiễm khuẩn ở vị trí khác của cơ thể.
Thuốc mỡ kháng sinh tra mắt có nhược điểm là phổ tác dụng hẹp, dễ gây dị ứng và thường tạo thuận lợi cho sự xuất hiện của các chủng kháng thuốc. Để tăng hiệu quả điều trị cần phối hợp thuốc mỡ mắt với một kháng sinh hoặc một thuốc sát trùng khác.
Giống với các kháng sinh uống, kháng sinh dạng thuốc mỡ nhỏ mắt hay tra mắt vẫn có thể gây ra các tai biến, đặc biệt là khi sử dụng sai chỉ định hoặc dùng sai cách.
XEM THÊM: Thuốc mỡ kháng sinh: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
2.Phân loại thuốc mỡ kháng sinh tra mắt
2.1. Nhóm thuốc chỉ chứa kháng sinh
Nhóm thuốc chỉ chứa kháng sinh từ thuốc thông thường như chloramphenicol, tetracyclin đến các biệt dược chứa kháng sinh mạnh như ciprofloxacin, moxifloxacin...
- Nhóm beta-lactam (gồm nhóm penicilin và cephalosporin): Đây là những kháng sinh có hiệu quả tốt với các bệnh nhiễm trùng mắt. Tuy nhiên, khả năng vi khuẩn tiết men penicilinase và beta-lactamase đề kháng lại kháng sinh đòi hỏi bác sĩ cần lựa chọn nhóm cũng như thế hệ thuốc phù hợp. Nhược điểm lớn nhất của nhóm này là dễ gây phản ứng dị ứng (đôi khi rất nghiêm trọng) nên cần thận trọng khi dùng, nhất là đối với trẻ em;
- Chloramphenicol: Ưu điểm của thuốc mỡ kháng sinh tra mắt nhóm này là phổ tác dụng rộng (cả vi khuẩn gram dương và gram âm), khả năng đi vào khu vực tiền phòng tốt và ít gây dị ứng nên mức độ sử dụng rất phổ biến. Tác dụng phụ của Chloramphenicol là gây suy tủy xương, do đó chống chỉ định cho trẻ nhỏ;
- Nhóm aminoglycosid: Các thuốc thế hệ 1 (như neomycin, kanamycin, framycetin) chủ yếu sử dụng để điều trị dự phòng. Các thuốc thế hệ 2 (gentamycin, neomycin) ít gây dị ứng hơn và có phổ tác dụng rộng;
- Nhóm cyclin (aureomycin, terramycin, tetracyclin): kém bền vững ở dạng dung dịch nên thường sử dụng ở dạng thuốc mỡ mắt. Nhóm cyclin có hiệu quả với các cầu khuẩn, chỉ định chủ yếu điều trị bệnh mắt hột hoặc dự phòng viêm mắt ở trẻ sơ sinh. Nhược điểm của thuốc là không thấm vào được tiền phòng;
- Nhóm fluoroquinolon (norfloxacin, ofloxacin, ciprofloxacin): Đây là những kháng sinh phổ tác dụng rộng, có hiệu quả với hầu hết các vi khuẩn và ít độc tính với biểu mô giác mạc hơn là kháng sinh aminoglycosid;
- Nhóm polypeptid: Thuốc mỡ kháng sinh tra mắt nhóm này chủ yếu là polymyxin và bacitracin. Polymyxin B có hiệu quả trong bệnh viêm loét giác mạc và đặc hiệu với các vi khuẩn gram âm (như Enterobacter, Klebsiella và đặc biệt là P. aeruginosa). Bacitracin sử dụng với các nhiễm trùng mắt do Neisseria, H influenzae, Actinomyces).
Một số lưu ý khi dùng thuốc mỡ nhỏ mắt chỉ chứa kháng sinh:
- Các nhiễm trùng mắt có thể có biểu hiện giống nhau nhưng nguyên nhân gây bệnh khác nhau và khi điều trị cần dùng kháng sinh đặc hiệu. Nếu không bệnh có thể không khỏi mà còn làm tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn;
- Một số thuốc mỡ kháng sinh tra mắt gây ra các tác dụng phụ tại chỗ và gây khó chịu cho mắt. Ví dụ, thuốc mỡ mắt moxifloxacin gây giảm thị lực, khô mắt, đau ngứa mắt hoặc xuất huyết dưới kết mạc. Tác dụng phụ sẽ ít xuất hiện khi dùng liều thấp, tăng lên tỷ lệ thuận với liều sử dụng và hết khi ngưng thuốc;
- Khi dùng thuốc mỡ kháng sinh tra mắt, một phần nhỏ kháng sinh có thể đi vào vòng tuần hoàn chung của cơ thể thông qua các mạch máu nhỏ ở mắt và có hiệu quả toàn thân. Nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị với liều thông thường thì nguy cơ gây tác dụng phụ toàn thân không cao nhưng nếu sử dụng quá liều hoặc kéo dài (trên 2 tuần) thì nguy cơ mắc tác dụng phụ tương đương với kháng sinh uống. Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, dùng đúng thuốc, đúng liều (số lần, số giọt) và không dùng kéo dài (quá 2 tuần);
- Trong khi dùng thuốc mỡ kháng sinh tra mắt, nếu bệnh nhân có chỉ định sử dụng một loại kháng sinh khác bằng đường uống hay tiêm thì cần thận trọng để hạn chế những tương tác thuốc bất lợi. Ví dụ khi dùng thuốc mỡ mắt chứa cloramphenicol thì không uống hay tiêm gentamicin, tetracycline, cephalosporin, polymyxin...
2.2. Nhóm phối hợp kháng sinh và corticoid
Nhóm thuốc mỡ nhỏ mắt là sự kết hợp giữa kháng viêm corticoid và một hay nhiều loại kháng sinh. Ưu điểm của loại thuốc kết hợp này là vừa chống lại vi khuẩn vừa giảm các triệu chứng khó chịu do quá trình viêm nhiễm.
Tuy nhiên, thành phần kháng viêm corticoid gây một số nguy cơ sau:
- Giảm khả năng đề kháng và vô tình làm giảm hiệu quả của kháng sinh đi kèm, làm tình trạng bệnh nặng hơn và tăng khả năng nhiễm khuẩn thứ phát (bao gồm nhiễm virus và nấm);
- Quá trình liền vết thương chậm;
- Tăng nhãn áp và có khả năng tiến triển thành glaucoma;
- Ảnh hưởng đến thị giác hoặc giảm thị lực không thường xuyên;
- Hình thành đục thuỷ tinh thể;
- Mỏng củng mạc dẫn đến thủng nhãn cầu.
XEM THÊM: Bị đau mắt đỏ nhỏ thuốc mỡ chlorocina-H có khỏi được không?
3. Một số loại thuốc mỡ kháng sinh và lưu ý khi sử dụng
3.1. Dung dịch - thuốc mỡ gentamicin 0,3%
Gentamicin dùng điều trị các nhiễm khuẩn ở mắt có hai dạng là dung dịch nhỏ mắt) và thuốc mỡ kháng sinh tra mắt với nồng độ 0,3%. Đây là loại thuốc khá phổ biến. Gentamicin có thể sử dụng dạng đơn trị liệu hoặc phối hợp corticoid để điều trị các bệnh như viêm kết giác mạc, loét giác mạc, viêm mí mắt, viêm túi lệ, lẹo mắt...
Đối với Gentamicin dạng dung dịch, bệnh nhân nhỏ mắt 1-2 giọt/lần, 3-8 lần/ngày trong 5-12 ngày tùy theo chỉ định của bác sĩ. Đối Gentamicin dạng thuốc mỡ mắt, mỗi lần tra vào mắt bệnh 1.5cm thuốc, 2-3 lần/ngày.
Tuy nhiên, cần lưu ý nếu sử dụng kéo dài, vì có thể dẫn đến tình trạng quá mẫn ở da và xuất hiện chủng vi khuẩn kháng thuốc. Bệnh nhân cần ngưng thuốc nếu mắt chảy mủ, tình trạng viêm hoặc đau tăng lên.
Một số lưu ý khi sử dụng Gentamicin ở mắt như sau:
- Khi nhỏ thuốc có thể gây rát nhẹ ở mắt, ngứa, kích thích...
- Ngưng thuốc khi có biểu hiện dị ứng;
- Không sử dụng nếu nguyên nhân gây bệnh ở mắt là virus hoặc nấm;
- Thuốc mỡ mắt gentamicin có thể gây nhìn mờ;
- Hạn sử dụng của thuốc mỡ mắt Gentamicin là không quá 15 ngày sau khi mở nắp.
3.2. Thuốc mỡ tetracyclin 1%
Chỉ định của loại thuốc mỡ mắt này là các nhiễm khuẩn mắt do các tác nhân còn nhạy cảm với tetracyclin như viêm kết mạc, đau mắt hột... Khi sử dụng, bệnh nhân chỉ tra một lượng nhỏ thuốc vào mắt bệnh, 2-3 lần/ngày.
Lưu ý khi sử dụng:
- Không sử dụng cho bệnh nhân tiền căn dị ứng kháng sinh tetracyclin;
- Tra mắt kéo dài có thể tăng nguy cơ hình thành chủng vi khuẩn kháng thuốc;
- Thuốc mỡ tra mắt tetracyclin giá bao nhiêu còn tùy vào từng nhà sản xuất khác nhau, tuy nhiên giá thành của thuốc này không cao.
3.3. Thuốc tra, nhỏ mắt neomycin
Thuốc neomycin có hai dạng:
- Dung dịch nhỏ mắt 0,25%; 0,5%
- Thuốc mỡ tra mắt 0,35%; 0,5%.
Neomycin là kháng sinh nhóm aminoglycosid, có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với một số kháng sinh khác như polymyxin B, bacitracin... để điều trị nhiễm khuẩn mắt. Cách dùng: Nhỏ 1 - 2 giọt vào mắt, 3 - 4 giờ một lần tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn và tình trạng bệnh. Một số lưu ý khi dùng thuốc mỡ mắt Neomycin:
- Chống chỉ định sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi, người mẫn cảm với thuốc;
- Các kháng sinh aminoglycosid nói chung, trong đó có neomycin cần thận trọng khi sử dụng vì khả năng gây độc cho thận và tai.
3.4. Thuốc tra, nhỏ mắt cloramphenicol
Cloramphenicol là kháng sinh phổ rộng, có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn cả gram âm và dương, chỉ định trong một số bệnh nhiễm khuẩn bề mặt nhãn cầu như viêm bờ mi, viêm giác mạc hoặc kết mạc.
Thuốc có chống chỉ định của thuốc là trẻ dưới 2 tuổi, bệnh nhân suy tủy hoặc quá mẫn với thành phần thuốc. Cách sử dụng như sau: Tra thuốc vào mắt mỗi 3-6 giờ, sau 48 giờ có thể giảm liều theo đáp ứng điều trị. Hiểm khi thuốc mỡ kháng sinh tra mắt Cloramphenicol gây kích thích tại mắt. Tuy nhiên, nếu xảy ra tình trạng kích ứng, người bệnh nên ngừng sử dụng và nhờ sự tư vấn của bác sĩ.
3.5. Bacitracin
Đây là nhóm kháng sinh thường chỉ định dùng ngoài. Trong chuyên khoa mắt, bacitracin được sử dụng dưới dạng thuốc mỡ tra mắt và được chỉ định trong một số bệnh như chắp, viêm kết mạc cấp và mạn tính, loét hoặc viêm giác mạc và bệnh viêm túi lệ.
Cách sử dụng: Bôi 1 dải mỏng khoảng 1cm thuốc mỡ mắt này lên kết mạc, cách mỗi 3 giờ 1 lần. Lưu ý: Tác dụng không mong muốn hay gặp nhất của thuốc mỡ mắt Bacitracin là gây phát ban và người bệnh cần ngừng thuốc ngay lập tức. Bacitracin thường có dạng phối hợp với kháng sinh neomycin và polymyxin B để điều trị nhiễm khuẩn mắt. Đặc biệt, không sử dụng thuốc này quá 7 ngày.
Ngoài những thông tin về việc lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh tra mắt, bạn có thể tìm hiểu thông tin thuốc tra mỡ mắt maxitrol và cân nhắc những lợi ích và nguy cơ khi sử dụng. Nếu trong trường hợp sử dụng thuốc không thấy tiến triển và gặp những tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị, tránh để các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.