Thuốc Lucass 200 có tác dụng gì?

Thuốc Lucass được bào chế dưới dạng viên nang cứng, có thành phần là Cefpodoxime proxetil - một kháng sinh được sử dụng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiết niệu, ngoài da,...

1. Thuốc Lucass có tác dụng gì?

Thuốc Lucass là thuốc gì? Thuốc có thành phần là Cefpodoxime proxetil với hàm lượng 100mg, 200mg (thuốc Lucass 100mg, thuốc Lucass 200mg). Cefpodoxime proxetil là kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3, có tác dụng kháng khuẩn thông qua sự ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn.

Thuốc Lucass 200 được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Điều trị viêm phế quản;
  • Điều trị viêm phổi cấp tính mắc phải trong cộng đồng;
  • Điều trị viêm amidan, viêm họng;
  • Điều trị viêm tai giữa cấp tính;
  • Điều trị nhiễm trùng da/cấu trúc da;
  • Điều trị tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu không có biến chứng;
  • Điều trị lậu không biến chứng.

Thuốc Lucass chống chỉ định trong trường hợp: Mẫn cảm với kháng sinh nhóm Cephalosporin hoặc các thành phần có trong thuốc.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Lucass

Cách dùng: Đường uống.

Liều dùng ở người lớn:

  • Viêm họng, viêm amidan: Dùng liều 100mg x 2 lần/ngày (dùng dạng bào chế phù hợp với việc phân liều) trong 5 - 10 ngày;
  • Viêm phổi cấp tính mắc phải ở cộng đồng: Dùng liều 200mg x 2 lần/ngày trong 14 ngày;
  • Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính: Dùng liều 200mg x 2 lần/ngày trong 10 ngày;
  • Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da: Dùng liều 400mg x 2 lần/ngày trong 7 - 14 ngày;
  • Lậu không biến chứng: Dùng liều 200mg, sau đó điều trị bằng doxycyclin dạng uống để phòng ngừa có cả nhiễm Chlamydia;
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng: Dùng liều 100mg x 2 lần/ngày (dùng dạng bào chế phù hợp với việc phân liều) trong 7 ngày.

Liều dùng ở trẻ em dưới 13 tuổi:

  • Viêm tai giữa cấp tính: Dùng liều 5mg/kg (tối đa 200mg) x 2 lần/ngày trong 10 ngày;
  • Viêm họng, viêm amidan: Dùng liều 5mg/kg (tối đa 200mg) x 2 lần/ngày trong 5 - 10 ngày.

Liều dùng cho bệnh nhân suy thận: Nên giảm liều tùy theo mức độ suy thận. Với bệnh nhân óc mức độ thanh thải creatinin dưới 30ml/phút, không thẩm tách máu thì liều thường dùng cách nhau.

Quá liều: Trong trường hợp quá liều, bệnh nhân có thể được thẩm phân máu hoặc thẩm phân phúc mạc để loại bỏ Cefpodoxime ra khỏi cơ thể.

Quên liều: Nếu quên dùng 1 liều thuốc Lucass, người bệnh nên dùng càng sớm càng tốt. Nếu đã gần với liều kế tiếp thì bạn bỏ qua liều đã quên, sử dụng liều kế tiếp đúng theo kế hoạch.

3. Tác dụng phụ của thuốc Lucass

Khi sử dụng thuốc Lucass 200, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn bao gồm:

  • Tiêu hóa: Hội chứng viêm kết tràng có giả mạc xảy ra trong hoặc sau khi dùng thuốc. Bệnh nhân có thể gặp triệu chứng buồn nôn, nôn ói, đầy hơi, giảm tiết dịch, tiêu chảy,...;
  • Tim mạch: Hạ huyết áp, đau ngực;
  • Da: Bong tróc da, nhiễm nấm da;
  • Nội tiết: Kinh nguyệt bất thường;
  • Sinh dục: Ngứa, khó chịu;
  • Mẫn cảm: Sốc phản vệ;
  • Hệ thần kinh trung ương: Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, ác mộng, lo âu, mất ngủ, yếu sức;
  • Hô hấp: Ho, chảy máu cam;
  • Tác dụng phụ khác: Sốt, khó chịu, ngứa mắt, ù ai, thay đổi vị giác,...

Khi gặp các tác dụng phụ trên, người dùng nên ngưng sử dụng thuốc, thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, xử trí kịp thời.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Lucass

Trước và trong khi dùng thuốc Lucass 200, bệnh nhân cần lưu ý:

  • Trước khi điều trị bằng thuốc Lucass 200 (có thành phần là Cefpodoxime proxetil), cần điều tra kỹ về tiền sử dị ứng của bệnh nhân với kháng sinh nhóm Cephalosporin, penicillin hoặc các thuốc khác. Nên thận trọng khi sử dụng thuốc cho các bệnh nhân có tiền sử dị ứng với beta - lactam, vì có thể xảy ra phản ứng quá mẫn chéo;
  • Nếu xảy ra phản ứng dị ứng với Cefpodoxime proxetil, bệnh nhân nên ngưng dùng thuốc, thực hiện điều trị tích hợp;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Cefpodoxime proxetil cho người bệnh suy thận nặng, có tiền sử mắc bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm kết tràng;
  • Sử dụng Cefpodoxime proxetil dài ngày có thể khiến các chủng vi khuẩn không nhạy cảm phát triển quá mức nên cần theo dõi bệnh nhân cẩn thận. Nếu có bội nhiễm xảy ra trong khi điều trị thì cần có biện pháp trị liệu thích hợp;
  • Chưa có nghiên cứu đầy đủ về hiệu quả, tác dụng phụ của thuốc Lucass khi sử dụng ở phụ nữ mang thai. Vì vậy, phụ nữ có thai chỉ dùng thuốc này khi thực sự cần thiết, có sự chỉ định của bác sĩ;
  • Thành phần Cefpodoxime proxetil có thể tiết vào sữa mẹ, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ đang bú mẹ. Do đó, mẹ đang dùng thuốc cần ngừng cho trẻ bú.

5. Tương tác thuốc Lucass

Một số tương tác thuốc của thuốc Lucass 200 gồm:

  • Thuốc kháng acid: Sử dụng thuốc Lucass đồng thời với các thuốc kháng acid liều cao (như natri bicarbonat, nhôm hydroxit) hoặc các thuốc chẹn H2 sẽ làm giảm nồng độ thuốc trong huyết tương từ 24 - 42% và giảm hấp thu từ 27 - 32%;
  • Probenecid: Như các kháng sinh beta lactam khác, sự bài tiết ở thận của Cefpodoxime proxetil bị ức chế bởi probenecid, làm tăng khoảng 30% diện tích dưới đường cong AUC, làm tăng nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương tới 20%;
  • Các thuốc gây độc cho thận: Dù khả năng gây độc cho thận chưa được phát hiện ở Cefpodoxime proxetil khi dùng đơn lẻ nhưng vẫn cần theo dõi chặt chẽ chức năng thận khi cho bệnh nhân dùng thuốc này cùng với các thuốc gây độc cho thận khác.

Khi sử dụng thuốc Lucass 200, bệnh nhân cần tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ về liều dùng, cách dùng thuốc. Nếu xảy ra tác dụng phụ bất lợi, bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ để được can thiệp xử trí sớm, đảm bảo sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe