Jencycla là một loại hormone, có tác dụng ngăn ngừa thụ thai ngoài ý muốn, bằng cách làm cho dịch âm đạo dày hơn để ngăn tinh trùng gặp trứng và thay đổi niêm mạc tử cung (dạ con) để ngăn trứng đã thụ tinh bám vào.
1. Thuốc Jencycla có tác dụng gì?
Jencycla (norethindrone) là thuốc tránh thai, có tác dụng ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn. Đây là một dạng của progestin và không chứa bất kỳ estrogen nào.
Thuốc Jencycla có tác dụng ngăn ngừa thụ thai bằng cách làm cho dịch âm đạo dày hơn để ngăn tinh trùng gặp trứng (thụ tinh) và thay đổi niêm mạc tử cung (dạ con) để ngăn trứng đã thụ tinh bám vào và đi ra ngoài cơ thể. Đồng thời, thuốc Jencycla cũng ngăn chặn sự phóng thích của trứng (rụng trứng) trong khoảng một nửa chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.
Các biện pháp tránh thai như bao cao su, mũ cổ tử cung,...có hiệu quả kém hơn so với hormone kết hợp (estrogen và progestin) ngừa thai, vì nó không liên tục ngăn chặn sự rụng trứng. Hiện nay, Jencycla thường được sử dụng bởi những phụ nữ không thể bổ sung estrogen.
Để giảm nguy cơ mang thai, điều quan trọng là phải dùng thuốc đúng theo chỉ định. Cần lưu ý rằng, việc sử dụng thuốc Jencycla không bảo vệ bạn và bạn tình chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, lậu, chlamydia,...
2. Cách sử dụng thuốc Jencycla
- Thuốc Jencycla được bào chế dưới dạng viên nén 0,35mg, có màu xanh lá cây hình tròn. Thuốc được sử dụng bằng đường uống theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường là 1 lần/ ngày. Hãy chọn 1 thời điểm bất kỳ trong ngày mà bạn dễ nhớ để uống thuốc.
- Uống thuốc Jencycla sau bữa ăn tối hoặc trước khi đi ngủ có thể hữu ích trong trường hợp bạn bị đau bụng hoặc buồn nôn. Bất kể bạn sử dụng lịch dùng thuốc nào thì điều quan trọng là phải uống vào cùng 1 thời điểm mỗi ngày và cách nhau đủ 24 giờ.
- Tốt nhất là bắt đầu dùng thuốc Jencycla vào ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt. Nếu bạn bắt đầu dùng thuốc vào bất kỳ ngày nào khác, hãy sử dụng thêm một hình thức ngừa thai không nội tiết tố như chất diệt tinh trùng, bao cao su,... trong 48 giờ đầu tiên để tránh thai cho đến khi thuốc Jencycla có đủ thời gian để phát huy tác dụng. Tiếp tục uống một viên thuốc Jencycla mỗi ngày, sau khi uống viên cuối cùng trong một gói, hãy bắt đầu một gói mới vào ngày hôm sau. Không có thời gian nghỉ giữa các viên thuốc. Trong thời gian sử dụng thuốc, kinh nguyệt của bạn có thể không đều hoặc ra nhiều, ít hơn bình thường. Bạn cũng có thể bị chảy máu âm đạo giữa các kỳ kinh. Tuy nhiên, không được ngừng uống thuốc nếu điều này xảy ra.
- Có khả năng mang thai nếu bạn quên liều dùng, bắt đầu uống lại thuốc Jencycla mới muộn hoặc uống vào thời điểm khác trong ngày so với bình thường. Nếu bạn uống thuốc Jencycla muộn hơn bình thường 3 giờ, bỏ lỡ liều hoặc sau khi uống thuốc bị tiêu chảy, nôn mửa...thì hãy sử dụng phương pháp ngừa thai dự phòng mỗi khi bạn quan hệ tình dục trong 48 giờ tiếp theo.
3. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Jencycla
Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Jencycla bao gồm:
- Buồn nôn, nôn;
- Nhức đầu;
- Đầy bụng;
- Căng tức ngực hoặc tăng cân;
- Chảy máu âm đạo giữa các kỳ kinh;
- Kinh nguyệt không đều: Nếu bạn trễ kinh 2 kỳ liên tiếp hoặc 1 kỳ kinh nếu bạn chưa sử dụng thuốc Jencycla đúng cách thì hãy liên hệ với bác sĩ để thử thai;
- Tăng huyết áp;
Tác dụng phụ nghiêm trọng có thể gặp phải sau khi dùng thuốc Jencycla bao gồm: Thay đổi trạng thái tâm thần (trầm cảm), đau dạ dày, xuất huyết âm đạo bất thường ( máu ra liên tục, nhiều đột ngột, trễ kinh), nước tiểu sẫm màu, vàng da, vàng mặt.
Thuốc Jencycla hiếm khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng như huyết khối tĩnh mạch sâu, đau tim, thuyên tắc phổi hay đột quỵ,... Tuy nhiên, hãy nhận trợ giúp y tế ngay lập tức nếu sau khi dùng thuốc gặp phải các dấu hiệu bất thường như: Chóng mặt, ngất xỉu đột ngột, khó nói, khó thở, thở nhanh, đau ngực/cánh tay trái, lú lẫn, đau/ sưng/ nóng ở bẹn/ bắp chân, nhức đầu bất thường (bao gồm đau đầu, thay đổi thị lực, thiếu phối hợp), đổ mồ hôi bất thường, suy nhược một bên cơ thể, các vấn đề về thị lực (như nhìn đôi, mù một phần hoặc hoàn toàn).
Trước khi kê đơn, bác sĩ luôn cân nhắc lợi ích của thuốc Jencycla đem lại nhiều hơn nguy cơ mắc tác dụng phụ, tuy nhiên, một số trường hợp sử dụng thuốc Jencycla vẫn có thể xảy ra tác dụng không mong muốn. Vì vậy, khi thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường đặc biệt là khi xảy ra phản ứng dị ứng như phát ban, ngứa hoặc sưng vùng mặt, cổ họng, lưỡi, khó thở, chóng mặt nghiêm trọng,...thì người bệnh hãy thông báo ngay cho bác sĩ để được can thiệp y tế kịp thời.
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Jencycla
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Jencycla bao gồm:
- Người bệnh cần thông báo tiền sử dị ứng của bản thân với bác sĩ bởi trong thuốc Jencycla có thể chứa các thành phần không hoạt động gây ra phản ứng hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.
- Thông báo tiền sử bệnh lý của bản thân, đặc biệt là: Cục máu đông (ở chân, mắt, phổi), rối loạn đông máu (thiếu hụt protein C hoặc protein S). cao huyết áp, khám vú bất thường, ung thư (đặc biệt là ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư vú), mức cholesterol (HDL) thấp, trầm cảm, tiểu đường, đau đầu nghiêm trọng, chứng đau nửa đầu, các vấn đề về tim (bệnh van tim, nhịp tim không đều, cơn đau tim trước đó), tiền sử vàng mắt, vàng da khi mang thai hoặc trong khi sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố (thuốc viên, miếng dán), bệnh gan, chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân.
- Không hút thuốc lá trong khi dùng thuốc Jencycla bởi vì nó có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim, đông máu và cao huyết áp ở phụ nữ. Nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng này sẽ tăng lên theo tuổi tác và số lượng thuốc lá bạn đã hút.
- Thông báo cho bác sĩ nếu bạn vừa trải qua phẫu thuật hoặc không vận động trong thời gian dài. Vì tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Trong trường hợp này, bạn có thể phải ngừng thuốc Jencycla trong một thời gian hoặc thực hiện biện pháp phòng ngừa đặc biệt.
- Thuốc Jencycla có thể làm sậm màu vùng da trên mặt, gây nám da. Tác động của ánh nắng mặt trời sẽ làm trầm trọng hơn hiệu ứng này. Vì vậy, hãy sử dụng kem chống nắng, mặc quần áo dài khi ra ngoài trời và tránh sử dụng chất tẩy trắng da.
- Thuốc Jencycla không nên sử dụng trong thời kỳ mang thai. Nếu bạn có thai hoặc nghĩ rằng mình có thể mang thai thì hãy nói với bác sĩ ngay lập tức.
- Thuốc Jencycla có thể đi vào sữa mẹ với một lượng nhỏ và có tác dụng không mong muốn đối với trẻ bú mẹ. Do vật, trước khi cho trẻ bú hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Thăm khám sức khỏe toàn diện thường xuyên, bao gồm các xét nghiệm như khám vú, khám vùng chậu, phết tế bào cổ tử cung, huyết áp,... nhằm theo dõi sự tiến triển của bạn và kiểm tra các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra trong khi sử dụng thuốc.
- Nếu bạn quên uống một liều thuốc Jencycla, hãy thông báo cho bác sĩ ngay lập tức để có phác đồ điều trị thay thế. Bên cạnh đó, bạn cần sử dụng các biện pháp ngừa thai dự phòng như bao cao su, chất diệt tinh trùng,... Tuyệt đối không được sử dụng gấp đôi liều dùng hơn so với phác đồ điều trị. Sử dụng thuốc quá liều Jencycla có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng như buồn nôn, nôn mửa, chảy máu âm đạo đột ngột,...
5. Tương tác thuốc
Tương tác thuốc có thể làm giảm tác dụng của tJencycla hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng không mong muốn. Hãy thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc khác mà bạn đang sử dụng, bao gồm cả thuốc kê theo đơn, không kê đơn, vitamin và các sản phẩm làm từ thảo dược. Không được tự ý bắt đầu, dừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
Một số loại thuốc khác có thể khiến cho việc kiểm soát sinh sản bằng hormone hoạt động kém hiệu quả hơn, có thể dẫn tới mang thai ngoài ý muốn chính là:
- Griseofulvin;
- Modafinil;
- Rifamycins: Rifampin, rifabutin;
- Các loại thuốc dùng để điều trị co giật: Barbiturat, felbamate, carbamazepine, phenytoin, topiramate, primidone,...
- Thuốc điều trị HIV: Ritonavir, nelfinavir, nevirapine.
6. Cách bảo quản thuốc Jencycla
- Bảo quản thuốc Jencycla ở nhiệt độ phòng, tránh những nơi ẩm ướt và ánh sáng. Không bảo quản Jencycla ở nơi ẩm thấp hay trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc sẽ có những cách bảo quản khác nhau, vì vậy hãy đọc kỹ hướng dẫn bảo quản thuốc Jencycla trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ.
- Để thuốc Jencycla tránh xa tầm với của trẻ em và thú nuôi trong gia đình. Khi thuốc đã quá hạn sử dụng hoặc không thể dùng thì hãy xử lý đúng cách. Không được tự ý vứt thuốc Jencycla vào môi trường như đường ống dẫn nước hoặc toilet trừ khi có yêu cầu.
Tóm lại, Jencycla là một loại hormone có tác dụng ngăn ngừa thụ thai bằng cách làm cho dịch âm đạo dày hơn để ngăn tinh trùng gặp trứng và thay đổi niêm mạc tử cung (dạ con) để ngăn trứng đã thụ tinh bám vào. Tuy nhiên, Jencycla có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn và tương tác thuốc, vì vậy hãy thận trọng khi sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com