Thuốc Fericap là thuốc gì?

Fericap là thuốc gì? Thuốc Fericap được biết đến với công dụng giúp bổ sung khoáng chất, vitamin, đặc biệt bổ sung acid folic, sắt... Việc sử dụng thuốc không đúng liều lượng có thể gây nên những tác dụng phụ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Tham khảo ngay bài viết dưới đây để có thêm những thông tin về tác dụng và lưu ý khi sử dụng thuốc này.

1. Thuốc Fericap là thuốc gì?

Thuốc Fericap có thành phần chính lad Vitamin B6, Vitamin C, giúp bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Thuốc Fericap thường được kê đơn trong các trường hợp sau:

  • Bổ sung khoáng chất và các vitamin cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Đây là nhóm đối tượng có nhu cầu về các chất dinh dưỡng, nhất là Acid folic cao.
  • Người thiếu máu do thiếu sắt
  • Điều trị dự phòng thiếu Acid folic và Sắt cho phụ nữ đang ở độ tuổi sinh để, người bệnh sau phẫu thuật, người suy dinh dưỡng, người cho máu.

Mặt khác, những người dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc cũng không được phép kê đơn sẽ gây nên những phản ứng dị ứng. Người có cơ địa dị ứng như eczema, suyễn, hen cũng chống chỉ định kê đơn. Theo chuyên gia khuyến cáo, không dùng liều cao Vitamin C cho người bị thiếu glucose-6-phosphat dehydrogenase, người có tiền sử sỏi thận, tăng oxalat niệu và loạn chuyển hóa oxalat, mắc bệnh thalassemia. Ngoài ra, những người bệnh như thiếu máu tan máu, nhiễm hemosiderin và bệnh mô nhiễm sắt cũng không được chỉ định dùng thuốc Fericap do cơ thể bị thừa sắt.

2. Liều dùng và cách dùng của thuốc Fericap

Thuốc Fericap được bào chế dưới dạng viên nén nên sử dụng bằng đường uống. Người bệnh nên uống thuốc với nước ấm hoặc nước lọc, không được uống với nước trái cây hoặc đồ uống có cồn.

Tùy thuộc vào từng đối tượng mà sẽ có liều dùng khác nhau. Dưới đây là liều dùng khuyến cáo của thuốc Fericap.

  • Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú: Mỗi ngày chỉ uống 1 lần, mỗi lần 1 viên.
  • Đối với những người thiếu máu do thiếu sắt: Mỗi ngày uống từ 1 viên đến 2 viên.
  • Đối với trường hợp điều trị thiếu acid folic và sắt cho những người bị suy dinh dưỡng, người trong độ tuổi sinh đẻ, người cho máu và người bệnh sau phẫu thuật: Mỗi tuần uống từ 1 viên đến 2 viên.

3. Tác dụng phụ của thuốc Fericap

Trước khi kê đơn thuốc, bác sĩ luôn cân nhắc lợi ích và hiệu quả mà thuốc Fericap đem lại nhiều hơn nguy cơ mắc tác dụng phụ. Tuy nhiên, một số trường hợp khi dùng Fericap vẫn có thể xảy ra tác dụng không mong muốn.

Bên cạnh những công dụng điều trị bệnh, thuốc Fericap có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người bệnh như: Buồn nôn, nôn, ợ nóng... Một số tác dụng phụ ít gặp hơn có thể kể đến ngứa, mày đay, nổi ban.

Trên đây không phải là tất cả các tác dụng phụ của loại thuốc này. Trong quá trình sử dụng, nếu như gặp phải triệu chứng nào bất thường nghi ngờ do thuốc gây nên, người bệnh cần thông báo đến bác sĩ để được tư vấn và có những điều chỉnh về liều lượng.

4. Tương tác thuốc Fericap

Trước khi được kê đơn thuốc Fericap, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về tất cả những loại thuốc khác mà bạn đang sử dụng bao gồm thuốc không kê đơn, vitamin, thuốc được kê theo đơn và các sản phẩm thảo dược. Điều này giúp bạn giảm nguy cơ xảy ra tình trạng tương tác giữa thuốc Fericap với các nhóm thuốc khác. Khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ không nên tự ý bắt đầu, dừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào. Một số thuốc có thể gây nên tình trạng tương tác khi dùng chung với Fericap như:

  • Dùng Vitamin C cùng với Aspirin sẽ làm tăng bài tiết Vitamin C và giảm được bài tiết Aspirin trong nước tiểu. Sau khi dùng Vitamin C thì sự acid hóa nước tiểu có thể khiến sự bài tiết của các thuốc khác thay đổi.
  • Các thuốc tránh thai đường uống sẽ làm giảm chuyển hóa của Folat và làm giảm Folat và Vitamin B12 ở mức độ nhất định.
  • Pyridoxin sẽ làm giảm tác dụng của Levodopa dùng trong điều trị bệnh Parkinson.
  • Khi dùng chung với các thuốc kháng acid như Natri carbonat, Calci carbonat hoặc nước chè thì có thể khiến cho việc hấp thu sắt bị giảm đi. Sắt có thể làm giảm sự hấp thu của Levodopa, các Quinolin, Penicilamin, Methyldopa, các hormone tuyến giáp và các muối kẽm.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Fericap

Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng thuốc Fericap sẽ giúp bạn phát huy công dụng của thuốc cũng như giảm nguy cơ gặp phải tác dụng phụ.

  • Luôn để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ.
  • Thuốc Fericap sẽ không đem lại hiệu quả nếu như đã hết hạn. Do đó, nếu nhận thấy thuốc bị méo mó, bị đổi màu hay thuốc đã tiếp xúc trực tiếp với không khí quá lâu ngày cần bỏ đi.
  • Dùng Vitamin C liều cao kéo dài có thể dẫn tới hiện tượng nhờn thuốc nên khi giảm liều sẽ dẫn tới việc Vitamin C bị thiếu hụt. Nếu uống Vitamin C liều lớn trong quá trình mang thai thì trẻ sơ sinh sẽ mắc bệnh scorbut.
  • Bệnh nhân bị khối u phụ thuộc Folat cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi dùng thuốc này.
  • Không dùng sắt để điều trị thiếu máu tan huyết, trừ khi trong trường hợp cũng mắc tình trạng thiếu sắt. Không nên điều trị kéo dài quá 6 tháng nếu không được sự theo dõi của bác sĩ hoặc dược sĩ. Không nên dùng sắt ở dạng tiêm phối hợp với sắt dạng uống để tránh việc quá thừa sắt. Những bệnh nhân thường xuyên được truyền máu thì không nên dùng thuốc.
  • Thuốc không gây ảnh hưởng tới khả năng lái xe và vận hành máy móc.
  • Vitamin C không có nguy cơ nào xảy ra khi dùng theo nhu cầu bình thường hằng ngày. Tuy nhiên, nếu uống với lượng lớn Vitamin C trong khi mang thai thì có thể khiến cho nhu cầu về Vitamin C tăng lên và có thể trẻ sơ sinh mắc bệnh scorbut.
  • Acid folic thì nên bổ sung cho người mang thai, nhất là đối với người đang phải điều trị sốt rét hay động kinh.
  • Vitamin B6 sẽ không gây hại cho thai nhi nếu như bổ sung với liều lượng theo nhu cầu hằng ngày. Tuy nhiên, nếu sử dụng liều cao thì có thể gây ra hội chứng phụ thuộc ở trẻ sơ sinh.
  • Vitamin C phân bố trong sữa mẹ và chưa thấy xảy ra vấn đề gì ở trẻ sơ sinh khi dùng Vitamin C theo nhu cầu bình thường.
  • Acid folic dùng được cho bà mẹ đang cho con bú.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe