Nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng kê đơn và không kê đơn có thể gây đau đầu. Thông thường, nếu ngừng thuốc hoặc dùng một liều lượng nhỏ hơn, cơn đau đầu sẽ hết. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ cơn đau đầu của mình là do thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ về tác dụng phụ này để xem xét điều chỉnh phù hợp.
1. Đau đầu do uống thuốc là gì và ai có thể bị ảnh hưởng?
Đau đầu do uống thuốc là nguyên nhân phổ biến thứ ba của đau đầu sau đau nửa đầu và đau đầu căng thẳng. Thuật ngữ y tế chính xác cho tình trạng này là 'đau đầu do lạm dụng thuốc' mặc dù người bệnh có thể chỉ dùng thuốc với liều lượng khuyến cáo.
Khoảng 1 người trong số 50 người mắc phải vấn đề này vào một thời điểm nào đó trong đời. Đau đầu do uống thuốc có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở những người trong độ tuổi 30 và 40, ở phụ nữ hơn nam giới.
Đau đầu do uống thuốc chủ yếu là do dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc triptan quá thường xuyên để giảm đau đầu do căng thẳng hoặc các cơn đau nửa đầu. Tình trạng này vẫn có thể xảy ra khi người bệnh đã dùng thuốc theo hướng dẫn. Đây là một nguyên nhân phổ biến gây đau đầu xảy ra hàng ngày hoặc hầu hết các ngày. Một số bệnh nhân cảm thấy rằng cơn đau đầu của họ không bao giờ rời khỏi cơ thể mình.
Việc chẩn đoán đau đầu do uống thuốc là rất quan trọng vì đây sẽ là then chốt của các phương pháp điều trị khác (chẳng hạn như thuốc ngăn ngừa đau đầu) khó có hiệu quả.
Đau đầu do uống thuốc được định nghĩa theo cách sau:
- Đau đầu xuất hiện ít nhất 15 ngày mỗi tháng.
- Đau đầu hình thành hoặc trở nên tồi tệ hơn rõ rệt khi dùng thuốc.
- Đau đầu sẽ tự khỏi hoặc người bệnh trở lại như bình thường trong vòng hai tháng sau khi ngừng sử dụng thuốc.
- Thường xuyên lạm dụng trong ba tháng hoặc nhiều hơn một hoặc nhiều loại thuốc có thể được dùng để điều trị đau đầu.
2. Các thuốc nào gây đau đầu?
Thuốc có chứa opiate như codeine là thuốc gây đau đầu thường xuyên nhất. Codein, cả riêng nó và dạng co-codamol (kết hợp với paracetamol) có lẽ là “thủ phạm” thường gặp nhất.
Thuốc triptan được sử dụng cho các cơn đau nửa đầu, chẳng hạn như almotriptan, eletriptan, naratriptan, rizatriptan, sumatriptan và zolmitriptan. (Nói một cách chính xác, triptan không được xếp vào loại thuốc giảm đau vì có cơ chế hoạt động khác. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể được xem như một trong các loại thuốc gây đau đầu).
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) ít gây đau đầu do lạm dụng thuốc hơn nhưng vẫn có thể gặp phải. Nhóm thuốc này bao gồm ibuprofen, aspirin, naproxen và diclofenac. Thuốc có chứa hormone, chẳng hạn như thuốc tránh thai và liệu pháp hormone cho thời kỳ mãn kinh.
Hơn nữa, trước khi quyết định đau đầu do uống thuốc, người bệnh nên tự đánh giá các nguyên nhân khác cũng gây đau đầu như liều lượng caffeine hàng ngày - từ cà phê, nước ngọt, thuốc giảm đau và các sản phẩm khác có chứa chất kích thích nhẹ. Đồng thời, việc đọc nhãn sản phẩm là cần thiết để đảm bảo rằng cơ thể không tiêu thụ quá nhiều caffeine vì có thể gây đau đầu. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới khả năng đau đầu do uống thuốc nếu người bệnh có:
- Tiền sử đau đầu mãn tính, đặc biệt là chứng đau nửa đầu, khiến một người sẽ có nguy cơ cao bị đau đầu do uống thuốc.
- Thường xuyên sử dụng thuốc đau đầu. Nguy cơ sẽ tăng lên nếu người bệnh sử dụng thuốc giảm đau kết hợp, ergotamine hoặc triptans 10 ngày trở lên mỗi tháng hoặc thuốc giảm đau thông thường hơn 15 ngày một tháng. Đặc biệt nếu việc sử dụng thường xuyên các thuốc này tiếp tục trong ba tháng trở lên.
3. Cơ chế gây đau đầu sau uống thuốc?
Người bệnh có thể bị đau đầu do căng thẳng hoặc đau nửa đầu trong thời gian chịu áp lực. Họ dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc triptan thường xuyên hơn bình thường và tiếp tục trong một khoảng thời gian dài. Do đó, cơ thể người bệnh đã quen với thuốc giảm đau hoặc triptan.
Sau đó, cơn đau đầu tái phát hoặc cắt cơn xuất hiện nếu người bệnh không dùng thuốc giảm đau hoặc triptan trong vòng một ngày hoặc lâu hơn liều cuối cùng. Người bệnh nghĩ rằng đây chỉ là một cơn đau đầu do căng thẳng hoặc cơn đau nửa đầu, vì vậy người bệnh dùng thêm một liều thuốc giảm đau hoặc triptan. Khi tác dụng của mỗi liều thuốc đã hết thì người bệnh sẽ có thể bị đau đầu.
Một vòng luẩn quẩn hình thành. Theo thời gian, người bệnh có thể bị đau đầu hoặc đau nửa đầu trong hầu hết các ngày hoặc mỗi ngày. Do đó, họ quyết định dùng thuốc giảm đau hoặc triptan mỗi ngày hoặc trong hầu hết các ngày. Cuối cùng, điều này chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
4. Điều trị đau đầu do uống thuốc như thế nào?
Phần quan trọng nhất của việc điều trị là nhận ra và hiểu những nguyên nhân gây ra chứng đau đầu thường xuyên của người bệnh, thuốc giảm đau hoặc triptan. Sau đó, người bệnh có thể lập kế hoạch để ngừng sử dụng thuốc giảm đau. Điều này được thực hiện tốt với lời khuyên của bác sĩ. Người bệnh nên ngưng thuốc hoàn toàn thay vì cố gắng cắt giảm dần dần.
Do đó, người bệnh phải ngừng hẳn thuốc giảm đau hoặc triptan mới có thể chữa dứt điểm. Không dùng thuốc giảm đau thay thế trừ khi được bác sĩ chỉ định. Hơn nữa, người bệnh cũng cần hiểu rằng việc ngừng hoàn toàn thuốc chỉ là tạm thời và là bước đầu tiên trong điều trị, không phải bước cuối cùng. Một khi cơn đau đầu do dùng thuốc đã chấm dứt, bác sĩ có thể bắt đầu kế hoạch điều trị dự phòng cho chứng đau đầu lâu dài về sau.
Khi người bệnh ngừng thuốc giảm đau hoặc triptan, các cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu có thể trở nên tồi tệ hơn trong một thời gian. Sau đó, các cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu của người bệnh sẽ dần trở lại bình thường. Quá trình này thường mất 7-10 ngày. Tuy nhiên, ở một số người, có thể mất một vài tuần (đôi khi lên đến 12 tuần) để các triệu chứng biến mất hoàn toàn và các cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu trở lại trạng thái bình thường.
5. Điều trị đau đầu trong tương lai như thế nào?
Người bệnh có thể bắt đầu lại bằng cách sử dụng thuốc giảm đau hoặc triptan theo chỉ định khi kiểu đau đầu hoặc cơn đau nửa đầu của người bệnh quay trở lại.
Để ngăn ngừa sự tái phát của chứng đau đầu do dùng thuốc, cần tuân thủ theo nguyên tắc chung:
- Nếu người bệnh bị đau đầu hoặc đau nửa đầu, có thể dùng hai hoặc ba liều trong một ngày hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, người bệnh không nên dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc triptan khi bị đau đầu hoặc đau nửa đầu hơn hai ngày trong bất kỳ tuần nào.
- Cân nhắc sử dụng phương pháp điều trị, phòng ngừa để ngăn chặn các cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu.
- Codeine và các viên nén chứa codeine, chẳng hạn như co-codamol, tốt nhất nên tránh hoàn toàn vì chúng có nhiều khả năng gây đau đầu do lạm dụng thuốc hơn các loại thuốc giảm đau khác.
- Người bệnh có thể phải quyết định không điều trị một số cơn đau đầu hoặc cơn đau nửa đầu nếu mức độ nhẹ, có thể chịu đựng được.
- Đi khám bác sĩ nếu những cơn đau đầu thường xuyên không thuyên giảm hoặc nếu chúng tái phát trong tương lai.
Tóm lại, đau đầu do uống thuốc là một tác dụng phụ thường gặp. Dù vậy, bệnh nhân không nên ngừng dùng thuốc cho đến khi đã trao đổi với bác sĩ nhằm có những hướng dẫn an toàn. Hơn nữa, hãy suy nghĩ xem liệu thuốc không kê đơn, rượu hoặc caffeine có gây đau đầu hay không và thử hạn chế sử dụng những thứ này trước khi quy trách là thuốc gây đau đầu.
Trong trường hợp nếu tình trạng đau đầu trở nên tồi tệ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống thường ngày, lúc này bạn nên đến gặp bác sĩ để được trao đổi và có hướng điều trị phù hợp.
Để yên tâm hơn trong việc thăm khám và điều trị, người bệnh có thể lựa chọn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với sơ sở y tế chất lượng cùng đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế chuyên môn cao.
Thực tế để xác định nguyên nhân cụ thể về chứng đau đầu, bệnh nhân có thể cần đến sự can thiệp từ nhiều chuyên khoa khác nhau. Do đó, với việc ứng dụng các trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đến từ nhiều bệnh viện lớn trên cả nước sẽ giúp đưa ra kết quả chính xác để từ đó có hướng điều trị tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Patient.info - webmd.com