Nôn là một phản xạ của cơ thể nhằm đẩy thức ăn từ dạ dày lên thực quản rồi ra ngoài qua đường miệng. Nôn, buồn nôn khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Sử dụng các thuốc chống nôn dạng uống có tác dụng giảm bớt cảm giác buồn nôn, hạn chế tình trạng nôn. Cần uống thuốc chống nôn đúng thời điểm để giúp phát huy tác dụng chống nôn tốt nhất.
1. Thuốc chống nôn dạng uống
Thuốc chống nôn có nhiều dạng khác nhau trong đó có dạng uống. Một số loại thuốc chống nôn dạng uống thường dùng:
1.1 Diphenhydramine hay nautamine
Đây là một loại thuốc chống nôn say tàu xe được sử dụng khá phổ biến hiện nay. Diphenhydramine dùng được cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Nên dùng cho trẻ trên 4 tuổi.
Thuốc không dùng được cho phụ nữ có thai và đang cho con bú. Không dùng kết hợp thuốc với thuốc kháng histamin, thuốc kháng cholinergic hay các thuốc ức chế thần kinh.
Lưu ý thận trọng với những bệnh nhân bị rối loạn đường hô hấp dưới, mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, cường tuyến giáp...
1.2 Domperidon
Thuốc có tác dụng giúp điều chỉnh các rối loạn chức năng hệ tiêu hóa, tác động đến dopamin ngoại biên làm thay đổi chức năng của dạ dày ruột, tăng tốc độ đẩy các chất trong dạ dày xuống ruột, giãn môn vị sau ăn, chống trào ngược dạ dày thực quản.
Với đường uống, domperidone được sản xuất dưới dạng viên nén hoặc cốm sủi bọt cho người lớn, còn ở trẻ nhỏ thuốc có dạng hỗn dịch. Thận trọng dùng thuốc trên những bệnh nhân có tiền sử bệnh lý gan thận.
Một vài nghiên cứu gần nhất trên những bệnh nhân dùng domperidon cho thấy thuốc gây hiện tượng xoắn đỉnh. Hiện tượng này xảy ra mạnh hơn khi phối hợp erythromycin với clarithromycin.
1.3 Metoclopramide
Đây là thuốc chống nôn tác dụng mạnh, trẻ em dùng dạng nhỏ giọt. Metoclopramide tác động trực tiếp vào trung tâm gây nôn ở não nên được chỉ định cho các trường hợp nôn nặng, nhất là bệnh nhân hậu phẫu, đang sử dụng hóa trị.
1.4 Ondansetron
Thuốc chống nôn phổ biến, được chỉ định nhiều trong các trường hợp cần dự phòng nôn sau phẫu thuật, hoặc điều trị ung thư bằng hóa chất hay xạ trị.
Thuốc dùng được cho cả người già và trẻ nhỏ. Thuốc có nhiều tác dụng phụ trên cả hệ tiêu hoá, thần kinh và tuần hoàn tim mạch nên cần được theo dõi sát khi sử dụng.
2. Thuốc chống nôn uống trước hay sau khi ăn?
Để có hiệu quả chống nôn tốt nhất cần phải sử dụng thuốc chống nôn đúng cách. Thời điểm uống thuốc chống nôn là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tác dụng của thuốc.
Thuốc chống nôn uống trước hay sau khi ăn? Để giải đáp cho câu hỏi đó, các chuyên gia nói rằng muốn có hiệu quả chống nôn mạnh, có thể ngăn chặn hoàn toàn cảm giác buồn nôn, nôn cần uống thuốc trước nôn tối thiểu 30 phút. Đó là khoảng thời gian tối thiểu đủ để các thuốc phong tỏa các thụ thể tạo ra phản ứng chống nôn. Vấn đề là làm sao biết khi nào nôn để uống thuốc? Trên thực tế, tùy vào mỗi trường hợp mà có những khoảng thời gian ước lượng khác nhau.
Liên quan đến vấn đề ăn uống, bản chất thuốc chống nôn là những thuốc có tác dụng điều chỉnh rối loạn hệ tiêu hóa, kích thích nhu động dạ dày, tăng trương lực cơ thắt tâm vị, đồng thời tăng biên độ mở của cơ thắt môn vị sau khi ăn. Nhờ đó mà các thuốc chống nôn giúp làm giảm các triệu chứng khó tiêu, thức ăn chậm xuống ruột, giảm cảm giác buồn nôn. Việc uống thuốc trước ăn khoảng 15 đến 30 phút không chỉ tạo thời gian cho thuốc hấp thu vào máu phát huy tác dụng tối đa mà còn hạn chế những ảnh hưởng từ thức ăn dẫn đến giảm hiệu quả của thuốc. Uống thuốc sau khi ăn, đôi khi thuốc chưa kịp phát huy tác dụng thì người bệnh đã buồn nôn, nôn. Vậy nên, với thuốc chống nôn dạng uống nên uống trước ăn sẽ có hiệu quả tốt hơn sau ăn.
Mỗi trường hợp bệnh nhân cụ thể sẽ có những khoảng thời gian dùng thuốc chống nôn khác nhau, cụ thể:
- Với thuốc chống nôn say tàu xe: nên uống thuốc trước khi xe khởi hành tối thiểu 30 phút. Thuốc chống nôn say tàu xe còn có dạng miếng dán nhưng hiệu quả thấp hơn đường uống.
- Dự phòng nôn, buồn nôn ở những ca phẫu thuật, cho bệnh nhân dùng uống thuốc chống nôn giờ phẫu thuật 1 giờ. Nếu thuốc chống nôn đường uống không đủ mạnh cần kết hợp thêm dạng đường tiêm.
- Một trong những tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị liệu là gây buồn nôn, nôn khiến bệnh nhân mệt mỏi, khó ăn uống. Thuốc chống nôn rất cần thiết ở những người bệnh này. Khuyến cáo nên uống thuốc chống nôn trước khi tiến hành điều trị 1 giờ. Cân nhắc dùng thêm liều thứ 2 sau điều trị khoảng 1 đến 2 giờ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ nôn của bệnh nhân.
- Trong trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn, hãy để cho bệnh nhân nôn. Việc nôn sẽ giúp bệnh nhân đào thải các độc tố ra khỏi cơ thể một cách tự nhiên nhất. Dùng thuốc chống nôn sớm sẽ khiến các chất độc bị giữ lại trong dạ dày, làm tăng tình trạng ngộ độc. Chỉ sử dụng thuốc chống nôn khi các mầm bệnh, độc tố đã được thải hết ra ngoài.
Nhờ tính tiện dụng và hiệu quả cao mà thuốc chống nôn dạng uống đang được sử dụng khá nhiều. Hãy liên hệ với các bác sĩ chuyên qua để được tư vấn loại thuốc chống nôn phù hợp và cách sử dụng thuốc để tốt cho sức khoẻ mà hạn chế được các tác dụng phụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.