Thuốc chống co thắt đường tiết niệu Flavoxate (Genurin)

Bài viết của Dược sĩ Dương Thanh Hải - Dược sĩ Lâm sàng - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Flavoxate là một thuốc giãn cơ trơn được dùng để làm giảm nhẹ triệu chứng đau, đi tiểu nhiều lần và đái dầm ở người bệnh có các rối loạn viêm đường tiết niệu như viêm bàng quang, viêm niệu đạo và viêm tuyến tiền liệt. Thuốc này cũng được dùng để làm giảm nhẹ các co thắt bàng quang – niệu đạo do sử dụng dụng cụ hoặc phẫu thuật.

1. Cách sử dụng thuốc Flavoxate như thế nào?

Thuốc Flavoxate được dùng bằng đường uống. Nếu người bệnh đau dạ dày, có thể uống thuốc với thức ăn. Liều dùng cho trẻ em trên 12 tuổi và người lớn là 100 – 200 mg/liều, ngày 3 – 4 lần. Liều lượng tùy thuộc vào tình trạng bệnh và đáp ứng với liệu pháp. Bác sĩ có thể giảm liều ngày sau khi các triệu chứng của bạn đã được cải thiện.

Thời gian điều trị phụ thuộc vào từng nguyên nhân bệnh. Do đó, bạn không nên tự ý tăng liều hoặc dùng thuốc thường xuyên hơn, vì điều này không giúp cải thiện triệu chứng nhanh hơn mà có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ.

2. Tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc Flavoxate

Thuốc Flavoxate có hoạt tính kháng cholinergic, vì vậy có thể xảy ra buồn nôn, nôn, khô miệng, nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt, mờ mắt và căng thẳng khi sử dụng. Nếu bất kỳ tác dụng phụ nào kéo dài hoặc trầm trọng hơn, hãy báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

Để giảm một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc, bạn có thể:

  • Ngậm kẹo cứng không đường hoặc đá bào, nhai kẹo cao su, uống nước để giảm tình trạng khô miệng.
  • Để ngăn ngừa táo bón, nên ăn đủ chất xơ, uống đủ nước và tập thể dục. Đôi khi có thể cần sử dụng thêm thuốc nhuận tràng, nên tư vấn dược sĩ để mua thuốc phù hợp.
  • Do thuốc có thể gây cảm giác buồn ngủ, chóng mặt và nhìn mờ nên phải thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc cần độ tập trung cao.
  • Thuốc này có thể làm giảm tiết mồ hôi. Để giảm nguy cơ phản ứng nghiêm trọng với nhiệt độ quá cao (say nắng), nên tránh bị nóng quá mức do thời tiết nắng nóng, phòng tắm hơi hoặc trong khi tập thể dục cường độ cao.

Người lớn tuổi có thể nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc này, đặc biệt là chóng mặt (dễ xảy ra khi đứng lên), buồn ngủ, táo bón, khó đi tiểu hoặc lú lẫn. Cần thận trọng vì chóng mặt, buồn ngủ và lú lẫn có thể làm tăng nguy cơ té ngã.

Một số tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng sau đây cần phải ngừng thuốc và báo ngay cho bác sĩ: Thay đổi tâm thần/tâm trạng (ví dụ như lú lẫn), đau mắt, đau ngực, nhịp tim nhanh, dấu hiệu nhiễm trùng, đi tiểu khó/đau tăng lên.


Thuốc Flavoxate có thể gây ra một số tác dụng ngoài mong muốn
Thuốc Flavoxate có thể gây ra một số tác dụng ngoài mong muốn

3. Những người nào không nên sử dụng thuốc?

Thuốc Flavoxate không nên được sử dụng nếu người bệnh có các tình trạng sau:

  • Tắc nghẽn dạ dày/ruột (ví dụ: tắc nghẽn môn vị - tá tràng, hồi tràng)
  • Chảy máu dạ dày hoặc ruột
  • Tắc nghẽn bàng quang.

Sự an toàn và hiệu quả của flavoxate hydroclorid chưa được xác định ở trẻ em dưới 12 tuổi. Do đó, không dùng cho trẻ em ở nhóm tuổi này.

Vì không có nghiên cứu đầy đủ và có kiểm chứng tốt trên phụ nữ mang thai. Tương tự, không có dữ liệu về việc bài xuất thuốc vào sữa mẹ. Vì vậy, thuốc này chỉ nên được sử dụng khi thật cần thiết và được bác sĩ tư vấn trước khi sử dụng.

4. Flavoxate có thể xảy ra tương tác với thuốc đang dùng hay không?

Tương tác có thể thay đổi cách hoạt động của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số sản phẩm có thể tương tác với thuốc thuốc Flavoxate là:

  • Các thuốc cùng có tác dụng kháng cholinergic (ví dụ: atropine, thuốc chống say tàu xe như scopolamine, thuốc điều trị parkinson - trihexyphenidyl).
  • Thuốc điều trị loãng xương nhóm bisphosphonate (ví dụ như alendronate, etidronate, risedronate).

Hãy thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu người bệnh đang hoặc sẽ sử dụng các thuốc trên. Trong trường hợp sử dụng thuốc không thấy các triệu chứng cải thiện, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám bác sĩ, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe