Thuốc Cefaclor 250mg thường được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý như viêm tai giữa, viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, viêm phổi,... Vậy thuốc Cefaclor 250mg có tác dụng gì và cách sử dụng loại thuốc này như thế nào?
1. Thuốc Cefaclor 250mg có tác dụng gì?
Thuốc Cefaclor 250mg được bào chế dưới dạng viên nang, thành phần chính trong mỗi viên thuốc là Cefaclor (dưới dạng cefaclor monohydrat) 250mg. Cefaclor là một thuốc kháng sinh cephalosporin bán tổng hợp, thế hệ 2, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn đang phát triển và phân chia bằng cách ức chế tổng hợp thành tế bào của vi khuẩn.
Cefaclor có tác dụng đối với cầu khuẩn Gram dương tương tự như cephalotin, nhưng lại có tác dụng mạnh hơn đối với các vi khuẩn Gram âm, đặc biệt là với Haemophilus influenzae và Moraxella catarrhalis, có tác dụng ngay cả với H. influenzae và M. catarrhalis sinh ra beta - lactamase.
Thuốc Cefaclor 250mg được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Viêm tai giữa cấp, viêm họng, , viêm xoang cấp, viêm amidan tái phát nhiều lần.
- Viêm phế quản mạn trong đợt cấp, viêm phổi.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới không có biến chứng.
- Nhiễm khuẩn da và phần mềm do vi khuẩn Staphylococcus aureus nhạy cảm và Streptococcus pyogenes gây ra.
- Nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm.
Thuốc Cefaclor 250mg chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Người có tiền sử dị ứng với kháng sinh nhóm cephalosporin.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Cefaclor 250mg:
- Thận trọng khi sử dụng Cefaclor 250mg cho bệnh nhân dị ứng với penicilin vì có mẫn cảm chéo.
- Thận trọng khi sử dụng Cefaclor 250mg cho người bệnh có tiền sử bệnh lý đường tiêu hóa, đặc biệt viêm đại tràng vì dùng thuốc cefaclor dài ngày có thể gây viêm đại tràng giả mạc.
- Cần theo dõi chức năng thận khi dùng thuốc Cefaclor 250mg cho người có chức năng thận suy giảm.
2. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Cefaclor 250mg
Thuốc Cefaclor 250mg được báo chế dưới dạng viên nang, sử dụng bằng đường uống, uống thuốc lúc bụng đói.
Liều dùng thuốc Cefaclor 250mg cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, liều khuyến cáo như sau:
- Người lớn và người cao tuổi: Sử dụng 1 viên/lần, 8 giờ/lần.
- Trẻ em: Sử dụng liều 20 - 40mg/kg thể trọng/ 24 giờ, chia thành 2 - 3 lần uống.
- Người suy thận:
- Độ thanh thải creatinin 10 - 50ml/phút: Sử dụng 50% liều thường dùng.
- Độ thanh thải creatinin < 10ml/phút: Sử dụng 25% liều thường dùng.
- Người bệnh phải thẩm tách máu: Liều khởi đầu là 1 - 4 viên trước khi thẩm tách, liều duy trì là 1 - 2 viên cứ 6 - 8 giờ/lần giữa các lần thẩm tách.
Khi sử dụng quá liều thuốc Cefaclor 250mg, bạn có thể có các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau thượng vị, tiêu chảy.
Cách xử trí khi uống quá liều thuốc Cefaclor 250mg như sau:
- Bảo vệ đường hô hấp cho bệnh nhân, hỗ trợ thông khí và truyền dịch.
- Làm giảm hấp thu đường uống bằng cách cho bệnh nhân uống than hoạt nhiều lần. Có thể tiến hành rửa dạ dày và thêm than hoạt hoặc chỉ dùng than hoạt.
- Không cần rửa dạ dày, ruột, trừ khi đã uống thuốc cefaclor gấp 5 lần liều bình thường.
3. Tác dụng phụ của thuốc Cefaclor 250mg
Tác dụng phụ thường gặp của thuốc Cefaclor 250mg bao gồm:
- Tăng bạch cầu ưa eosin
- Tiêu chảy
- Ban da dạng sởi.
Tác dụng phụ ít gặp của thuốc Cefaclor 250mg bao gồm:
- Test Coombs trực tiếp dương tính
- Tăng tế bào lympho, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính.
- Buồn nôn, nôn.
- Ngứa, nổi mày đay
- Ngứa bộ phận sinh dục, viêm âm đạo, bệnh nấm Candida.
Tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Cefaclor 250mg bao gồm:
- Phản ứng phản vệ, sốt, triệu chứng giống bệnh huyết thanh.
- Hội chứng Stevens-Johnson
- Hội chứng Lyell
- Ban da mụn mủ toàn thân
- Giảm tiểu cầu, thiếu máu tán huyết.
- Viêm đại tràng giả mạc
- Tăng men gan, viêm gan và vàng da ứ mật.
- Viêm thận kẽ hồi phục, tăng nhẹ urê huyết hoặc tăng creatinin huyết thanh hoặc xét nghiệm nước tiểu không bình thường.
- Cơn động kinh, tăng kích động, lú lẫn, ảo giác, đau đầu, tình trạng bồn chồn, mất ngủ, tăng trương lực, chóng mặt, ngủ gà, đau khớp.
Thông báo cho bác sĩ các tác dụng phụ bạn gặp phải khi sử dụng thuốc Cefaclor 250mg.
4. Tương tác thuốc Cefaclor 250mg với các thuốc khác
- Dùng đồng thời thuốc cefaclor và thuốc warfarin hiếm khi gây tăng thời gian prothrombin, gây chảy máu trên lâm sàng.
- Probenecid làm tăng nồng độ của cefaclor trong huyết thanh.
- Thuốc Cefaclor dùng đồng thời với các thuốc kháng sinh aminoglycosid hoặc thuốc lợi niệu furosemid sẽ làm tăng độc tính đối với thận.
Mặc dù trên đây gần như là tất cả những thông tin đầy đủ về thuốc Cefaclor 250mg. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, mang đến hiệu quả cao người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.