Thuốc Bacitracin chứa hoạt chất Bacitracin – kháng sinh thuộc nhóm polypeptide. Thuốc được chỉ định trong điều trị các nhiễm khuẩn gây bởi vi khuẩn nhạy cảm như viêm kết mạc mắt, viêm giác mạc, nhiễm khuẩn da do vi khuẩn nhạy cảm. Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Bacitracin qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng của thuốc Bacitracin
Thuốc Bacitracin có tác dụng gì? Thuốc được bào chế dưới dạng thuốc mỡ tra mắt, thuốc mỡ bôi ngoài da và thuốc bột pha tiêm. Bacitracin được chỉ định trong các trường hợp sau:
Đường dùng tại chỗ:
- Nhiễm khuẩn mắt: Chắp, viêm bờ mi, viêm mi, loét giác mạc, viêm kết mạc cấp tính và mạn tính, viêm túi lệ, viêm giác mạc;
- Nhiễm khuẩn da: Nhiễm khuẩn nông do vi khuẩn nhạy cảm.
Đường dùng toàn thân:
- Hiện nay kháng sinh Bacitracin hầu như không được chỉ định đường toàn thân, nếu có thì chỉ sử dụng trong điều trị viêm phổi ở trẻ em và tràn mủ phổ xảy ra do tụ cầu ở trẻ nhỏ;
- Thuốc Bacitracin dùng đường uống trong điều trị viêm đại tràng do Clostridium difficile, tuy nhiên hiện nay đã được thay thế bằng Vancomycin hoặc Metronidazole uống.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Bacitracin ở người bệnh có tiền sử quá mẫn với Bacitracin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
2. Liều dùng của thuốc Bacitracin
2.1. Liều dùng
Thuốc Bacitracin công dụng điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn có liều dùng khuyến cáo như sau:
Người trưởng thành:
- Thuốc dùng đường uống: Điều trị tiêu chảy do Clostridium difficile ở người trưởng thành dùng liều 20.000 – 25.000 đơn vị/lần, lặp lại liều uống sau 6 giờ, thời gian điều trị kéo dài từ 7 – 10 ngày;
- Thuốc dùng đường tại chỗ: Bôi ngoài da từ 1 – 5 lần/ngày. Đối với dạng thuốc mỡ tra mắt bôi 1 dải thuốc (khoảng 1cm) chứa 500 đơn vị/g vào kết mạc mắt, lặp lại liều sau 3 – 4 giờ trong trường hợp viêm cấp, hoặc dùng 2 – 3 lần/ngày trong trường hợp viêm nhẹ, thời gian điều trị kéo dài từ 7 – 10 ngày. Thuốc mỡ tra mắt có thể bôi vào bờ mi nếu bị viêm mi hoặc viêm bờ mi;
- Thuốc dùng tưới: Pha dung dịch thuốc với nồng độ 50 – 100 đơn vị/ml bằng dung môi natri clorid 0,9%, nước cất vô khuẩn hoặc dung dịch Ringer Lactat để tưới. Dùng gạc tẩm vào dung dịch thuốc, tưới 1 – 5 lần/ngày hoặc khi cần thực hiện thủ thuật.
Trẻ em: Dùng đường tiêm bắp trong điều trị viêm phổi ở trẻ sơ sinh hoặc tràn mủ phổi do tụ cầu nhạy cảm với kháng sinh Bacitracin. Liều thuốc Bacitracin khuyến cáo như sau:
- Trẻ sơ sinh nặng dưới 2,5kg: Tiêm 900 đơn vị/kg/ngày chia làm 2 – 3 lần dùng;
- Trẻ sơ sinh nặng từ 2,5kg trở lên: Tiêm 1000 đơn vị/kg/ngày chia làm 2 – 3 lần dùng. Liều thuốc không vượt quá liều quy định và không kéo dài quá 12 ngày điều trị.
Đối tượng khác:
- Người bệnh suy gan: Không cần hiệu chỉnh liều thuốc Bacitracin;
- Người bệnh suy thận: Ngưng sử dụng thuốc trong trường hợp có bất kỳ rối loạn chức năng thận nào xảy ra. Thuốc có thể gây hoại tử ống thận, hoại tử cầu thận.
2.2. Cách sử dụng thuốc Bacitracin
- Đối với dạng thuốc tiêm bắp cần tiêm vào góc 1⁄4 phía trên và ngoài của mông, vị trí mỗi lần tiêm cần được thay đổi để tránh tình trạng đau sau khi tiêm;
- Dạng thuốc viên uống chỉ được sử dụng trong bệnh viện dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế;
- Bột thuốc pha tiêm nên được pha vào dung dung Natri clorid 0,9% chứa 2% Procain hydrochlorid.
3. Tác dụng phụ của thuốc Bacitracin
Thường gặp:
- Thuốc dùng đường toàn thân: Suy thận do hoại tử ống thận, hoại tử cầu thận. Đau tại nơi tiêm, nôn và buồn nôn có thể xảy ra, phản ứng mẫn cảm bao gồm quá mẫn, phát ban;
- Thuốc dùng đường tại chỗ: Độc tính thấp.
Ít gặp: Phản ứng quá mẫn, phát ban da.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Bacitracin
Đối với dạng thuốc bôi ngoài da, Bacitracin có thể gây phản ứng dị ứng chậm bao gồm cả trạng thái sốc phản vệ ở người bệnh quá mẫn. Vì vậy cần thận trọng khi dùng thuốc ở vết thương hở.
Thuốc Bacitracin hấp thu qua bàng quang, vết thương, dịch ổ bụng có thể dẫn đến tác dụng phụ dù độc tính thường gặp khi phối hợp với Neomycin. Thuốc Bacitracin thường dùng phối hợp với Polymycin B và Neomycin, vì vậy không sử dụng thuốc quá 7 ngày.
Thuốc Bacitracin dùng đường tiêm bắp gây độc tính nhiều trên thận, suy thận do hoại tử ống thận và cầu thận. Người bệnh cần được kiểm tra chức năng thận trước và định kỳ trong thời gian điều trị bằng thuốc. Trường hợp xuất hiện độc tính ở thận cần ngưng dùng thuốc ngay.
Tránh sử dụng phối hợp Bacitracin với các thuốc gây độc cho thận như Streptomycin, Polymycin A, Polymycin B, Neomycin...
Lưu ý ở phụ nữ đang mang thai: Bacitracin thuộc nhóm C trong phân loại ở thai kỳ khi dùng đường toàn thân. Vì vậy không sử dụng thuốc ở phụ nữ đang mang thai.
Lưu ý ở phụ nữ đang cho con bú: Không sử dụng thuốc Bacitracin ở phụ nữ đang cho con bú.
5. Tương tác thuốc
- Sử dụng thuốc Bacitracin kết hợp với các thuốc sau sẽ làm tăng độc tính trên thận: Kanamycin, Colistin, Streptomycin, Neomycin, Polymycin.
- Thuốc làm tăng tác dụng chẹn thần kinh ở một số thuốc có công dụng gây tê và chẹn thần kinh cơ, thuốc gây mê dùng trong phẫu thuật hoặc sau phẫu thuật.
- Dung dịch tiêm Bacitracin sẽ bị kết tủa bởi các dung dịch chứa muối kim loại nặng, dung dịch chứa paraben và bị mất tác dụng bởi salicylat, benzoat, cetylpyridinium, benzalkonium, natri lauryl sulfat, phenol và ichtammol.
Tương tác thuốc có thể xảy ra làm giảm tác dụng điều trị của thuốc, tăng nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn. Người bệnh cần thông báo với bác sĩ điều trị tất cả các loại thuốc đang sử dụng bao gồm cả thuốc kê đơn, thực phẩm chức năng, thuốc không kê đơn trước khi điều trị bằng Bacitracin.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.