Thuốc AzaSite là thuốc gì?

Thuốc Azasite chứa hoạt chất Azithromycin – kháng sinh thuộc nhóm Macrolid được bào chế dưới dạng thuốc nhỏ mắt. Azasite được chỉ định trong điều trị tình trạng nhiễm khuẩn mắt. Cùng tìm hiểu về công dụng, lưu ý khi sử dụng thuốc Azasite qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Azasite

Azasite là thuốc gì?”. Thuốc Azasite chứa hoạt chất Azithromycin được bào chế dưới dạng dung dịch nhỏ mắt. Azasite được chỉ định định điều trị tình trạng nhiễm khuẩn mắt do vi khuẩn nhạy cảm như H.Influenzae, S.mitis, S.pneumoniae, Staphylococcus Aureus...

Đối với các bệnh lý về mắt gây ra bởi các nguyên nhân khác không phải vi khuẩn, việc điều trị bằng thuốc Azasite không có tác dụng, thậm chí có thể gây ra tác dụng không mong muốn nếu lạm dụng.

2. Liều dùng của thuốc Azasite

Thuốc Azasite nhỏ mắt có liều dùng khuyến cáo như sau:

Điều trị viêm kết mạc ở người trưởng thành và trẻ em trên 1 tuổi:

  • 2 ngày đầu: Nhỏ 1 giọt/lần x 2 lần/ngày cách mỗi 8 – 12 giờ;
  • 5 ngày tiếp theo: Nhỏ 1 giọt/lần x 1 lần/ngày theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Azasite thuộc nhóm thuốc kê đơn nên việc sử dụng cần được chỉ định bởi bác sĩ điều trị. Người bệnh cần sử dụng thuốc đúng liều, đúng liệu trình điều trị để đạt hiệu quả cao và hạn chế nguy cơ đề kháng thuốc.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Azasite như sau:

  • Người bệnh cần rửa sạch tay trước khi dùng, lắc nhẹ chai thuốc trước khi sử dụng;
  • Tư thế dùng thuốc cần lưu ý như sau: Nghiêng đầu về phía sau, hai mắt nhìn thẳng lên phía trên. Kéo nhẹ mi mắt dưới xuống bằng tay và nhỏ thuốc vào mắt. Sau khi nhỏ, người bệnh nhắm nhẹ mắt và giữ nguyên tư thế 1 – 2 phút và đưa mắt nhìn xuống;
  • Người bệnh cần lưu ý không để đầu ống thuốc Azasite tiếp xúc trực tiếp với mắt hay với bất kỳ bề mặt nào, bởi điều này sẽ làm mất độ vô trùng của thuốc;
  • Trong thời gian điều trị bằng Azasite, người bệnh không được đeo kính áp tròng;
  • Trường hợp dùng chung với các thuốc nhỏ mắt khác, thời gian giữa hai lần dùng thuốc phải cách nhau 5 – 10 phút.

3. Tác dụng phụ của thuốc Azasite

Thuốc Azasite có thể gây ra một số tác dụng phụ sau:

  • Bỏng rát mắt, kích ứng mắt tạm thời, mờ mắt;
  • Đau mắt, thay đổi thị lực: Hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng;
  • Tình trạng bệnh trở nên nặng hơn: Lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn (bao gồm cả nhiễm trùng nấm);
  • Phản ứng dị ứng: Phát ban, sưng, ngứa vùng mặt, họng, lưỡi, khó thở, chóng mặt.

Trường hợp gặp phải tác dụng không mong muốn, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Azasite và thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Azasite

Chống chỉ định sử dụng thuốc Azasite trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh dị ứng với kháng sinh Azithromycin hoặc bất kỳ thành phần nào của Azasite;
  • Phụ nữ đang mang thai, phụ nữ có dự định mang thai;
  • Trẻ em dưới 1 tuổi.

Người bệnh cần lưu ý một số vấn đề trước khi dùng thuốc Azasite như sau:

  • Tiền sử dị ứng thuốc: Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị các loại thuốc dị ứng, đặc biệt là kháng sinh Azithromycin hoặc kháng sinh thuộc nhóm Macrolid, kháng sinh nhóm Ketolide;
  • Tiền sử các bệnh lý mắc phải, đặc biệt là các bệnh về mắt;
  • Hiện chưa có nghiên cứu chứng minh khả năng bài tiết vào sữa mẹ của Azasite, vì vậy không sử dụng Azasite trong điều trị ở phụ nữ đang cho con bú.

Thuốc Azasite chứa hoạt chất Azithromycin – kháng sinh thuộc nhóm Macrolid được bào chế dưới dạng thuốc nhỏ mắt. Azasite được chỉ định trong điều trị tình trạng nhiễm khuẩn mắt. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: drugs.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe