Thuốc Atenolol: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Atenolol là thuốc điều trị tăng huyết áp. Thuốc đã được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới. Để việc sử dụng thuốc có hiệu quả, bệnh nhân cần thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn.

1. Công dụng của thuốc Atenolol là gì ?

Atenolol là thuốc được sử dụng điều trị tăng huyết áp. Tác dụng thuốc Atenolol là làm giảm huyết áp giúp ngăn ngừa đột quỵ, đau tim và các vấn đề về thận. Ngoài ra, thuốc Atenolol cũng được sử dụng để điều trị đau thắt ngực và cải thiện khả năng sống sót sau cơn đau tim. Thuốc Atenolol không sử dụng cho bệnh nhân bị huyết áp thấp, chậm nhịp tim, block nhĩ thất cấp độ hai và ba, suy tim không kiểm soát. Thuốc Atenolol thường dùng có hàm lượng 50mg.

Thuốc Atenolol được sử dụng như sau:

  • Thuốc Atenolol dùng đường uống.
  • Thuốc Atenolol có thể dùng trong bữa ăn hoặc cách xa bữa ăn, thường dùng 1 đến 2 lần mỗi ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Liều lượng sử dụng tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ dựa trên tình trạng sức khỏe, tuổi tác và đáp ứng với điều trị của từng bệnh nhân. Dùng liều cao thuốc Atenolol không làm tăng tác dụng hạ huyết áp, ngược lại có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Người bệnh không nên ngừng thuốc đột ngột mà cần giảm dần liều trong khoảng thời gian từ 7 đến 14 ngày. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được theo dõi trong thời gian ngừng thuốc, đặc biệt là những người bị bệnh tim, thiếu máu cục bộ.
  • Hãy báo cho bác sĩ nếu sau khi dùng thuốc tình trạng huyết áp của bạn không được cải thiện.

Bệnh nhân bị tăng huyết áp được chỉ định dùng thuốc Atenolol
Bệnh nhân bị tăng huyết áp được chỉ định dùng thuốc Atenolol

2. Chỉ định sử dụng thuốc Atenolol?

Viên nén Atenolol được chỉ định trong điều trị các bệnh lý sau:

  • Tăng huyết áp;
  • Đau thắt ngực;
  • Rối loạn nhịp tim;
  • Nhồi máu cơ tim (can thiệp sớm trong giai đoạn cấp tính).

3. Tác dụng phụ của thuốc Atenolol

Khi sử dụng thuốc Atenolol, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ như sau:

  • Chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi và buồn nôn
  • Giảm lưu lượng máu đến bàn tay và bàn chân, làm chân tay lạnh
  • Các triệu chứng của suy tim như khó thở, sưng mắt cá chân hoặc bàn chân, mệt mỏi bất thường, tăng cân bất thường hoặc đột ngột), nhịp tim rất chậm, chóng mặt nghiêm trọng, ngất xỉu, khó thở, ngón tay hoặc ngón chân xanh, tinh thần tâm trạng thay đổi (như lú lẫn, thay đổi tâm trạng, trầm cảm)
  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng rất hiếm khi xảy ra, tuy nhiên hậu quả rất nghiêm trọng. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng bao gồm phát ban, ngứa, sưng phù (đặc biệt là ở mặt, lưỡi, cổ họng), chóng mặt nghiêm trọng, khó thở, ngất xỉu. Khi có các triệu chứng trên, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Những triệu chứng trên đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi sử dụng thuốc. Nếu sau khi sử dụng thuốc Atenolol, bạn gặp các triệu chứng bất thường hãy liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn.


Thuốc Atenolol có thể gây ra triệu chứng buồn nôn
Thuốc Atenolol có thể gây ra triệu chứng buồn nôn

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc

Để sử dụng thuốc Atenolol an toàn, trước khi dùng thuốc, hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn:

  • Dị ứng với Atenolol hoặc dị ứng với các thuốc chẹn beta khác hay bất kỳ tiền sử dị ứng nào khác.
  • Có tiền sử các vấn đề về tim mạch (như chậm nhịp tim, block nhĩ thất cấp độ hai hoặc thứ ba), các vấn đề về hô hấp (như hen suyễn, viêm phế quản mãn tính, khí phế thũng), các vấn đề về tuần hoàn máu (như hội chứng Raynaud, bệnh mạch máu ngoại vi), bệnh thận, suy tim, các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bệnh khác (như bệnh nhược cơ).

Tùy theo tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ có sự điều chỉnh phù hợp.

Thuốc Atenolol có thể gây chóng mặt, buồn ngủ. Vì thế, người bệnh cần chú ý không lái xe hoặc vận hành máy móc cho đến khi tình trạng chóng mặt hết hoàn toàn. Sử dụng rượu sẽ làm tình trạng chóng mặt, buồn ngủ do thuốc trở nên trầm trọng hơn. Do đó, sau khi dùng thuốc cần hạn chế tối đa đồ uống có cồn.

Thuốc Atenolol đi vào sữa mẹ và tích tụ đáng kể, từ đó có thể gây ra tác dụng không mong muốn đối với trẻ bú mẹ. Trẻ sơ sinh được sinh ra bởi những bà mẹ đang dùng thuốc Atenolol khi mang thai hoặc cho con bú có thể có nguy cơ bị hạ đường huyết và chậm nhịp tim. Do đó, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con bú khi dùng thuốc là rất cần thiết.

5. Các tương tác thuốc

Các tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc hoặc tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng. Hãy báo cho bác sĩ biết tất cả các thuốc bạn đang sử dụng bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn, thuốc nguồn gốc thảo dược, thực phẩm chức năng,... Đặc biệt hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang sử dụng dolasetron, fingolimod, sản phẩm có thành phần làm tăng nhịp tim hoặc gây tăng huyết áp, sản phẩm trị ho, trị cảm lạnh, thuốc hỗ trợ ăn kiêng hoặc NSAID như ibuprofen, naproxen.

Hãy kiểm tra nhãn của tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng (đặc biệt là các thuốc điều trị dị ứng, ho, cảm lạnh) vì có thể chứa các thành phần gây buồn ngủ. Nhờ dược sĩ tư vấn về việc dùng chung các thuốc đó với thuốc Atenolol có an toàn hay không.


Thuốc Atenolol có thể gây nên một số tương tác nhất định
Thuốc Atenolol có thể gây nên một số tương tác nhất định

6. Một số lưu ý khác khi sử dụng thuốc Atenolol

6.1. Xử lý khi dùng thuốc quá liều

Khi sử dụng thuốc Atenolol quá liều, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như ngất đi hoặc khó thở. Một số trường hợp quá liều nghiêm trọng hoặc trẻ em vô tình nuốt phải thuốc, có thể gặp triệu chứng có thể bao gồm: chậm nhịp tim, chóng mặt rõ rệt, suy nhược nghiêm trọng, ngất xỉu, khó thở. Do đó, hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

6.2. Làm gì nếu bạn bỏ lỡ một liều thuốc Atenolol?

Nếu bạn đã bỏ lỡ một liều, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo vào đúng thời điểm như bình thường. Không được sử dụng gấp đôi liều thuốc tiếp theo để bù lại liều đã quên.


Người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định về việc dùng thuốc của bác sĩ
Người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định về việc dùng thuốc của bác sĩ

6.3. Cách bảo quản thuốc

Bảo quản thuốc Atenolol trong điều kiện nhiệt độ phòng, tránh nơi ánh sáng trực tiếp và độ ẩm cao. Không bảo quản thuốc trong phòng tắm. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và vật nuôi.

Thuốc Atenolol là thuốc được sử dụng để điều trị tăng huyết áp. Để đảm bảo an toàn và tránh được các tác dụng phụ người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý, hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu. Vì thế, khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, bệnh nhân có thể đến khám, chẩn đoán bệnh và nhận được sự tư vấn về cách sử dụng thuốc hiệu quả, tránh các tác dụng phụ không mong muốn xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe