Thuốc Aspercreme: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Aspercreme chứa Lidocain, được chỉ định dùng ngoài da để giảm đau do bỏng nhẹ, côn trùng cắn, ngứa da, dùng gây tê trong một số thủ thuật nội soi,... Thuốc Aspercreme có nhiều dạng bào chế, để sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.

1. Aspercreme là thuốc gì?

Aspercreme là thuốc gì? Thuốc Aspercreme có hoạt chất là Lidocaine hydrochloride. Đây là một chất gây tê cục bộ tác dụng bằng cách gây tê và làm mất cảm giác tạm thời ở vùng da, niêm mạc cần tác động. Thuốc Aspercreme được chỉ định trong các trường hợp:

  • Giảm đau nhẹ do côn trùng cắn, bỏng nhẹ, trầy xước, bệnh chàm,...
  • Giảm ngứa da ở bộ phận sinh dục và quanh hậu môn do nứt hậu môn, ngứa quanh âm đạo, ngứa do trĩ,...

Ngoài ra thuốc aspercreme còn được sử dụng làm thuốc gây tê nhằm làm giảm bớt sự khó chịu, đau đớn của bệnh nhân khi thực hiện một số thủ thuật như nội soi đại tràng, nội soi bàng quang, nội soi dạ dày...

Thuốc Aspercreme có 3 dạng bào chế là dạng tube bôi, dạng bình xịt và dạng bình tạo bọt. Cách sử dụng các dạng này như sau:

  • Dạng tube bôi: người bệnh cần làm sạch da và lau thật khô sau đó bôi một lớp mỏng thuốc Aspercreme lên vùng da bị bệnh. Dùng ngày 2 đến 3 lần hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Dạng bình xịt: người bệnh cần dùng tay lắc thật đều, giữ bình ở vị trí cách vùng da bị bệnh một khoảng cách từ 8cm đến 13cm, xịt cho đến khi ướt vùng da bị bệnh. Nếu vùng da tổn thương ở mặt, người bệnh cần xịt thuốc aspercreme ra tay sau đó thoa lên mặt. Tránh xịt thuốc trực tiếp lên mặt vì thuốc dễ dính vào mắt, mũi, miệng. Bạn cần rửa ngay bằng nước sạch nếu không may thuốc dính vào những khu vực này.
  • Dạng bình tạo bọt: người bệnh cũng cần lắc đều hộp thuốc trước khi dùng. Xịt bọt vào lòng bàn tay sau đó thoa lên vùng da cần tác động.

Thuốc Aspercreme dùng trị ngứa da, côn trùng cắn là thuốc không kê đơn, người bệnh có thể mua ở nhà thuốc mà không cần đơn bác sĩ, do đó để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc trước khi sử dụng. Trường hợp vết thương bị nhiễm trùng hoặc lở loét, người bệnh hãy khám bác sĩ để được điều trị kịp thời. Người bệnh không nên sử dụng sản phẩm này thường xuyên, lâu dài khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.


Thuốc Aspercreme dạng bôi có công dụng trị ngứa da do con trùng cắn
Thuốc Aspercreme dạng bôi có công dụng trị ngứa da do con trùng cắn

2. Tác dụng phụ của thuốc Aspercreme

Khi sử dụng thuốc Aspercreme, người bệnh có thể bị mẩn đỏ, cảm giác châm chích, sưng tấy tạm thời tại vị trí bôi thuốc. Hãy báo cho bác sĩ nếu các tác dụng phụ trên của thuốc Aspercreme trầm trọng hoặc kéo dài. Trong một số rất hiếm trường hợp, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng như:

  • Thở chậm, thở nông, co giật
  • Da xanh xao, mệt mỏi bất thường
  • Nhịp tim nhanh, chậm, không đều
  • Các triệu chứng của phản ứng nghiêm trọng với thuốc như chóng mặt, buồn nôn, ngứa, phát ban, khó thở,...

Người bệnh hãy gọi cấp cứu hoặc nhờ người thân đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu sau khi dùng thuốc xuất hiện các triệu chứng như trên.

Trên đây không phải đầy đủ các tác dụng phụ của thuốc Aspercreme có thể xảy ra., Người bệnh hãy ngay lập tức báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được thăm khám nếu sau khi sử dụng thuốc Aspercreme, cơ thể xuất hiện các triệu chứng khác với liệt kê ở trên.

3. Các thận trọng khi dùng thuốc Aspercreme

Trước khi sử dụng thuốc Aspercreme, người bệnh hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu có một trong các tình trạng sau đây:

  • Dị ứng với Lidocain hoặc các thuốc gây mê nhóm amide khác như bupivacain, prilocaine hoặc có bất kỳ dị ứng với thuốc hoặc thức ăn nào khác.
  • Có các tiền sử bệnh, đặc biệt là da bị rạn, nhiễm trùng da ở khu vực sử dụng lidocain, mắc bệnh tim, bệnh gan, methemoglobin huyết,...

Một số thận trọng khác khi sử dụng thuốc Aspercreme gồm:

  • Nếu người bệnh được chụp MRI, hãy báo với nhân viên y tế phòng chụp biết đang sử dụng thuốc Aspercreme. Một số dạng bào chế của thuốc có thể chứa kim loại, gây nguy cơ bỏng khi chụp MRI.
  • Trước khi phẫu thuật hoặc thực hiện các thủ thuật nha khoa, hãy báo cho bác sĩ tất cả các thuốc đang sử dụng, kể cả những thuốc dùng ngoài da như Aspercreme.
  • Thận trọng dùng thuốc Aspercreme cho trẻ em vì trẻ nhạy cảm hơn với tác dụng phụ của thuốc.
  • Trong thời kỳ mang thai, chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết, được sự chỉ định của bác sĩ.
  • Thuốc Aspercreme có thể đi vào sữa mẹ nhưng ít gây ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng thuốc Aspercreme trong thời kỳ cho con bú.

Thận trọng khi dùng thuốc Aspercreme với phụ nữ cho con bú vì thuốc có thể đi vào sữa mẹ
Thận trọng khi dùng thuốc Aspercreme với phụ nữ cho con bú vì thuốc có thể đi vào sữa mẹ

4. Một số lưu ý khác khi sử dụng thuốc Aspercreme

4.1. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc dùng đồng thời có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc hoặc tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng. Để giảm nguy cơ gặp các tương tác thuốc, trước khi sử dụng thuốc Aspercreme người bệnh hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ tất cả các thuốc kê đơn và không kê đơn đang sử dụng.

4.2. Xử lý khi sử dụng thuốc Aspercreme quá liều

Thuốc Aspercreme có thể gây hại nếu hít phải hoặc nuốt phải. Một số triệu chứng khi sử dụng thuốc quá liều gồm buồn ngủ, nhịp tim không đều, co giật,... Hãy đưa người bệnh đến ngay khoa cấp cứu của cơ sở y tế gần nhất nếu không may dùng thuốc quá liều và xuất hiện các triệu chứng như trên.

4.3. Làm gì nếu quên dùng một liều thuốc?

Nếu người bệnh đang dùng thuốc Aspercreme theo một lịch trình thường xuyên và quên dùng một liều thuốc, hãy dùng thuốc ngay khi bạn nhớ ra. Nếu lúc nhớ ra đã gần đến thời điểm của liều thuốc tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và sử dụng liều thuốc tiếp theo vào thời điểm như bình thường. Không nên dùng gấp đôi liều thuốc để bù lại liều đã quên.

4.4. Cách bảo quản thuốc Aspercreme

Bảo quản thuốc Aspercreme trong điều kiện nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng trực tiếp và hơi ẩm cao. Không được đóng băng thuốc, giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và vật nuôi. Đối với thuốc Aspercreme dạng bình xịt và bình tạo bọt, chú ý không được để thuốc gần ngọn lửa vì có thể xảy ra nguy cơ cháy nổ.

Thuốc Aspercreme chứa Lidocain, được chỉ định dùng ngoài da để giảm đau do bỏng nhẹ, côn trùng cắn, ngứa da, dùng gây tê trong một số thủ thuật nội soi. Để đảm bảo an toàn, người bệnh cần thực hiện theo đúng hướng dẫn hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe