Các biện pháp tránh thai hiện nay rất đa dạng, phong phú như bao cao su, thuốc tránh thai khẩn cấp, thuốc tránh thai tháng, thuốc diệt tinh trùng... Một dạng tránh thai đặc biệt nhưng ít thông dụng, đó là thuốc tránh thai sử dụng trong 3 tháng có tên Amethia. Vậy thuốc Amethia là thuốc gì?
1. Thuốc Amethia chữa bệnh gì?
Thuốc Amethia là thuốc gì? Đây là nhóm thuốc tránh thai dạng hormone kết hợp. Amethia bao gồm 2 hormone: progestin (dạng levonorgestrel) và estrogen (dạng ethinyl estradiol).
Amethia có tác dụng ngăn chặn quá trình rụng trứng của chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, thuốc tránh thai Amethia có các tác dụng khác như tạo ra lớp dịch âm đạo dày hơn để ngăn quá trình tinh trùng gặp trứng để thụ tinh và thay đổi lớp niêm mạc tử cung để hợp tử không thể bám vào.
Bên cạnh tác dụng tránh thai thì thuốc Amethia chữa bệnh gì cũng được rất nhiều người quan tâm. Thực tế, thuốc điều trị các vấn đề sau:
- Điều hòa kinh nguyệt: giúp chu kỳ đều hơn, giảm lượng máu mất và tình trạng đau bụng kinh;
- Giảm nguy cơ u nang buồng trứng;
- Điều trị mụn trứng cá.
Sử dụng thuốc tránh thai Amethia không có tác dụng phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục (như HIV, lậu, chlamydia).
2. Cách sử dụng thuốc tránh thai Amethia
Đọc Hướng dẫn sử dụng trước khi sử dụng thuốc tránh thai Amethia. Những hướng dẫn này rất quan trọng về thời điểm uống thuốc và cần làm gì khi bỏ lỡ một liều.
Thuốc tránh thai Amethia sử dụng theo đường uống dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, mỗi ngày một lần. Người bệnh nên lựa chọn thời điểm dễ nhớ để uống thuốc và duy trì đều đặn cùng một thời điểm mỗi ngày.
Người sử dụng muốn tránh thai an toàn cần phải uống thuốc Amethia một cách chính xác theo quy định của bác sĩ. Làm theo hướng dẫn để uống viên thuốc đầu tiên và uống các viên còn lại theo thứ tự của vỉ thuốc. Không được bỏ qua bất kỳ viên thuốc nào. Chị em có thể mang thai nếu bỏ lỡ thuốc, khi đó nên bắt đầu vỉ thuốc mới hoặc sử dụng thuốc vào thời điểm khác trong ngày.
Nếu người sử dụng thấy đau bụng hoặc buồn nôn do thuốc Amethia, hãy uống thuốc sau ăn tối hoặc trước khi đi ngủ. Bất kể sử dụng thuốc thời điểm nào, điều rất quan trọng là dùng thuốc cùng một thời điểm mỗi ngày, cách nhau 24 giờ.
Bắt đầu uống thuốc tránh thai Amethia vào chủ nhật đầu tiên sau khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Nếu kỳ kinh bắt đầu vào Chủ nhật, hãy bắt đầu uống thuốc Amethia vào ngày hôm đó.
Vỉ thuốc Amethia có chứa 84 viên dạng kết hợp estrogen/progestin và 7 viên chỉ chứa estrogen. Mỗi ngày người dùng cần uống một viên thuốc dạng kết hợp và uống trong 84 ngày liên tiếp. Ngày đầu tiên sau khi hết thuốc dạng kết hợp, người dùng thuốc hãy bắt đầu uống mỗi ngày một viên thuốc chỉ chứa estrogen trong 7 ngày liên tiếp. Chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở lại trong tuần sử dụng thuốc chỉ chứa estrogen.
Ở những người lần đầu sử dụng thuốc tránh thai Amethia, tốt nhất nên sử dụng kèm một phương pháp ngừa thai không nội tiết tố (như bao cao su hoặc thuốc diệt tinh trùng) trong 7 ngày đầu để thuốc có hiệu lực. Nếu uống thuốc vào ngày đầu tiên của kỳ kinh, bạn không cần phải sử dụng biện pháp tránh thai dự phòng trong tuần đầu tiên.
Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn chuyển từ các hình thức tránh thai nội tiết tố khác (như miếng dán, các thuốc tránh thai khác) sang thuốc tránh thai Amethia.
3. Phản ứng phụ của thuốc tránh thai Amethia
Khi uống thuốc tránh thai Amethia có thể xảy ra các dấu hiệu sau:
- Buồn nôn, nôn ói;
- Đau đầu;
- Đầy bụng;
- Căng tức ngực;
- Sưng phù mắt cá chân, bàn chân (do giữ nước) hoặc thay đổi cân nặng;
- Hiện tượng chảy máu âm đạo giữa các kỳ kinh có thể xảy ra, đặc biệt là trong những tháng đầu sử dụng.
Khi sử dụng thuốc tránh thai Amethia, bạn sẽ không có kinh trong 3 tháng khi uống viên dạng kết hợp. Chu kỳ kinh nguyệt sẽ có mỗi 3 tháng, trong tuần uống viên thuốc chỉ chứa estrogen. Đây là những tác dụng bình thường, tuy nhiên nếu người sử dụng không có kinh ở 7 ngày đó, hãy liên hệ với bác sĩ để thử thai.
Thuốc tránh thai Amethia có thể ảnh hưởng huyết áp của bạn. Kiểm tra, đo huyết áp thường xuyên và khi huyết áp cao cần báo cho bác sĩ.
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn của thuốc tránh thai Amethia, bao gồm:
- Khối u ở vú;
- Thay đổi tâm thần, tâm trạng như trầm cảm mới khởi phát hoặc trầm trọng hơn;
- Đau dạ dày, đau bụng dữ dội;
- Xuất huyết âm đạo bất thường như ra máu liên tục, ra máu đột ngột nhiều, trễ kinh;
- Nước tiểu sẫm màu, vàng mắt, vàng da.
Bên cạnh đó, thuốc tránh thai Amethia có thể gây tác dụng phụ rất nghiêm trọng (đôi khi gây tử vong) do cục máu đông nhưng tỷ lệ rất thấp (như huyết khối tĩnh mạch sâu, bệnh mạch vành, thuyên tắc phổi, đột quỵ). Những dấu hiệu nhận biết tác dụng phụ này như:
- Đau ngực, lan lên hàm hoặc cánh tay trái;
- Lú lẫn, chóng mặt hoặc ngất xỉu đột ngột;
- Đau, sưng, sờ nóng ở bẹn hoặc bắp chân;
- Nói chuyện lắp bắp;
- Khó thở đột ngột hoặc thở nhanh;
- Đau đầu bất thường như đau đầu kèm thay đổi thị lực, đau nửa đầu nặng hơn, đau đầu đột ngột và rất dữ dội;
- Đổ mồ hôi bất thường;
- Yếu cơ một bên cơ thể, thay đổi thị lực (như nhìn đôi, mù tạm thời hoặc vĩnh viễn).
Thuốc tránh thai Amethia hiếm khi gây ra tình trạng dị ứng nghiêm trọng.
4. Biện pháp phòng ngừa các tác dụng phụ của thuốc tránh thai Amethia
Khai thác tiền sử người bệnh về vấn đề dị ứng với ethinyl estradiol hoặc levonorgestrel, tình trạng dị ứng với estrogen hoặc progestin khác hoặc bất kỳ bệnh dị ứng nào khác. Cần chú ý bệnh nhân có những bệnh lý trước đây khi sử dụng thuốc tránh thai Amethia:
- Huyết khối ở chân, mắt, phổi hoặc rối loạn đông cầm máu (như thiếu hụt protein C hoặc protein S);
- Tăng huyết áp;
- Khám tầm soát vú bất thường;
- Ung thư (đặc biệt là ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư vú );
- Rối loạn cholesterol máu, tiểu đường;
- Trầm cảm;
- Tiền sử gia đình hoặc cá nhân bị phù mạch;
- Bệnh lý túi mật
- Đau đầu hoặc chứng migraine;
- Bệnh lý tim như bệnh van tim, nhịp tim không đều, nhồi máu cơ tim trước đây;
- Tiền sử vàng mắt, vàng da khi mang thai hoặc khi sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố khác;
- Bệnh thận, bệnh gan, đột quỵ, bệnh lý tuyến giáp;
- Chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân.
Ở bệnh nhân đái tháo đường, thuốc tránh thai Amethia có thể ảnh hưởng đến đường huyết. Kiểm tra đường huyết của bạn thường xuyên và chia sẻ kết quả với bác sĩ. Bác sĩ có thể điều chỉnh các biện pháp điều trị để kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn. Những người sử dụng đã hoặc sẽ phẫu thuật hoặc phải ngồi liên tục (như đi chuyến bay dài) cần báo cho bác sĩ. Theo đó, những điều kiện trên làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối, đặc biệt khi đang sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố.
Nếu bạn cận thị hoặc đeo kính áp tròng, khi sử dụng thuốc tránh thai Amethia và có những vấn đề về thị lực hoặc khó đeo kính áp tròng. Liên hệ với bác sĩ nhãn khoa để có hướng xử trí thích hợp.
Khả năng mang thai có thể lâu hơn sau khi bạn ngừng uống thuốc tránh thai. Bên cạnh đó, bạn không sử dụng thuốc Amethia trong khi đang mang thai. Nếu bạn có thai hoặc nghi ngờ có thai hãy báo ngay cho bác sĩ. Ở những người vừa sinh con hoặc sảy thai, phá thai trong 3 tháng gần đây, tham khảo bác sĩ về những cách tránh thai đáng tin cậy và tìm hiểu thời điểm an toàn để bắt đầu sử dụng thuốc tránh thai có chứa estrogen, trong đó có thuốc Amethia.
Thuốc Amethia có thể làm giảm sản xuất sữa mẹ. Một lượng nhỏ thuốc có khả năng đi vào sữa mẹ và có thể gây những tác dụng không mong muốn đối với trẻ bú mẹ.
5. Tương tác của thuốc tránh thai Amethia
Các sản phẩm có thể gây ra hiện tượng tương tác thuốc Amethia bao gồm:
- Chất ức chế aromatase (như anastrozole, exemestane);
- Ospemifene;
- Tamoxifen;
- Tizanidine;
- Axit tranexamic;
- Các sản phẩm điều trị viêm gan C mãn tính (ombitasvir, paritaprevir, ritonavir kèm hoặc không dasabuvir).
Một số loại thuốc có thể khiến thuốc tránh thai hormone kém hiệu quả hơn do ức chế các hormone này và dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Ví dụ griseofulvin, modafinil, rifamycin (rifampin, rifabutin), thuốc điều trị động kinh (barbiturat, carbamazepin, felbamate, phenytoin, primidone, topiramate), thuốc kiểm soát tải lượng HIV (như nelfinavir, nevirapine, ritonavir). Vì thế, khi có yêu cầu sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mới, bạn hãy thảo luận với bác sĩ xem có nên sử dụng thêm biện pháp tránh thai đáng tin cậy khác hay không.
Ngoài ra, thuốc tránh thai Amethia ảnh hưởng đến kết quả một số xét nghiệm như các yếu tố đông máu, chức năng tuyến giáp...Do đó, người bệnh cũng cần thường xuyên tái khám theo lịch hẹn để được khám và làm các xét nghiệm. Bạn cần khám sức khỏe định kỳ, làm các xét nghiệm và thăm khám như đo huyết áp, khám vú, khám vùng chậu, phết tế bào cổ tử cung... để theo dõi các tác dụng phụ. Tham khảo hướng dẫn sử dụng thuốc để được tư vấn về liều đã quên. Bạn có thể cần sử dụng biện pháp tránh thai dự phòng như bao cao su, thuốc diệt tinh trùng... để tránh thai an toàn.
Nếu bạn đang sử dụng thuốc tránh thai Amethia, khi có nhu cầu chuyển sang phương thức khác hãy liên hệ với bác sĩ để thảo luận.
Thuốc Amethia là loại thuốc tránh thai ít thông dụng. Ngoài tác dụng tránh thai, thuốc Amethia còn được chỉ định điều trị một số bệnh lý. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc Amethia có thể gây ra một số tác dụng phụ. Vì thế, bạn có thể cân nhắc các biện pháp tránh thai ít tác dụng phụ hơn. Nếu chưa thực sự hiểu rõ về các phương pháp tránh thai cũng như cách sử dụng thuốc bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và được tư vấn về kế hoạch sinh sản, lựa chọn phương pháp tránh thai phù hợp, đảm bảo thiên chức làm mẹ sau này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com