Thuốc Acebutolol HCL: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Acebutolol HCl là thuốc chống tăng huyết áp nhóm chẹn beta, được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân bị cao huyết áp và rối loạn nhịp tim. Để đạt hiệu quả điều trị cao nhất, người bệnh nên uống thuốc acebutolol HCL thường xuyên, tốt nhất là uống vào cùng một thời điểm trong ngày.

1. Thuốc Acebutolol HCl điều trị bệnh gì?

Acebutolol HCl là thuốc chống tăng huyết áp nhóm chẹn beta. Thuốc tác động bằng cách ngăn chặn một số chất tự nhiên trong cơ thể như Epinephrin trên tim và mạch máu, từ đó giúp giảm nhịp tim, huyết áp và áp lực lên tim. Thuốc Acebutolol HCl được chỉ định để điều trị cao huyết áp và rối loạn nhịp tim. Kiểm soát tốt huyết áp và nhịp tim sẽ giúp ngăn ngừa đột quỵ, đau tim và các tổn thương trên thận.

Thuốc Acebutolol HCl được sử dụng như sau:

  • Thuốc được dùng bằng đường uống cùng với thức ăn hoặc không tùy theo hướng dẫn của bác sĩ, thường dùng một hoặc hai lần mỗi ngày. Liều lượng thuốc được bác sĩ kê đơn tùy theo tình trạng sức khỏe và đáp ứng điều trị của người bệnh.
  • Để đạt hiệu quả điều trị cao nhất, người bệnh nên uống thuốc thường xuyên. Để thuận tiện cho ghi nhớ, người bệnh nên uống thuốc vào cùng một thời điểm trong ngày.
  • Có thể phải mất vài tuần, hiệu quả của thuốc trong việc kiểm soát huyết áp mới thể hiện rõ. Tiếp tục dùng thuốc ngay cả khi chỉ số huyết áp đã về mức bình thường.

Hãy báo cho bác sĩ nếu sử dụng thuốc Acebutolol HCl nhưng tình trạng huyết áp không được cải thiện, chỉ số huyết áp không giảm, thậm chí còn tăng lên.


Thuốc có tác dụng ngăn ngừa tình trạng đột quỵ
Thuốc có tác dụng ngăn ngừa tình trạng đột quỵ

2. Các tác dụng phụ của thuốc Acebutolol HCl

Bệnh nhân cao huyết áp điều trị bằng thuốc Acebutolol có thể gặp một số tác dụng phụ như mệt mỏi, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tim đập chậm, khó ngủ. Hãy báo cho bác sĩ nếu các tác dụng phụ trên kéo dài hoặc ngày càng trầm trọng. Để giảm nguy cơ chóng mặt và choáng váng, nếu muốn đứng dậy từ tư thế ngồi hoặc nằm, người bệnh nên đứng dậy từ từ.

Thuốc Acebutolol có thể làm giảm lưu lượng máu đến các chi, bàn tay, bàn chân khiến các chi cảm thấy lạnh. Hút thuốc lá sẽ làm nặng thêm tình trạng này. Do đó, người bệnh hãy mặc ấm và tránh sử dụng thuốc lá trong thời gian điều trị bằng thuốc.

Các phản ứng phụ nghiêm trọng khi sử dụng thuốc bao gồm:

  • Các triệu chứng của bệnh hen suyễn như cảm giác tức ngực, khó thở, ho, khò khè
  • Ngón tay, ngón chân tái xanh
  • Ngất xỉu
  • Nhịp tim rất chậm
  • Các triệu chứng suy tim như khó thở, sưng mắt cá chân, bàn chân mệt mỏi bất thường, đột ngột tăng cân,...
  • Các triệu chứng thay đổi tâm trạng như lú lẫn, trầm cảm, giảm trí nhớ
  • Thay đổi thị lực
  • Các triệu chứng tổn thương gan như nước tiểu sẫm màu, buồn nôn dai dẳng, nôn mửa, đau dạ dày, đau bụng, vàng da, vàng mắt,...
  • Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc như phát ban; ngứa, sưng đặc biệt ở mặt, lưỡi, cổ họng; chóng mặt nghiêm trọng, khó thở.

Trên đây không phải tất cả các tác dụng phụ có thể xảy ra. Do đáp ứng của thuốc với mỗi cá thể là khác nhau, do đó một số trường hợp có thể xuất hiện các tác dụng phụ khác với liệt kê ở trên. Người bệnh hãy liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ để tư vấn nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình dùng thuốc.


Thuốc có thể gây ra triệu chứng trầm cảm
Thuốc có thể gây ra triệu chứng trầm cảm

3. Cẩn trọng khi sử dụng thuốc Acebutolol HCl

Trước khi dùng thuốc Acebutolol HCl, hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu người bệnh có một trong các tình trạng sau đây:

  • Dị ứng với Acebutolol hoặc có bất kỳ dị ứng với thuốc hoặc thức ăn nào khác.
  • Có tiền sử các bệnh về tuần hoàn máu (như bệnh Raynaud, bệnh mạch máu ngoại vi); các bệnh về hô hấp (như hen suyễn, viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng); các bệnh về tim như suy tim, đau tim, rối loạn nhịp tim; các bệnh về thận, bệnh về gan, rối loạn tâm thần; bệnh nhược cơ; bệnh cường giáp; có tiền sử dị ứng nghiêm trọng,...

Bác sĩ sẽ có sự điều chỉnh đơn thuốc phù hợp tùy theo tình trạng cụ thể của người bệnh.

Thuốc Acebutolol HCl có thể làm cho người bệnh bị chóng mặt. Do đó, không nên lái xe, sử dụng máy móc cho đến khi tỉnh táo hoàn toàn. Rượu sẽ làm tình trạng chóng mặt trở nên nặng hơn. Vì vậy cần hạn chế rượu và đồ uống có cồn trong thời gian điều trị bằng thuốc Acebutolol HCl.

Nếu người bệnh bị tiểu đường, thuốc Acebutolol có thể che dấu triệu chứng nhịp tim nhanh thường thấy khi lượng đường trong máu xuống quá thấp. Các triệu chứng khác của lượng đường trong máu xuống thấp như chóng mặt, đổ mồ hôi không bị ảnh hưởng. Thuốc Acebutolol có thể khiến người bệnh tiểu đường khó kiểm soát đường huyết hơn. Do đó hãy kiểm tra lượng đường huyết thường xuyên hơn trong thời gian điều trị bằng Acebutolol. Báo ngay cho bác sĩ ngay cho bác sĩ nếu chỉ số đường huyết cao bất thường hoặc có các triệu chứng đường huyết cao như rất khát, đi tiểu nhiều,... Bác sĩ có thể can thiệp bằng điều chỉnh liều thuốc tiểu đường, tăng cường chế độ tập luyện và kiểm soát chế độ ăn chặt chẽ hơn.

XEM THÊM: Chế độ dinh dưỡng và luyện tập cho người bệnh tiểu đường

Trẻ sinh ra từ những bà mẹ dùng thuốc Acebutolol trong thời kỳ mang thai có thể bị nhẹ cân, có nguy cơ bị nhịp tim chậm, huyết áp thấp,.. Do đó, thuốc Acebutolol chỉ nên được sử dụng trong thời kỳ mang thai khi thật cần thiết. Bên cạnh đó, thuốc cũng có thể đi vào sữa mẹ. Vì thế hãy thảo luận về những rủi ro và lợi ích với bác sĩ khi sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai và cho con bú.


Thuốc Acebutolol HCl có thể gây chóng mặt cho người uống
Thuốc Acebutolol HCl có thể gây chóng mặt cho người uống

4. Sự tương tác thuốc

Các tương tác giữa các thuốc dùng đồng thời có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, người bệnh cần báo cho bác sĩ tất cả các thuốc đang sử dụng, bao gồm các thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thuốc có nguồn gốc thảo dược, thực phẩm chức năng,... Bác sĩ sẽ kiểm tra các tương tác có thể xuất hiện giữa các thuốc người bệnh đang sử dụng với thuốc Acebutolol phát hiện sớm các tương tác bất lợi có thể xảy ra. Người bệnh không được tự ý sử dụng, thay đổi liều hoặc ngừng bất kỳ loại thuốc nào mà không được sự chấp thuận của bác sĩ.

Các thuốc có thể tương tác với Acebutolol HCl là:

  • Fingolimod
  • Nhiều sản phẩm trị ho, cảm lạnh, thuốc giảm cân; các thuốc giảm đau, chống viêm NSAID (như Ibuprofen, Naproxen) có thể làm tăng nhịp tim hoặc huyết áp. Do đó hãy báo cho bác sĩ và dược sĩ các thuốc đang sử dụng để được tư vấn sử dụng thuốc một cách an toàn.

Thuốc Acebutolol HCl có thể gây ra một số tương tác với tuốc Fingolimod
Thuốc Acebutolol HCl có thể gây ra một số tương tác với tuốc Fingolimod

5. Các lưu ý khác khi sử dụng thuốc Acebutolol HCl

5.1. Xử lý khi dùng thuốc quá liều

Nếu sử dụng thuốc quá liều, người bệnh có thể có một số triệu chứng như nhịp tim chậm bất thường, suy nhược, ngất xỉu, khó thở. Nếu có các triệu chứng như trên, hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

5.2. Làm gì nếu bạn bị lỡ một liều thuốc Acebutolol HCl?

Khi quên uống một liều thuốc Acebutolol, hãy uống ngay khi nhớ ra. Nếu đã gần với thời điểm uống liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều thuốc Acebutolol HCl đã quên và uống liều tiếp theo vào thời điểm như bình thường. Người bệnh tuyệt đối không được uống gấp đôi liều Acebutolol để bù lại liều thuốc đã quên.


Nếu bạn bị quên liều, hãy uống ngay Acebutolol HCl khi nhớ ra
Nếu bạn bị quên liều, hãy uống ngay Acebutolol HCl khi nhớ ra

5.3. Cách bảo quản thuốc Acebutolol HCl

Thuốc Acebutolol HCl được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng trực tiếp và độ ẩm cao. Hãy giữ thuốc Acebutolol HCl tránh xa tầm tay trẻ em và vật nuôi để đảm bảo an toàn.

Tăng cường vận động, tập luyện thể dục, thể thao và thay đổi chế độ ăn uống có thể làm tăng hiệu quả của Acebutolol. Tự kiểm tra huyết áp và nhịp tim thường xuyên trong quá trình dùng thuốc, chia sẻ kết quả với bác sĩ trong quá trình dùng thuốc

Thuốc Acebutolol HCl là thuốc chống tăng huyết áp nhóm chẹn beta. Để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất, người bệnh cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu trong trường hợp sử dụng thuốc, tình trạng huyết áp không cải thiện, người bệnh cần đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe